Nghệ sĩ Bàng Nhất Linh: Nghệ thuật khởi sinh từ kỷ vật thời chiến

Việt Quỳnh 06/03/2016 09:05

Bàng Nhất Linh sinh năm 1983 tại Khâm Thiên - Hà Nội. Trong cuốn sách “Nghệ thuật và Tài năng” của Nhà phê bình Mỹ thuật Đào Mai Trang, xuất bản năm 2014 viết về bối cảnh nghệ thuật thị giác Việt Nam với 9 nghệ sỹ nổi bật thuộc thế hệ 8x,  Bàng Nhất Linh được giới thiệu là “một trong những nghệ sỹ tài năng và tiêu biểu nhất trong thế hệ của mình”.

Nghệ sĩ Bàng Nhất Linh: Nghệ thuật khởi sinh từ kỷ vật thời chiến

Chân dung nghệ sĩ Bàng Nhất Linh.

Bàng Nhất Linh là cháu nội của nhà thơ, hoạ sĩ Bàng Sĩ Nguyên, gọi nhà thơ Bàng Ái Thơ là cô. Cụ của Bàng Nhất Linh là nhà thơ Bàng Bá Lân, tác giả của hai câu thơ nổi tiếng được truyền miệng rộng rãi trong dân gian: "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi".

Không chọn con đường văn chương truyền thống gia đình, Linh chìm sâu vào thế giới nghệ thuật thị giác đương đại và thể nghiệm. Dù thế, trong Linh vẫn có dòng chảy ngôn ngữ âm ỉ. Khi Linh viết giới thiệu với tác phẩm của mình, có văn phong riêng, sử dụng câu từ linh hoạt, giàu hình ảnh, cảm xúc và chất thơ. Nhờ một phần từ khả năng ấy, tác phẩm đến với người xem trọn vẹn ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải, và đầy biểu cảm hơn.

Với dáng người nhỏ nhắn, cùng cách nói chuyện rất nhẹ và khẽ, Linh tưởng dễ mờ nhạt trong tâm thức người đối diện song thực tế, anh lại gây nên ấn tượng sâu sắc, chính bởi cách cư xử điềm đạm, giản dị, chân thành mà rất ân cần. Bên trong Linh có sự nhiệt thành toả ra từ một trái tim ấm áp đầy tin cậy. Cảm giác có thể thân thiết nhanh mà chắc chắn lâu bền.

Linh phân định rạch ròi giữa nghệ thuật và tiền bạc. Anh rất năng động trong những công việc thuần tuý kiếm tiền để nuôi gia đình cũng như nuôi nghệ thuật, thay vì làm nghệ thuật để có tiền. Linh làm việc trong một nhóm bạn, cùng liên kết và chia sẻ với nhau một số công việc trong ngành xây dựng.

Năm 2015 là một năm vô cùng bận rộn đối với Bàng Nhất Linh, khi anh tiêu số lượng lớn thời gian để chuẩn bị cho tác phẩm “Chiếc ghế trống” phiên bản 1/2 mang đi triển lãm ở bảo tàng Bildmuseet - Thụy Điển trong 6 tháng. Song song đó là thực hiện những việc cần thiết cho triển lãm cá nhân tại Nhà Sàn Collective, Hà Nội vào tháng 9 với phiên bản “Chiếc ghế trống” 2/2 và cuối cùng là việc trưng bày tiếp tục tác phẩm này tại Địa project Đồng Khởi, TP HCM từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016.

“Chiếc ghế trống” là một tác phẩm sắp đặt - video chứa đựng bên trong nhiều lớp nghĩa. Một chiếc ghế được lấy từ máy bay tiêm kích Mig-21 - biểu tượng sức mạnh chiến tranh, được biến chuyển qua các vật liệu gần gũi với đời sống thường nhật của con người như gỗ, đá, granito để trở thành một… chiếc ghế cắt tóc. Trên chiếc gương được gắn trên tường, đối diện với ghế, là hình ảnh hai cựu chiến binh khi ẩn khi hiện giữa lớp khói sương mờ ảo. Một tác phẩm động trong sự tĩnh, khi đứng bên, có thể cảm nhận chúng đang kể câu chuyện của mình.
Với đam mê sưu tập những kỷ vật chiến tranh, Bàng Nhất Linh biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật qua việc thay đổi chức năng sử dụng ban đầu, để đặt vào trong bối cảnh mới với con người đang sống trong thời bình, qua đó, tạo nên sự đối thoại không lời giữa người và vật.

Rất khó gặp nơi đám đông, dù trong một triển lãm nghệ thuật đương đại, Bàng Nhất Linh chọn riêng mình một con đường cùng hành trình đơn độc. Cũng nhờ vậy, từ năm 2009 đến nay, anh đã có bốn triển lãm cá nhân, mà triển lãm nào cũng có quy mô “hoành tráng” với cụm tác phẩm khổng lồ và kỹ thuật được xử lý tinh tế từng chi tiết nhỏ. Đã xem triển lãm của Linh, rất dễ bị các tác phẩm in sâu vào tâm trí. Dự án đầu tiên “Bụi, xe mờ bóng phố” được thực hiện vào năm 2009, anh “kể” câu chuyện về một thành phố đang dần bị xấu đi, và cuộc sống của một người bạn trong xó tối của phố cổ. Tiếp theo, là triển lãm sắp đặt “Trôi” tại Trung tâm văn hoá Pháp, L’espace năm 2010, với 10 chiếc đồng hồ cát bọc thóc đang trong trạng thái chết, cùng chiếc xe hơi kích cỡ lớn như xe thật, cũng được bọc thóc. Tất cả đều được làm rất cầu kì, phức tạp và tác động mạnh đến thị giác cũng như tư tưởng người xem.

Nghệ sĩ Bàng Nhất Linh: Nghệ thuật khởi sinh từ kỷ vật thời chiến - 1

Tác phẩm Chiếc ghế trống.

“Mỗi người làm nghệ thuật đều có một con đường của mình”, Bàng Nhất Linh nói, “nhưng khi bắt đầu công việc nghệ thuật, cảm giác của tôi lại khá mơ hồ. Tôi chỉ hình dung rằng có lẽ hành trình của mình nên đi từ những điều giản dị, gần nhất với mình rồi dần dần tiến tới những điều phổ quát hơn… Nhiều năm sau xem lại các dự án của mình, tôi nhận ra mình đã làm đúng như vậy. Một câu chuyện về thành phố, tới câu chuyện của một đất nước. Rồi dự án gần nhất là những gì phổ quát hơn như sự chết, bản chất giới hạn của con người…”
Từ các tác phẩm chuyển tải ý nghĩa về một xã hội đương đại, Bàng Nhất Linh chuyển hướng sang thực hiện các tác phẩm về chiến tranh. “Nó diễn ra một cách tự nhiên nên tôi khó để diễn tả quá trình thay đổi đó một cách cụ thế. Khi tôi dành đủ thời gian nhận được những tri thức để hiểu phần nào về những đồ vật chiến tranh, lắng nghe những câu chuyện của các cựu binh… Thì các tác phẩm nghệ thuật từ kỷ vật chiến tranh ra đời…”. Bàng Nhất Linh nói.

Dự án sắp đặt và video “Chiếc ghế trống” được thực hiện từ tháng 6/ 2013 và đến tháng 1/2015 mới hoàn thành. Đây là dự án mang lại cho Bàng Nhất Linh nhiều cảm xúc nhất bởi những người tham gia là các cựu binh cao tuổi, mỗi người có một câu chuyện đặc biệt riêng và đầy cảm động để chia sẻ với thế hệ trẻ.

“Với những người sinh vào những năm 80 chúng tôi thì cảm giác về chiến tranh vừa mơ hồ, nhưng cũng gần gũi như những cái nhà đổ còn sót lại bọn tôi hay chui vào chơi, hay những cái ao nhỏ với nước rất trong vốn là hố bom quanh khu nhà. Lứa 9x như em trai tôi, thì những câu chuyện chiến tranh trở nên xa lạ vì những thứ như thế đã không còn nữa”. Linh tâm sự.

Hình ảnh đầu tiên gợi cho Bàng Nhất Linh những tò mò về những đồ vật về chiến tranh để dẫn dắt anh bước vào một hành trình tìm kiếm, sưu tập và lưu giữ kỷ vật chiến tranh là hình ảnh một bà cụ bị mù hai mắt ngồi ở thềm nhà với một cái cối trầu làm từ một cái vỏ đạn:

“Bắt đầu tò mò về những món đồ như thế, dần dần theo thời gian, tôi khám phá một cộng đồng của những người cũng lưu giữ những thứ đồ như thế và những đồ vật khi đó dường như trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều so với những câu chuyện mà nó mang theo. Nhưng thời điểm đó tôi chưa đủ “chín” để có thể biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật…”

Dự án “Chiếc ghế trống” được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu mang tính kỹ thuật, là biến chuyển cái ghế của tiêm kích Mig-21 thành cái ghế cắt tóc.

“Khi nhìn cái ghế được tháo khỏi chiếc máy bay chiến đấu, trông nó vừa kì quái, vừa đầy tính máy móc – bởi nó là một công cụ chiến tranh. Tôi bỗng nghĩ, những thứ thêm vào nó sẽ cần mang hơi thở của con người nhiều hơn, đó là lý do cái tựa đầu được đục tay bằng gỗ, để lại các nhát đục thô ráp. Cái đế thì bằng đá granito, một chất liệu quen thuộc với hầu hết người dân Việt Nam - nó được dùng để làm ghế đá công viên, hay cả mộ phần của những người đã khuất…”

Khi tương tác với chiếc ghế cắt tóc được làm từ chiếc ghế máy bay Mig-21 tại Bild museet, Hà Nội và Sài Gòn, nhiều người chia sẻ Linh: họ cảm thấy những cảm xúc đặc biệt khi bước vào tác phẩm, ngồi trên cái ghế, thấy hình bóng của mình trong gương xen lẫn hình bóng hai người cựu binh. Hay nhẩm theo lời bài hát in bóng trên tường trong tiếng nhạc của bài hát “Chiếc ghế trống”.

Một người bạn của Linh ở Sài Gòn nói, khi bước vào không gian trưng bày tác phẩm, cảm thấy như bước lên một toa tàu kì dị di chuyển lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ…

Sau dự án “Chiếc ghế trống” kéo dài hơn 2 năm, Bàng Nhất Linh dự định tạm nghỉ một thời gian trước khi bắt đầu một dự án mới, mà theo anh:

“Đó là một dự án sắp đặt-video sử dụng các đồ vật từ các thiết bị quân sự, nó được lấy cảm hứng từ một thuyết phái sinh từ Kinh thánh vào thế kỷ 16 nhưng lại mang những cảm thức rất gần với xã hội hiện tại…”

Tác phẩm của Bàng Nhất Linh thuộc bộ sưu tập Post-Vidai Thụy Sỹ, một trong những bộ sưu tập lớn nhất về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Các triển lãm gần đây của anh gồm:

- Triển lãm sắp đặt cá nhân “Bụi, xe mờ bóng phố…” tại Vietart Centre tài trợ bởi CDEF (ĐSQ Đan Mạch) -2009.

- Triển lãm sắp đặt cá nhân “Trôi” tại L’Espace - 2010.

- Triển lãm sắp đặt &video cá nhân “Sinh năm 1983/Khâm Thiên” đồng tổ chức bởi L’Espace và Hội đồng Anh - 2013.

- Triển lãm sắp đặt&video cá nhân “Chiếc ghế trống” tài trợ bởi CDEF (ĐSQ Đan Mạch), tổ chức bởi Nhà Sàn collective & Địa Project Đồng Khởi-2015.

- Triển lãm nhóm Miền Méo Miệng giới thiệu Nghệ thuật đương đại Việt Nam tại bảo tàng Bildmuseet – Thụy Điển -2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ Bàng Nhất Linh: Nghệ thuật khởi sinh từ kỷ vật thời chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO