Ngao ngán vì 'cửa' phí, lệ phí

Thành Luân 13/10/2016 14:10

Dẫn chứng trường hợp đăng ký sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, một doanh nghiệp phải thực hiện hơn 20 loại công việc, thủ tục khác nhau và phải qua nhiều “cửa”, cùng phát sinh các chi phí liên quan.

Ngao ngán vì 'cửa' phí, lệ phí

Ảnh minh họa.

Đó là thực tế được nêu ra tại Hội thảo tham vấn ý kiến, với chủ đề “Hoàn thiện công cụ đo lường chi phí tuân thủ thủ tục hành chính” do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ và Tổ chức USAID (Mỹ) tổ chức vào ngày 12/10 tại TP HCM.

Phần đông đại diện các doanh nghiệp (DN) tại hội thảo than phiền về việc chưa minh bạch các loại phí, lệ phí, cũng như việc DN phải phát sinh thêm nhiều các chi phí đi lại, chi phí chờ đợi để hoàn thiện một hồ sơ TTHC liên quan.

Ông Lê Duy Bình - Giám đốc công ty Economica cho biết, hiện nay cách hiểu về chi phí để thực hiện mỗi TTHC là chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ và liên lạc với cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ.

Chi phí này dựa trên cơ sở thời gian cần thiết để đối tượng thực hiện (người dân, DN) hoàn thành hồ sơ hành chính, với thu nhập tương ứng của người đó. Mặc dù vậy, trên thực tế thì vẫn chưa có sự minh bạch trong đo lường các phí, lệ phí của các TTHC.

Ông Bình dẫn chứng trường hợp đăng ký sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, một doanh nghiệp phải thực hiện hơn 20 loại công việc, thủ tục khác nhau và phải qua nhiều “cửa”, cùng phát sinh các chi phí liên quan…

Không chỉ đối với đăng ký sản phẩm bảo hiểm, đại diện công ty Economica cũng dẫn chứng trường hợp các thủ tục đối với các DN dệt may cũng phản ánh khi kiểm định formadehyt và amin thơm thì DN được yêu cầu cắt nửa mét vải để kiểm định.

Quy định này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các DN may com-lê, may thủ công với khối lượng hàng nhập không nhiều, trong khi chi phí cho 1m da có khi lên đến hàng chục triệu đồng, do đó nếu cắt ra nửa mét để kiểm định thì chi phí DN chịu thiệt hại cho thủ tục này là rất lớn.

Tương tự, đại diện một số DN thủy sản cũng băn khoăn vì thủ tục miễn thuế đối với nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thời gian qua cũng chưa được quy đinh rõ ràng, và thời gian qua chi phí phát sinh cho DN là rất lớn. Do đó, nên chăng gỡ khó được quy định này thì cả DN và cơ quan Hải quan đều có lợi.

Tại Hội thảo, ông Ngô Hải Phan - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ nhận định, qua ý kiến của đại diện người dân, DN cho thấy quy định về các phí và lệ phí còn chưa phù hợp với đời sống thực tế, cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Nhiều DN than phiền về “gánh nặng” phải hoàn tất các hồ sơ, thủ tục đầu tư khi các văn bản luật còn chồng chéo với thông tư, nghị định, bộ luật.

Do đó, rõ ràng đã đến lúc phải hoàn thiện được một công cụ đo lường chi phí tuân thủ TTHC một cách chặt chẽ và phù hợp.

Ông Ngô Hải Phan nhìn nhận, không chỉ riêng về các loại phí, lệ phí mà ngay cả chi phí đi lại của DN, người dân trong quá trình hoàn thiện hồ sơ TTHC cũng là một vấn đề gây bức xúc.

“Ngay chuyện DN đi nộp hồ sơ cũng phát sinh chi phí. Ví dụ DN ở Cà Mau mà bắt phải ra Hà Nội nộp hồ sơ và hoàn tất các chi phí TTHC thì cũng là bất hợp lý và gây tốn kém cho DN.

Như vậy là chúng ta phải đưa ra được một hệ quy chiếu phù hợp hơn và nên chăng phân cấp cho địa phương để tránh phát sinh chi phí cho DN” - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ.

Đại diện Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp), để việc hoạch định chính sách, cụ thể là đo lường việc tuân thủ TTHC cần thiết phải dựa trên một cơ sở thống nhất, trên cơ sở hợp lý, minh bạch, công khai.

Đại diện Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương góp ý, ngoài có sự đo lường cụ thể các mức phí, lệ phí chính thức thì định mức phí chờ đợi để nhận kết quả là bao nhiêu cũng phải tính cụ thể vì chi phí này không thể để người dân, DN phải gánh chịu.

Do đó, đề nghị khi quy định phí, lệ phí hồ sơ TTHC cũng phải tính toán, tránh phát sinh chi phí phiền hà cho DN, người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngao ngán vì 'cửa' phí, lệ phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO