Nghề trống ở Đồng Nai

Đoàn Xá 03/01/2017 12:16

Không hình thành những làng nghề đặc trưng, tuy nhiên, nhiều năm qua, nghề đóng trống gỗ ở Đồng Nai cũng rất phát triển, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Sản phẩm trống ở Đồng Nai ngoài phục vụ nhu cầu thị trường ở TP.HCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ còn xuất khẩu ra nước ngoài. Những ngày cuối năm, nhiều xưởng trống ở các địa phương như Trảng Bom, Long Khánh, Hố Nai… đang hối hả tiếng cưa, tiếng đục để chuẩn bị những chuyến hàng cho dịp mùa xuân năm mới.

Những sản phẩm chuẩn bị hoàn thành.

Ba đời đóng trống

Nằm dọc theo tuyến đường Quốc lộ 1A, tại thị xã Long Khánh hiện nay có khoảng hơn 10 hộ sinh sống bằng nghề làm trống gỗ. Với các sản phẩm như trống cơm, trống trường, trống hội... đều được thị trường ưa chuộng. Anh Nguyễn Phương Quyết- một chủ trại trống ở đây cho biết, gia đình anh là một trong những trại trống lâu đời nhất ở đây.

“Từ đời ông nội tôi đến nay đã hơn 40 năm, đều theo nghề làm trống. Do có một số kỹ thuật “gia truyền” nên trống của xưởng tôi khá được ưa chuộng. Hầu như sản xuất ra cái nào đều được đặt hết cái đó. Trước ông nội làm trống chỉ bán cho quanh vùng, như trường học, đám lễ, đội múa lân sư, đình hay chùa chiền… Mà hồi đó công nghệ chưa có, phải mất cả tháng mới đóng xong một chiếc trống. Rồi tới thời cha tôi, trống của xưởng đã bán nhiều hơn, cho khách trên Sài Gòn. Trong xưởng, ngoài cha thì còn có 3 anh em tôi nữa. Đến bây giờ, xưởng tôi có hơn chục thợ, dịp cuối năm đơn hàng nhiều có khi tới 15 người vì nhiều công đoạn như tô, vẽ, cắt gỗ hay sơ chế da trâu… không cần nhiều kỹ thuật, chỉ lao động thủ công cũng đảm nhiệm được”, anh Quyết nói.

Về kỹ thuật đóng trống, anh Quyết cho rằng, có 4 khâu quan trọng nhất để hình thành một chiếc trống tốt, âm thanh vang vọng. Đầu tiên là nguyên liệu gỗ và da trâu làm mặt trống. Sau khi có nguyên liệu tốt thì đến công đoạn tạo hình gỗ, thành những thanh e-líp đều đặn. Kế nữa là ghép mặt da trống (bịt trống) và cuối cùng, đóng đai, trang trí trống. Tất cả các công đoạn trên đều có bí kíp riêng mà nếu không nắm rõ, những cây trống thành phẩm có thể bị lỗi như tiếng kêu đục, dễ bị hỏng tiếng hay méo mó vì thời tiết…

Căng da trâu để làm mặt trống.

Sau một hồi trò chuyện, theo chân anh Quyết đi ra khoảng sân phía sau, nơi có hàng trăm chiếc trống lớn nhỏ đủ loại đang chuẩn bị hình thành. Dừng lại một chút, anh Quyết bảo từ những kỹ thuật gia truyền cho tới việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường hiện nay là một nỗ lực rất lớn.

“Giờ ngoài trống ghép như xưa, khách hàng còn yêu cầu các loại trống đúc loại nhỏ dành cho trẻ con, như một thứ đồ chơi nữa. Nếu chỉ sản xuất trống phục vụ nhu cầu trường học, các đoàn múa lân, sư… thì rất khó tồn tại vì trống ở xưởng chúng tôi, có khi đến nửa đời người chưa bị hư hỏng, không biết bao giờ khách hàng mới quay lại nữa”, anh cười cười bảo.

Nhộn nhịp ngày cuối năm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì các xưởng trống ở Long Khánh, nhiều năm qua, các xưởng trống ở thị trấn Trảng Bom, Hố Nai (huyện Trảng Bom) cũng thu hút khá đông người tham gia. Có xưởng thu hút hàng chục thợ với công việc đều đặn hàng ngày.

Đặc biệt hơn nữa, cũng như các xưởng trống khác, tất cả xưởng trống ở khu vực này đều có nguồn gốc xuất thân từ làng nghề trống Đọi Tam (Hà Nam) danh tiếng do khoảng năm 1954, nhiều người dân làng Đọi Tam đã di cư vào khu vực này, mang theo nghề làm trống gia truyền của gia đình.

Trải qua nhiều thăng trầm, với bàn tay tài hoa cùng nguồn gỗ quý dồi dào và thị trường rộng lớn, chẳng mấy chốc các cơ sở đóng trống ở đây được hình thành, phát triển qua nhiều đời. Đến nay, danh tiếng của nghề trống ở khu vực này tuy không bằng những làng trống khác nhưng nó vẫn có những sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Thử trống trước khi xuất xưởng.

Riêng về giá cả, ghé vào một xưởng trống khác của anh Nguyễn Văn Chí, ở thị trấn Trảng Bom, nơi mà tiếng máy cưa, tiếng đóng gỗ lốp bốp đang vang lên đều đặn. Anh Chí nhìn chúng tôi bảo, đang dịp cuối năm, đơn hàng về khá nhiều mà chủ yếu là trống đúc.

Đây là loại trống nhỏ, dành làm đồ lưu niệm hoặc đồ chơi. Kỹ thuật đóng trống đúc khá đơn giản vì không phải tạo thành trống. Tuy nhiên, trống đúc phải có nguyên liệu tốt, loại gỗ lớn và kỹ thuật khoét ruột gỗ cũng phải tốt, nếu không sẽ không bịt được mặt trống. Trống đúc của xưởng anh ngoài thị trường chính là TP HCM thì còn xuất sang các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, như món quà đón xuân rộn ràng của những em nhỏ.

Hiện nay, giá của trống đúc tại xưởng vào khoảng gần một triệu đồng/cái. Về các loại trống thông thường, anh Chí bảo giá hiện nay cũng tăng khá cao vì nguyên liệu làm trống khan hiếm hơn. “So với các nghề mộc khác, gỗ làm trống rất đặc biệt. Phải là gỗ loại một, bền và dẻo hư gỗ mít, gỗ sung. Nếu so với các loại gỗ quý thì giá của gỗ này rẻ hơn nhưng thực tế hiện nay lại khó kiếm các loại gỗ này, nhất là kiếm với số lượng lớn vì những cây gỗ này có tuổi đời lâu năm khá hiếm.

Rồi còn cả da trâu nữa. Trâu nuôi lấy thịt thì da không làm trống được do nó mỏng và không bền. Chỉ trâu nuôi, càng lớn tuổi da càng tốt. Hiện nay xưởng tôi phải đặt hàng da trâu ở tận trên thành phố, thậm chí cả ở Campuchia mới đủ nguyên liệu bịt trống. Mình làm trống lâu đời, không chỉ là sinh kế mà còn là lời gia huấn của tổ tiên, dòng họ nên không thể lấy nguyên liệu bừa bãi được. Giá cả có cao hơn chút đỉnh nhưng khách hàng có quyền chọn lựa sản phẩm”, anh Chí giãi bày.

Được biết, ngoài việc đóng trống mới, các xưởng trống ở đây còn nhận sửa chữa trống nếu có hư hỏng. Rất nhiều chiếc trống tốt nhưng dây đai bị lỏng, đinh tang bị bung, thanh gỗ bị vênh… thì khách hàng họ đều mang ra sửa chữa lại. “Nhiều chiếc trống sấm (trống lớn, âm vang xa) có giá tới ba bốn chục triệu đồng, dùng dăm năm bị hư hao một số bộ phận, khách hàng vẫn mang tới sửa chửa lại.

Nhiều khi do bảo quản không tốt, trống có thể bị hư hỏng một số bộ phận là thường. Chứ như chiếc trống xưởng tôi đóng cho nhà thờ dưới Hố Nai, hơn 30 năm nay chưa phải sửa chữa chút gì dù đều đặn mỗi ngày đều sử dụng”, anh Chí cười ra vẻ tự hào.

Những ngày cuối năm, cùng với hàng trăm các xưởng gỗ mỹ nghệ, đồ gia dụng ở vùng Trảng Bom, Hố Nai, Long Khánh đang nhộn nhịp chuẩn bị cho những chuyến hàng cuối năm thì các xưởng trống ở đây cũng tất nập không kém. Thậm chí hiện nay, với nhiều gia đình, tiếng trống tùng tùng của những em nhỏ đang là thứ âm thanh không thể thiếu của mỗi gia đình dịp đầu xuân năm mới. Đó không chỉ là không khí mùa xuân mà còn là niềm hạnh phúc trẻ thơ, bên những chiếc trống tưởng như đã ít người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề trống ở Đồng Nai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO