Nghệ thuật truyền thống và du lịch: Bắt tay cùng phát triển

Hoàng Thu Phố 07/05/2017 09:00

Bên cạnh việc các bảo tàng gần đây bắt tay hợp tác làm du lịch thì những tín hiệu từ Bộ VHTT&DL hay sự nhập cuộc của Nhà hát Kịch VN cho thấy sự nỗ lực để xoay chuyển khi mà các thông số về lượng khách đến Hà Nội đang ngày một tăng.

Nhà hát Lớn Hà Nội.

1. Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính riêng trong tháng 4, ngành du lịch của Thủ đô đã có sự tăng trưởng ấn tượng khi đón tới hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng 7% so với năm 2016.

Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 420.000 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016 (khách du lịch quốc tế có lưu trú đạt 300.000 lượt khách, tăng 12%); Khách du lịch nội địa đạt 1.365.000 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016; tổng thu từ khách du lịch đạt 5.450 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 54.080 lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016, khách du lịch quốc tế có lưu trú đạt 38.628 lượt khách.

Rõ ràng, đây là những “con số biết nói”. Nó cho thấy những nỗ lực quảng bá đã phần nào phát huy tác dụng.

Trong khi đó, nhìn sang bên các nhà hát, có thể nhận ra sự chuyển biển rất chậm. 4 tháng đầu năm đã qua đi nhưng dường như vẫn “án binh bất động”. Hoặc nếu có, thì mới chỉ dừng lại ở… kế hoạch.

Trong đó, kế hoạch có thể nói là lớn nhất là từ Bộ VHTT&DL. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện gần đây “ngỏ ý” với UBND TP Hà Nội sẽ mời tư vấn, thiết kế nước ngoài để quy hoạch khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội và xây dựng tour du lịch đến địa điểm này đã nhanh chóng nhận được sự tán đồng.

Nếu không có gì thay đổi, đến tháng 6, bên cạnh biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ mở cửa đón khách du lịch có nhu cầu tham quan tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật.

Theo đó, sẽ có 2 chương trình dành cho du khách đến tham quan Nhà hát Lớn gồm: Tham quan nhà hát; Tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật. Dự kiến, chương trình sẽ được tổ chức thường kỳ, kết nối với các hoạt động trên phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, triển lãm… trở thành sản phẩm du lịch văn hóa góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch trên địa bàn Hà Nội.

Việc Nhà hát Kịch VN vừa ký kết với Công ty TNHH Vietrantour để đưa du khách đến thưởng thức các vở diễn đặc sắc, mà vở kịch mở hàng là “Kiều” đáng để ghi nhận sự chuyển mình.

Đại diện Nhà hát Kịch VN tiết lộ, theo bản thỏa thuận, trước mắt Nhà hát sẽ duy trì sáng đèn các đêm diễn vở “Kiều” vào 20h thứ sáu hằng tuần và ưu tiên dành 60% vé xem kịch cho du khách của Vietrantour.

2. Nhìn lại sự hợp tác của các nhà hát với các đơn vị lữ hành dễ nhận ra đơn vị thành công nhất vẫn là Nhà hát Múa rối Thăng Long. Suốt nhiều năm nay, địa chỉ này thường xuyên đông khách, mà chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, đi theo tour. Đây cũng là đơn vị nghệ thuật hiếm hoi ở VN sáng đèn 365 ngày trong năm.

“Món tủ” của đơn vị này, suốt nhiều năm nay, là múa rối. Với sự chịu khó tìm tòi, những tiết mục của Nhà hát được khách du lịch nước ngoài thích thú, qua đó không chỉ đem về lợi nhuận kinh doanh, nuôi sống anh em nghệ sĩ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh nghệ thuật dân tộc.

Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn- Giám đốc Nhà hát, mỗi tháng nhà hát đón khoảng 13.000 lượt khách (trong đó có 3.000 lượt khách nội địa, gần 10.000 lượt khách quốc tế). Điều đáng chú ý, lượng khách đi theo tour chiếm 70 - 80%.

Lý giải về con số ấn tượng này, đại diện Nhà hát tiết lộ: “Hiện nhà hát có mối quan hệ với hơn 300 công ty lữ hành”. Đây không phải là sự “hữu xạ tự nhiên hương”, mà là cả một quá trình vận động, xoay xỏa, tự làm mới mình, chủ động tìm kiếm, tiếp cận khách hàng.

Một vở diễn của Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Thành công của Nhà hát Múa rối Thăng Long nhiều người cho rằng đó là sự may mắn khi vị trí của Nhà hát ngay bên hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, theo các công ty lữ hành, điều đó cũng không hoàn toàn đúng.

Giám đốc một công ty lữ hành từng than thở, việc đưa đoàn du khách đến các điểm biểu diễn nghệ thuật gặp khó khăn, vì các nhà hát thường nằm trong thành phố, đi lại không thuận tiện, bãi đỗ xe chật chội...

Song nỗ lực thay đổi, làm mới mình, tìm kiếm đối tác của các đơn vị nghệ thuật cũng là một yếu tố tiên quyết để các đơn vị lữ hành quyết định có “bắt tour” hay không. Nếu du khách không thích, rõ ràng chỉ được một vài đoàn, một vài lần. Khó có thể lâu dài.

Ngay như Nhà hát Múa rối Thăng Long dù có lợi thế, có cái “nền” tốt như vậy nhưng họ cũng không ngừng vận động.

Cụ thể hơn, theo NSND Hoàng Tuấn, hằng năm, Nhà hát tổ chức các cuộc trưng cầu ý kiến từ một số công ty lữ hành để biết được nhu cầu của khách, thời gian, thời lượng của chương trình bao nhiêu là phù hợp với khách du lịch. Chương trình nên xây dựng ra sao để khách du lịch của tất cả các nước đều có thể hiểu được ngôn ngữ chung, nhất là hành động.

3. Nhìn rộng ra, các đơn vị nghệ thuật khác cũng cần chủ động hơn trong việc kết nối với các đơn vị lữ hành. Chủ động xây dựng các chương trình biểu diễn tốt nhất, là “đặc sản” của đơn vị mình nhưng đồng thời cùng có nghiên cứu tâm lý khách du lịch. Nhà hát Tuồng TƯ, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Chèo Hà Nội… cũng rất mong muốn thu hút được các đoàn khách du lịch, nhưng xem ra việc triển khai còn chưa quyết liệt, thiếu những khảo sát và hợp tác.

Mà điều này, theo các đơn vị lữ hành, là rất quan trọng. Bởi du khách là người chi tiền, họ có thích thì mới vào, mới truyền tin và chia sẻ trên mạng xã hội. Khi các chương trình nghệ thuật chưa phù hợp với du khách nước ngoài thì các đơn vị lữ hành cũng không thể ép, không dám mở tour hợp tác…

Ông Lê Công Năng- Trưởng phòng truyền thông Vietrantour cho rằng, từ lâu các công ty du lịch vẫn tìm kiếm những sản phẩm văn hóa hay, độc đáo để giới thiệu đến du khách quốc tế. Tuy nhiên rất ít đơn vị nghệ thuật cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn. Chỉ có “món” múa rối nước đã được nhiều du khách biết đến mà rất hiếm vở kịch đáp ứng được nhu cầu. Bằng việc hợp tác với Nhà hát Kịch VN lần này, Vietrantour hi vọng sẽ mở ra một sản phẩm mới.

Đặc biệt, khi chọn vở kịch “Kiều” để mở màn không chỉ vì vở kịch được dàn dựng từ một nguyên tác nổi tiếng mà vì vở kịch này được nhà hát dàn dựng khá mới mẻ, dễ cảm nhận qua âm nhạc, vũ điệu và có sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng như NSND Lan Hương, NSƯT Xuân Bắc, Phú Đôn...

Bảo tàng làm du lịch

Mới đây, tại Hà Nội, lần đầu tiên, 17 đơn vị (16 bảo tàng, di tích và 1 cơ quan truyền thông) cùng ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khách tham quan giai đoạn 2017-2021. Theo biên bản ký kết, các đơn vị này sẽ phối hợp tổ chức quảng bá, giới thiệu các sự kiện phục vụ công chúng vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Các đơn vị cũng sẽ phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan; đào tạo, nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ truyền thông; xây dựng các chương trình riêng biệt phục vụ khách du lịch; sử dụng tờ rơi, tờ gấp, poster… để quảng bá, giới thiệu. Động thái này được đánh giá là “cái bắt tay lịch sử” để hi vọng có thể sớm gặt hái được những thành quả trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật truyền thống và du lịch: Bắt tay cùng phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO