Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Gương mặt đương đại Việt Nam

Việt Quỳnh 29/08/2018 09:15

Quen thuộc với từng góc phố, mỗi gốc cây, cùng các chương trình nghệ thuật của Hà Nội tưởng chừng không thể rời xa, vậy mà cách đây 7 năm, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1976) – gương mặt nổi bật, một trong số tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật đương đại Việt Nam - chuyển vào Sài Gòn sinh sống, làm việc. Chọn một góc vườn yên bình ven thành phố, như tính cách điềm đạm của mình, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng lặng lẽ chăm lo gia đình, và từ từ chiêm nghiệm sâu hơn về Sống. Triển lãm mới đây nhất của anh, “

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Gương mặt đương đại Việt Nam

Trước “Thời hậu Thánh”, Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã quay trở lại Hà Nội, cách đây hai năm, để tham gia một triển lãm tổng hợp nhiều loại hình, từ tranh sơn dầu, đến sắp đặt, điêu khắc. Địa chỉ từng rất quen thuộc với nghệ sĩ và giới sưu tập tranh – Art Gallery.

Trong hai năm qua, do bận việc gia đình, cũng để giữ sự tĩnh mịch cho không gian sống, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng thôi những thử nghiệm âm nhạc, thị giác từ các phương tiện cồng kềnh… mà tập trung vẽ phác thảo tranh màu nước và ký họa bút chì trên giấy. Từ những phác thảo này, anh đã có cho mình những ý tưởng mới về hội họa.

Triển lãm các tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tại Manzi Hà Nội vừa qua có 17 bức tranh màu nước, 3 tranh sơn dầu cỡ nhỏ và 50 ký họa bút chì. Tất cả xoay quanh ý tưởng sử dụng hình ảnh các con vật vốn thân quen gần gũi như ốc sên, con gà, con rùa để ẩn dụ về con người. Và anh gọi các con vật đó là “Thánh”.

Đặc trưng cho các sáng tác của Nguyễn Mạnh Hùng, đó là sự hài hước, hóm hỉnh khi khắc họa lại hình ảnh xã hội hiện đại theo cách phi lý, siêu thực mà cũng hết sức đời thực: Những người nông dân chăn nuôi gà vịt, cấy cày, trồng lúa trên nóc sân thượng khu tập thể (cũng giống với nhiều người từ nông thôn đến sống tại những khu tập thể trong lòng thành phố, nhưng vẫn mang nặng nếp sống quê). Các máy bay chiến đấu thay vì mang bom súng đạn thì lại chở các loại rau củ quả được đựng trong túi nilon khổng lồ... Thường các tác phẩm của anh có cỡ lớn, từ tranh đến mô hình sắp đặt máy bay, hay trưng bày sắp đặt quần áo xanh bộ đội được nhúng composite để nói về những người dân thường dù thời bình vẫn quen mặc trên người trang phục lính.

Trong loạt tranh “Thời hậu Thánh”, con người xuất hiện một cách rất loay hoay với máy móc, trang thiết bị hiện đại của thời nay và cả viễn tưởng từ tương lai, không rõ nên làm gì với những “hậu duệ”. Họ mặc trang phục xưa của thời nhà Nguyễn cách đây hơn trăm năm. Lý giải điều này, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, do các tài liệu về trang phục thời kỳ nhà Nguyễn được lưu giữ nhiều, đồng thời, ông cố của nghệ sĩ vốn là Quan Thượng thư Bộ lễ của Triều Nguyễn. Điều này cũng giống với loạt tranh sáng tác trước đây, khi luôn có sự liên quan đến lịch sử của gia đình cùng với lịch sử đất nước. Như các tác phẩm về khu tập thể, bởi tuổi thơ của anh lớn lên gắn bó đến hai mươi năm tuổi đời, trong khu tập thể Kim Liên cũ được xây dựng từ những năm 70, 80 thế kỷ trước, tường quét vôi vàng, cùng những cơi nới kiểu chuồng cọp, che bớt mưa nắng từ những tấm dù bạt xanh đỏ trắng, các tác phẩm vẽ máy bay do bố anh là một phi công lái máy bay chiến đấu trong quân đội…

Nguyễn Mạnh Hùng là một trong 5 cái tên được nhắc tới nhiều ở lĩnh vực nhạc thể nghiệm. Tuy nhiên, từ khi có con, anh không còn chơi nhạc nữa, và thôi làm, thì cũng có nghĩa là “đi xuống” như anh chia sẻ. Với Nguyễn Mạnh Hùng, khi đi theo âm nhạc thử nghiệm, cần có nhiều người mới làm nên được một tác phẩm hay một chương trình. Làm nhạc, phải lệ thuộc và tương tác với những người khác, từ đó anh học được việc tôn trọng và chấp nhận những khác biệt, trong khi hội họa hoàn toàn cho anh được chìm trong thế giới riêng biệt của mình. Thời kỳ đầu khi chơi nhạc, cũng giúp anh làm sáng tỏ một vài vấn đề, đồng thời, giúp anh nhìn nhận lại được khả năng của bản thân, nhưng cứ đi mãi thì cũng sẽ chẳng tới đâu nên vì thế âm nhạc thể nghiệm dần dà không còn quan trọng trên con đường tìm kiếm sáng tạo, nên anh cũng không muốn nhắc tới nữa.

Sau đúng bảy năm, kể từ ngày Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chuyển vào Sài Gòn, tôi mới có dịp gặp lại anh để hỏi kỹ hơn về con đường nghệ thuật anh vẫn đang theo, ngay sau khi triển lãm “Thời hậu Thánh” vừa kết thúc, còn nhiều dư âm đẹp đang đọng lại tinh thần những ai đã thưởng lãm.

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Gương mặt đương đại Việt Nam - 1

Hùng vẫn như vậy, gầy nhỏ và chỉn chu, kiệm lời cùng kiểu cười vui vui hơi có gì đó bẽn lẽn như những ngày đầu tiên tôi gặp tại Nhà Sàn studio từ năm 2005. Rất nhiều việc Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã làm ghi nhiều dấu ấn, nhất là khi trở thành Giám tuyển cho các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Nhà Sàn, với sự bảo trợ từ Quỹ Văn hóa Đan Mạch. Nhiều chương trình gây được ấn tượng thị giác cao, trong đó có tác phẩm “Mưa” của nghệ sĩ Lê Huy Hoàng. Về sau, tác phẩm “Mưa” được rời Nhà Sàn và đến với không gian triển lãm rộng rãi, sang trọng và đông đảo công chúng hơn nhân một sự kiện thời trang lớn. Rất tiếc, nghệ sĩ Lê Huy Hoàng sau một tác phẩm sắp đặt lớn đầy ý nghĩa tại Viện Goether Hà Nội, anh đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư.

Chia sẻ với tôi, Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong suốt quá trình làm Giám tuyển nghệ thuật, anh thấy ưng ý và hài lòng nhất là khi làm việc với Nghệ sĩ Lê Huy Hoàng và nhóm Phụ Lục. Nhóm nghệ thuật trình diễn Phụ Lục ra mắt công chúng đầu tiên là tại Nhà Sàn. Nhóm Phụ Lục vẫn gắn kết nhau cho tới hôm nay và tiếp tục phát triển các ý tưởng và trình diễn. Sau mười lăm năm từ khi du nhập vào Việt Nam, Nghệ thuật trình diễn thời điểm này không còn hàng ngàn công chúng đến thưởng thức một chương trình như trước, nhưng lại được thể hiện có chiều sâu và bài bản hơn. Từ trong nước, nghệ thuật trình diễn đã đi đến các nước, vì vậy điều kiện để tiếp xúc với nghệ thuật trình diễn của các nghệ sĩ thị giác Việt Nam cũng không còn dễ dàng…

Chúng tôi ngồi nói chuyện trong một cửa hàng café đầu Đường Sách Nguyễn Văn Bình. Anh đi cùng vợ và con gái. Vợ Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là nữ nghệ sĩ thị giác Võ Trân Châu. Tháng 4/2017, Trân Châu đã thực hiện triển lãm cá nhân “Neo Lại Kỳ Lâu”, cũng lấy cảm hứng từ phục trang nhà Nguyễn. Rất ý nhị, Trân Châu chọn ngồi bàn khác, góc xa, trông, chăm con gái. Là mẹ của hai con rồi, mà Châu vẫn mang vẻ đẹp dịu dàng ngây thơ ẩn giấu bên trong sự nhẫn nại, mạnh mẽ. Hai nghệ sĩ thị giác có tài sống bên nhau, biết cách để hài hòa, thì không chỉ duy trì được ấm áp gia đình, mà còn hỗ trợ lớn đến sáng tạo của nhau.

Sài Gòn đang vào mùa mưa. Vừa nắng, mưa đã tới mau. Chúng tôi ngồi nhìn qua cửa kính, nghe tiếng mưa, và nói tiếp câu chuyện về nghệ thuật. Cứ như, chưa có dịp chuyện gẫu, và cũng giống với lần đầu tiên tôi ngồi phỏng vấn anh cho bài chân dung (mà về sau một số nơi khi muốn giới thiệu anh đều lấy trích dẫn từ đó, mà không ghi nguồn lẫn tác giả), khi ấy tôi còn đang là sinh viên Văn khoa, tập tành viết những bài báo đầu tiên. Nhìn lại, hầu hết trong số những bài “tập sự” ấy, là chân dung những nghệ sĩ đương đại Việt Nam, trong đó có Nguyễn Mạnh Hùng.

Mưa tạnh, Trân Châu đẩy xe nôi đưa con xuống đường sách, cô vào mấy hiệu sách, lựa những cuốn sách cần mua. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nán lại trả lời mấy câu hỏi tôi cần, rồi nhanh chóng tạm biệt để ra chỗ vợ. Hai vợ chồng nhẹ nhõm đi bên nhau trên con đường bắt đầu lấp lánh nắng trên nền đá còn đang ướt nước, cảm giác thật thanh bình và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Gương mặt đương đại Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO