Nghề nguy hiểm

Lã Thế Tuấn (Nguồn: National Geographic) 14/05/2016 18:00

Trên thế gian có rất nhiều nghề, có nghề nhàn hạ lại hái ra tiền, nhưng cũng có những nghề vô cùng nguy hiểm. Những người hành nghề này không khác gì “bán mạng” để đổi lấy tiền bạc. Cái chết có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Nhưng, xét cho cùng, không người này làm thì người khác làm, vì đó vẫn là những công việc hàng ngày.

Lấy mật ong ở Nepal.

Trong số những nghề nguy hiểm, trước tiên phải kể đến nghề thợ mỏ. Những vụ sập hầm lò không khác gì chôn sống họ. Nhưng ai có thể biết trước bao giờ hầm lò sập, bởi lẽ nó xảy ra với rất nhiều nguyên nhân. Cuộc sống dưới lòng đất của họ được ví như “sống trong nấm mồ”. Ngoài việc hầm lò có thể sập, thì việc nước dâng đột ngột cũng là tai họa bất ngờ. Thợ mỏ còn thường xuyên phải tiếp xúc với một lượng lớn silic, khiến lá phổi bị tổn thương.

Cũng ít ai ngờ cuộc sống của ngư dân lênh đênh trên biển lại nguy hiểm đến vậy. Thống kê cho thấy, không ngày nào trên các đại dương lại không có tai nạn. Trước hết, đó là nạn cướp biển. Chúng xuất hiện bất thình lình và hành xử rất hung bạo. Giữa đại dương mênh mông, người gặp nạn không thể trông dựa vào ai, vì thế nhiều người đã vùi thây trong lòng biển khơi vì những viên đạn, những nhát chém bạo tàn. Bão biển cũng là nỗi đe dọa khủng khiếp với ngư dân đánh bắt xa bờ.

Đặc biệt khi họ không có thông tin trước, không thể tấp vào hòn đảo nào đó. Lúc đó, con tàu đánh cá chỉ như một chiếc lá tre trong bão mà thôi. Ngư dân cũng khốn khó khi không may tàu bị hỏng, đành thả trôi một cách vô định trên biển. Nước ngọt hết, cơn khát dày vò, da bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt…, sự cực khổ là không thể đo đếm.

Thợ mỏ.

Rà phá bom mìn- cái chết đến bất thình lình chỉ sau một tiếng nổ. Công việc nhân đạo này buộc người ta phải dũng cảm, tỉnh táo, thần kinh luôn bị hun nóng. Tuy được máy móc hiện đại hỗ trợ, nhưng công việc cao cả này cũng khiến không ít người mất mạng.

Tuy không thực bị đe dọa bởi cái chết, nhưng công nhân xây dựng cũng là nghề nguy hiểm, nhất là khi họ làm việc trên độ cao. Việc không may ngã từ trên cao xuống bị thương tật vĩnh viễn hoặc chết không hiếm với nghề xây dựng. Cùng đó là việc sập dàn giáo, gẫy cẩu…, cũng khiến số người làm nghề xây dựng thiệt mạng nhiều bậc nhất trong những nghề nguy hiểm. Cũng còn phải nói đến những người làm nghề lau cửa kính nhà cao tầng. Họ phải đu người bằng một sợi dây trên độ cao chết người, làm việc cần mẫn nhưng đầy bất trắc.

Thợ lau cửa kính nhà cao tầng.

Trong rừng, những người thợ đốn gỗ cũng rất có thể gặp tai ương khi bất ngờ cây gỗ đổ sập. Khai thác gỗ trên sườn núi là một công việc nguy hiểm. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 127 thợ đốn gỗ trong rừng sâu thiệt mạng. Một nghề khác xem thì bình thường nhưng cũng đem đến những cái chết thương tâm: đó là nghề thuần dưỡng, huấn luyện thú dữ.

Những người nuôi dạy hổ, báo, sư tử không khác nào “mỡ để miệng mèo” vì rằng không biết lúc nào bản năng hoang dã của những loài thú dữ kia trỗi dậy. Cũng trong lĩnh vực xiếc, còn có những công việc nguy hiểm khác, nhất là khi anh buộc phải làm “mục tiêu” cho các tiết mục mạo hiểm như ném dao, bắn cung. Những con dao, mũi tên có thể ghim vào cơ thể họ chỉ vì một chút sơ xẩy. Đó là một nghề đầy rủi ro.

Xiếc cũng được coi là nghề mạo hiểm.

Đấu bò tót có ở một số nước châu Âu, nhưng nổi tiếng nhất là ở Tây Ban Nha. Những cuộc đấu như vậy thu hút nhiều người xem, nhưng rủi ro của những đấu sĩ là rất lớn. Việc con bò hung tợn húc sừng vào người, quẳng họ lên không trung, đạp xuống đất là không hiếm. Kể cả những người xem, đôi khi bò xổng ra lao vào đám đông với sự cuồng nộ và sức mạnh hủy diệt.

Đấu bò tót.

Người ta cũng nói đến sự hiểm nguy của những người đóng thế những vai nguy hiểm. Rủi ro mà họ gặp phải là những điều không thể dự đoán trước được. Những cú va đập, đâm xe, nhào lộn... là rất bất trắc. Tương tự, đó là nghề vệ sĩ, vì họ phải “chết thay” cho thân chủ vì mang thân mình ra làm lá chắn sống.

Với những người lính cứu hỏa, việc lao vào đám cháy khiến tính mạng bị đe dọa. Cho dù được trang bị kĩ lưỡng nhưng với nhiệt độ quá cao, không khí bị đốt cháy và trần nhà, tường nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào khiến họ ở tình thế nguy ngập.

Lính cứu hỏa.

Cuối cùng, có thể nói về một công việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng lại nguy hiểm: đó là nghề lấy mật ong. Tại Nepal, trong một khu vực trên dãy núi Himalaya, người dân đã liều mạng sống treo mình trên những vách đá để lấy mật ong. Đó là những người dân thuộc bộ tộc Gurung. Ong thường làm tổ ở những vị trí mà động vật săn mồi không thể tới.

Người ta phải dùng thang dây dài để leo xuống từ vách núi và tiếp cận các tổ ong. Công việc nguy hiểm và nặng nhọc này đòi hỏi sự điêu luyện trong kỹ thuật leo, bám và giữ thăng bằng bởi họ luôn phải đối mặt với nguy cơ ngã, bị ong đốt hay trầy xước trong quá trình leo trèo.

Nathanlee Scor- một nhà thám hiểm gốc Trung Đông kể, chính anh đã tận mắt “nhìn thấy cái chết” đối với những người đàn ông Gurung khi họ lơ lửng trên vách núi. “Để lấy được chừng 10kg mật ong, họ đánh cược mạng sống của mình”- Scor nói và cho biết thêm, có chết thì anh ta cũng không làm công việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề nguy hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO