Nghề làm lưỡi cày

Phong Sơn 06/09/2017 08:20

Do sinh sống ở vùng núi cao nên đồng bào Mông cần có những nông cụ sắc, bền phục vụ sản xuất. Một trong những nông cụ không thể thiếu trong quá trình khai khẩn ở những địa hình khó khăn đó là chiếc lưỡi cày. Đặc biệt, với người Mông ở Hà Giang, nghề làm lưỡi cày càng được đặc biệt coi trọng vì nơi này là xứ sở của đá tai mèo.

Lưỡi cày được mang bán ở chợ phiên.

1. Theo thống kê, người Mông là dân tộc thiểu số đông nhất ở Hà Giang hiện nay, với số dân khoảng hơn 200.000 người; chiếm 1/3 số người Mông của cả nước. Bà con người Mông sống ở mảnh đất địa đầu có nhiều nghề truyền thống, nhưng đáng chú ý có nghề làm lưỡi cày. Lưỡi cày của người Mông nổi tiếng và rất được ưa chuộng.

Một trong những dòng họ nổi tiếng làm lưỡi cày ở Hà Giang là họ Chứ ở bản Sủng Cáng, xã Sủng Trà, cách thị trấn Mèo Vạc 20km. Anh Chứ Mí Cho tự hào là người được cha truyền cho nghề làm lưỡi cày. Với người Mông, lưỡi cày là nghề tinh hoa truyền lại. Anh Cho tâm sự, địa hình chủ yếu của Hà Giang là núi đá, đồng bào các dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Đồng Văn canh tác trên diện tích đất trồng rất hẹp giữa rừng đá trập trùng. Vì thế, phải có lưỡi cày tốt để khai khẩn.

“Nhìn những vạt ngô xanh tốt cứ nghĩ là đất tốt. Không phải thế đâu. Dưới lớp đất toàn là đá lổn nhổn đấy”, anh Cho nói, và kể thêm: Để khai khẩn được, bà con phải gùi từng gùi đất. Việc canh tác trên những khe đá đòi hỏi phải có lưỡi cày khỏe. Vì thế họ Chứ ở bản Sủng Cáng rất tự hào khi lò rèn của họ luôn đỏ lửa để đúc lưỡi cày phục vụ bà con…

2. Còn ở Đồng Văn, dòng họ Mua người dân tộc Mông cũng được biết đến với sự lão luyện trong việc đúc lưỡi cày. Những người đàn ông họ Mua được truyền dạy những kỹ thuật, kinh nghiệm nấu gang, đúc cày của ông cha để sản xuất ra những lưỡi cày với hình dáng đặc biệt, chắc chắn có thể “trườn mình” trên đá phục vụ cho công việc làm nương, rẫy trên vùng đất khó. Lưỡi cày của người Mông nhỏ và có mũi hơi cong, để có thể dễ dàng vượt qua được những khe đá. Theo kinh nghiệm của người Mông, chiếc lưỡi cày nào càng cày càng bóng, ít mòn là thép tốt.

Nghề rèn lưỡi cày của người Mông ở Hà Giang được tiến hành cẩn thận, từ khâu chọn thép, làm khuôn; khuôn đúc lưỡi cày có 2 mảnh làm từ đất sét trộn với bột than, bột đá đặt trên giá gỗ. Phụ gia dùng làm khuôn đúc bột Than hoa từ gỗ sồi, bột đá. Khi đúc lưỡi cày, họ chồng 2 mảnh của khuôn đúc, cố định và hàn lớp đất sét bịt kín khuôn đúc. Sau khi gang nóng chảy sẽ được rót vào khuôn đúc, đợi sau khoảng 3 phút có thể dỡ khuôn và được chiếc lưỡi cày thành phẩm đỏ rực được đưa ra ngoài làm sạch ba-via trước khi được ủ trong tro bếp... Những người đàn ông họ Mua ở Đồng Văn cho biết, cần tới 6 - 7 kg nguyên liệu để đúc một chiếc lưỡi cày.

Sau khi đúc xong, người Mông thường mang lưỡi cày xuống chợ phiên. Khu bán nông cụ ở chợ vùng cao luôn tấp nập bà con đến chọn lựa. Một chiếc người cày tốt giá giao động khoảng 400-500 nghìn đồng. Điều thú vị, bà con có thể mang những chiếc lưỡi cày cũ để đổi lấy những chiếc lưỡi cày mới mà mình ưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề làm lưỡi cày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO