Ngày xuân nhởn nha tản mạn về văn hóa Hà Thành

Nhà văn Nguyễn Hiếu 25/01/2017 15:10

Hồng Hà trong tiếng nôm còn được gọi là sông Cái với nghĩa kính trọng và thương yêu – Sông Mẹ. Sông Cái chảy ngoằn ngoèo qua nhiều vùng đất và mang nhiều tên nhưng đến với Thành Thăng Long, dòng sông phì nhiêu và lực lưỡng nay lại có tên là Nhĩ Hà – do hình dáng của khúc sông bao quanh Hà Thành hao hao hình chiếc tai hướng ra đón nhận đủ muôn tiếng thì thầm lắng đọng của bốn phương, của quá khứ và tương lai chắt lọc nên những gì tinh túy để làm nên lề thói, tập tục, lối sống và văn hóa cho đất n

1. Hà Nội được thiên nhiên ưu đãi cho một địa thế thuận lợi về nhiều mặt khi thuộc vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng trù phú. Không phải bỗng nhiên Lý Công Uẩn vị vua đầu tiên của triều Lý có tầm nhìn xa và chắc chắn am hiểu tường tận thuật phong thủy khi phát hiện ra vùng đất địa linh này với thế “rồng cuốn hổ nằm” đã làm cuộc thiên di vĩ đại rời đô từ đất Hoa Lư ra Thăng Long. Hơn 8 thế kỉ sau, đến năm 1831 khi nhà Tây Sơn lên ngôi lại lấy Huế làm kinh đô và Thăng Long trở thành địa phương thuộc tỉnh Hà Nội ( có nghĩa là trong sông ). Khi người Pháp chiếm Đông Dương vào năm 1858 thì chỉ 30 năm sau Tổng thống Pháp Sadi Camot kí sắc lệnh thành lập TP Hà Nội là thủ đô Liên bang Đông Dương. Cho dù thay đổi vị trí và tầm quan trong như thế nào dưới sự luân chuyển của các triều đại … thì Hà Nội với đặc trưng của mình vẫn luôn luôn giữ một vị thế đặc biệt.

Sau rất nhiều tên chính thống được dùng qua các triều đại như Thăng Long, Đại La, Đông Đô.. Hà Nội còn một tên được gọi trong dân gian – Kẻ Chợ. Chỉ nguyên tên gọi này đã khái quát đậm nét nền kinh tế khởi nguồn của kinh Thành Thăng Long cùng những đặc trưng cốt cách của đô thị này. Với tên gọi như vậy đã chứng minh Hà Nội là một trung tâm thương mại đi kèm với nền sản xuất tự phát.

Thời Minh Mạng, tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ và 15 huyện nằm giữa sông Hồng và sông Đáy. Sự phân chia về chức năng kinh tế đứng về nghề khá rạch ròi. Các huyện, phường, thôn phía tây, nam thuộc vùng canh tác nông nghiệp. Còn địa phận phía đông dành cho thương mại và sản xuất thủ công đây chính cơ sở đầu tiên hình thành ra bộ mặt đô thị của Hà Nội. Tên gọi của 36 phố phường chính là dấu tích ghi lại đặc trưng của Kẻ Chợ nơi để giao lưu buôn bán, đồng thời là nơi sản xuất các sản phẩm để kinh doanh, trao đổi không chỉ trong phạm vi Hà Nội mà còn với các địa phương khác nhờ sự đắc địa của vị trí, thuận lợi về giao thông. Đường thủy là sông Hồng và sông Đáy. Đường bộ thuộc vùng tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng và sau này thêm đường sắt xuyên Việt do người Pháp lập nên từ giữa thập kỉ 20 của thế kỉ 20. Sự sầm uất của Kẻ Chợ cùng sự phát đạt một thời của Hà Nội vì cũng một phần còn do Hà Nội vốn là một địa phương có nhiều sông. Sau này còn di sót bằng sự trù phú và rải tỏa đều khắp vùng đất Hà Nội là hệ thống sông, hồ thuộc nội thành.

Các phố nghề đều đạt đến đỉnh về tay nghề mà nhất là đối với những nghề ít nhiều cần đến yếu tố nghệ thuật còn mang cả sự vô hình trong sự truyền cảm đầy kiêu hãnh như phố Hàng Đàn nơi duy nhất làm được các loại đàn tranh, đàn đáy tuyệt hảo đủ sức thể hiện được tâm hồn, hào khí một vùng đất. Tính bền chặt, nếp sinh hoạt của dòng họ, phường cũng từ đó mà hình thành và tạo ra nét văn hóa cộng đồng ở Hà Nội là vậy…

Bên cạnh sự hành nghề đã đạt đến đỉnh cao thì Hà Nội từ một nghìn năm nay đã trở thành kinh thành của các triều vua. Do đó cũng trở thành trung tâm văn hóa của cả nước.

Năm 1070 nhà Lý lập Văn Miếu, mở khoa thi đầu tiên có tên Minh Kinh Bắc Học. Năm 1076 lập Quốc tử Giám cùng hàng loạt khoa thi. Nhà Trần lập Quốc học viện. Thời Lê xác lập ra chương trình thi cử. Ba năm thi hương , cho một kì thi Hội. Vì sự trọng học như vậy nên cùng với văn hóa dân gian sinh ra từ làng nghề, cùng các đặc trưng phong tục của các địa phương mang nghề vào Thăng Long là nền văn hóa bác học cùng lối sống quí tộc cung đình và đã từng ở cung đình đã tạo nên cốt cách đa dạng cho văn hóa Hà Nội .

Cũng không thể không tính, thành Thăng Long ở trung tâm trung lưu của sông Hồng, phía thượng lưu nối với các tỉnh Tây bắc, Việt bắc, phía nam nói với các tỉnh phía đông. Mỗi mùa gió nồm lại nườm nượp thuyền buồm thuyền chum từ xứ Thanh, xứ Nghệ, rồi cả xứ Tân gia ba (tên cũ của Inđônêxia) xứ Xiêm La (tên cũ của Thái Lan)... mang sản vật ra thông thương đồng thời mang theo văn hóa các vùng ra. Với sự hình thành bền vững của văn hóa dân gian (làng nghề) hòa vào văn hóa bác học( của cung đình và nhà nho) nên văn hóa Hà Thành chỉ chọn lọc các nét ưu tú của các dòng văn hoá đến mà không bị hòa tan…

Người Pháp chiếm được xứ Đông dương vào năm 1858. Năm 1888 Hà Nội trở thành Thủ đô Liên bang Đông dương. Đầu thế kỉ 20 người Pháp đã bắt đầu xây dựng Hà Nội những công trình văn hóa, những cơ sở kinh tế theo mô hình mẫu quốc để cai trị, khai thác thuộc địa qua các giai đoạn đồng thời phục vụ số người Pháp đang nắm giữ quyền cai trị và sinh sống ở đây. Cùng với việc xây dựng nhà Đốc lý, trường đua ngựa, khách sạn, Nhà thờ, nhà hát lớn, nhà thương ( bệnh viện)…Chính quyền cai trị Pháp cũng cho xây dựng nhà Bưu điện, Kho bạc, nhà máy sản xuất bia, diêm, hãng dệt... Vài năm sau cho thông thương tuyến đường sắt Bắc Nam thì người Pháp xây Ga Hà Nội, cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm, cùng một số cơ công nghiệp khác như nhà đèn, hai cơ sở sửa chữa ô tô thuộc Hãng Avia và Stay của chính quốc, hệ thống xe điện toả từ trung tâm đến 5 cửa ô...

Như vậy là khi bước vào thế kỉ 20 Hà Nội đã hình thành một nền kinh tế đa dạng. Bên cạnh làng nghề và các phố nghề sản xuất và kinh doanh sản phẩm Thủ công nghiệp truyền thống đã hình thành những nét sơ khai của nền kinh tế có yếu tố công nghiệp phương tây. Đến năm 1921 với số lượng xấp xỉ 4000 người châu Âu (trong đó đông nhất là Pháp, rồi đến Bồ Đào Nha...). Sự du nhập của văn hóa phương Tây với việc xây dựng các tòa nhà, dãy phố tây, cùng nền kinh tế công nghiệp, cơ khí đã xuất hiện và ngày càng rõ nét ở thành phố này thêm vào đó tầng lớp tư sản bản địa đang trong giai đoạn manh nha như Bạch Thái Bưởi, một lượng người Hoa cùng 100.000 dân bản địa, đã khiến Hà Nội dần dần biến từ một kinh thành phong kiến châu Á thành một thành phố mang dáng dấp đô thị Châu Âu...

2. Hồng Hà trong tiếng nôm còn được gọi là sông Cái với nghĩa kính trọng và thương yêu – Sông Mẹ. Sông Cái chảy ngoằn ngoèo qua nhiều vùng đất và mang nhiều tên nhưng đến với Thành Thăng Long, dòng sông phì nhiêu và lực lưỡng nay lại có tên là Nhĩ Hà – do hình dáng của khúc sông bao quanh Hà Thành hao hao hình chiếc tai hướng ra đón nhận đủ muôn tiếng thì thầm lắng đọng của bốn phương, của quá khứ và tương lai chắt lọc nên những gì tinh túy để làm nên lề thói, tập tục, lối sống và văn hóa cho đất nghìn năm.
Quê ngoại của tôi chỉ riêng tên gọi làng Chèm cũng đủ nói lên đó là làng cổ của Đại Việt ta từ thủa dựng nước. Quần tụ kéo dài dọc theo bờ sông Cái kề với làng tôi là chuỗi làng cũng mang những tên thuần Việt như vậy. Đó là làng Vẽ, làng Kẻ, làng Xù, làng Gạ, làng Cáo, làng Giàn, làng Noi, làng Đăm, làng Nhổn…

Riêng làng tôi nổi lên trong bàn dân thiên hạ với Vị đức Thành Hoàng tên Lý Ông Trọng. Vốn là quí nhân của nước Việt xưa nên Ngài được cử đi sứ phương Bắc. Ông có công dẹp giặc Hung Nô nên được Tần Thủy Hoàng gả con gái phong Phò Mã. Mặc dù bổng lộc, tước vị tót vời cao sang nhưng Ngài vẫn xin được về cố hương đến nỗi nhà Tần phải đúc tượng đồng của Ngài để dọa Hung Nô. Công chúa con vua Tần cùng sáu con của Ngài được phong Lục vị Vương cũng theo cha về quê Chèm. Cái nét yêu quê đến đau đáu mà không có gì kể cả ngôi vị, giầu sang và quyền lực làm thay đổi được phải chăng là nét văn hóa khởi điểm, bao trùm nhất trong muôn ngàn tinh túy của cốt cách, bản chất , lẽ sống của dân ội nằm ở trung lưu dòng Việt ta, của dân Hà Nội ta qui tụ nên nền văn hóa ái quốc thiêng liêng.

Chính tình yêu thiêng liêng mang bản sắc đo thị bên dòng Nhĩ Hà mới tạo nên hào khí “Năm quốc sơn hà Nam đế cư”,”bình Ngô đại cáo “, chất trữ tình trong “Long thành cầm giả ca “của Nguyễn Du và chất hài lồng lộng phá vỡ giáo điều của Hồ Xuân Hương người con gái gốc xứ Nghệ nhưng tá túc từ nhỏ ở phường Khán Xuân, mới có lời giao duyên tuyệt đẹp giữa thi nhân vị khai quốc công thần của nhà Lê với cô thôn nữ Tây Hồ “bán chiếu gon” ….

Hào khí và sự lịch lãm Hà Thành đâu chỉ một đời, một thế hệ làm nên mà nó được tạo dựng nên bởi sự trường tồn của nghìn đời, vạn kiếp...dễ gì đổi thay, di rời.

3. Không phải ngẫu nhiên đất Hà Nội tạo ra nhiều danh nhân văn hóa cốt cách đặc trưng dường như chỉ có ở đất này mới sinh ra, tạo nên. Thời xưa có “Chu Văn An- Người thầy của muôn“ nêu cao đạo đức của danh sĩ kinh kỳ dám dâng “thất trảm sớ “ xin vua chém gian thần. Đời trung cận đại có Chu Thần Cao Bá Quát quê Gia Lâm, một kẻ sĩ ngạo nghễ tự nhận mình giữ một bồ chữ trong ba bồ chữ của thiên hạ. Thơ hay đến độ Vua Tự Đức phải khen “văn, thơ như Siêu, Quát thì vượt cả đời Tiền Hán”(Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán). Và hay hơn cả, tạo nên một biểu trưng Hà Thành là dám cao ngạo bất chấp hết thẩy để “cả đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai”(nhất sinh đề thủ bái hoa mai). Thời hiện đại cũng đúng là chỉ có Hà Nội mới tạo nên một Bùi Xuân Phái họa sĩ thấm đẫm không gian, cảnh tình của 36 phố phường cổ để tạo ra những họa phẩm độc đáo mà chính những tuyệt phẩm của ông lại trở thành nhân tố không thể thiếu của đời sống di sản văn hóa Hà Nội. Một Đoàn Chuẩn con trai nhà kinh doanh hãng nước mắm lừng tiếng Vạn Vân. Người từng dám đổi một ôtô lấy cây đàn Hawaill, để rồi trải qua cuộc sống đa tình của chàng công tử Hà Thành để lại dấu ấn trên đời 16 ca khúc tuyệt mỹ về mùa thu, thiếu nữ và tình yêu. Rồi tài tử Ngọc Bảo người ca sĩ không sống bằng nghề mà bằng niềm đam mê những ca khúc trữ tình lãng mạn. Bằng giọng ca tuyệt vời ông trở thành người Việt đầu tiên được hãng sản xuất đĩa hát của Pháp Pathé Marcori mời sang Pari thu 20 ca khúc trữ tình cùng ban nhạc Guythevel. Chàng tài tử mà Đại danh họa Hoàng Lập Ngôn cho rằng “vài chục năm nữa Hà Nội không có nổi Ngọc Bảo thứ hai“….

Người là vậy còn cảnh của đất Đông Đô này cũng đậm chất Hà Nội mỗi khi thu về trên vườn Bách Thảo, buổi chiều Hồ Tây, buổi sáng Hồ gươm, Hồ Thiền Quang… Những tà áo dài trên cầu Thê Húc, gánh hàng hoa đẫm sương từ làng hoa Ngọc Hà. Chiếc đòn gánh cong đưa thu vào Hà Nội. Những họa tiết sống động, đặc trưng một vùng đất không thể mất đi ngay cả sự biến động của hoàn cảnh, thời cuộc…

Bức tranh đầy tính cổ động “Hà Nội vùng lên” cổ vũ cho Thành Hoàng Diệu- Liên Khu 1 bước vào cuộc trường kì kháng chiến của danh họa Tô Ngọc Vân lại mang đủ tinh hoa, cốt cách Hà Thành khi vẽ hình thiếu nữ Hà Nội bay lên với bàn tay cầm mùi xoa thơm mùi hoa lan vẫy người yêu buổi chia tay. Phút lắng hồn trong giọt cà phê phin nơi quán cà phê Tùng Linh từng treo ảnh Thế Lữ, Nguyễn Tuân… Những khách quen của quán qua tác phẩm của của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu. Rồi quán cà phê Nhân 100 Cầu Gỗ, cà phê Bằng phố Lý Quốc Sư, cà phê Hợp 38 Trần Xuân Soạn… Người ta mới hiểu sao bao nhiêu thăng trầm, vật đổi sao rời, bao triều đại, bao biến cố… nhưng dù tao loạn, biến cải ra sao Hà Nội vẫn muôn thủa là Hà Nội, Thăng Long, Đông Đô chính bởi cái cốt cách, cái nền văn hóa Hà Thành chảy âm ỉ và bền vững suốt chiều dài tháng năm là thế…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày xuân nhởn nha tản mạn về văn hóa Hà Thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO