Ngặt nghèo điều kiện kinh doanh

Thanh Giang 07/09/2016 10:02

Ông Lê Mạnh Hà-Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thẳng thắn thừa nhận, Luật Đầu tư và Doanh nghiệp mới ra đời nhưng chưa thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nội dung trong từng luật rườm rà khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau.

Ngặt nghèo điều kiện kinh doanh

Nhiều quy định kinh doanh gây khó doanh nghiệp (Ảnh: S. Xanh).

Mơ hồ “điều kiện” kinh doanh

Theo giới luật sư, Luật Đầu tư, kinh doanh liên tục được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thật sự thông thoáng và gây khó khăn cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bằng chứng, Luật Doanh nghiệp mới khẳng định rõ, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật không cấm. Tuy nhiên quy định trên vẫn trói buộc doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Trí – Luật sư điều hành Văn phòng Luật sư Fujila cho rằng, quy định tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm doanh nghiệp rất vui. Thế nhưng luật này tiếp tục bất cập vì không hiểu tại sao tự do mà vẫn phải đăng ký? “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: máy tính, dịch vụ… nói là có điều kiện. Vậy mà không có điều kiện cụ thể gì cả vậy có cần quy định không?” - ông Trần Anh Đức, đại diện Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế nêu quan điểm.

Liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, quy định nguyên tắc xác định từng loại điều kiện kinh doanh (tài chính, vốn đầu tư, mặt bằng kinh doanh…) nhưng đối với nghề sản xuất mũ bảo hiểm thì có cần điều kiện hay không?

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế khẳng định, ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần thực hiện bài bản hơn và quy chuẩn kỹ thuật. Tránh tình trạng đưa ra các điều kiện chung chung kiểu “phù hợp”, “theo yêu cầu”…

Dự kiến, trong tổng số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã đề xuất bỏ 68 ngành nghề; sửa 26 ngành nghề; đề xuất bổ sung thêm 12 ngành nghề; đề xuất hợp nhất 17 ngành nghề. Nhiều ý kiến nêu quan điểm, Chính phủ, VCCI, các hiệp hội, giới kinh doanh cần tiếp tục đối thoại và rà soát danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi một số quy định đầu tư đang soạn thảo.

Vô số giấy chứng nhận “đè” nhà đầu tư

Ngoài những khó khăn về kinh doanh trong nước, đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận đầu tư. Luật Đầu tư và Doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2015, song đến nay Chính phủ chưa ban hành được danh mục thống nhất các lĩnh vực đầu tư có điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại.

Trước đây, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài chỉ cần một giấy chứng nhận đầu tư. Luật mới đã tách thành ba loại giấy phép: giấy chấp nhận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong đó giấy phép chấp nhận chủ trương đầu tư đang gây nhiều khó khăn nhất.

Đơn cử, dự án có khoảng 10 nhà đầu tư tham gia đều phải xin chấp nhận chủ trương. Khi nhà đầu tư chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác với các nhà đầu tư thứ cấp khác sẽ tiếp tục xin giấy phép chấp thuận chủ trương. Chưa hết, Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư nắm giữ trên 51% vốn điều lệ thì phải đăng ký đầu tư.

Hoặc khi có một doanh nghiệp khác tham gia cổ phần có tỷ lệ chiếm trên 51% vốn điều lệ cũng phải đăng ký đầu tư lại. Theo doanh nghiệp, không cần phải nhiêu khê trong việc đăng ký giấy chứng nhận đầu tư khi xuất hiện nhà đầu tư mới. Làm như vậy chỉ tạo thêm việc làm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, tại các buổi lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh có rất nhiều đề xuất mong muốn xác định ngành nghề kinh doanh, giấy chứng nhận kinh doanh,… phải cụ thể và nhanh chóng hơn. Bởi quy định hiện tại đang mâu thuẫn, chồng chéo làm khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngặt nghèo điều kiện kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO