Nghị lực sống của một thương binh

Vũ Minh Phúc 29/05/2017 08:55

Ông Hà Quý Phiến, 77 tuổi, một thương bình hạng 2/4 ở Làng Đông Khê, Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Bằng những quyết tâm sắt đá, người thương binh ấy vượt lên số phận, nuôi 5 đứa con khôn lớn và trở thành một vận động viên môn bóng bàn với bộ sưu tập huy chương đủ sắc màu.

Ông Phiến với bộ huy chương.

Một bàn chân và hàng chục nghìn cây số

Trở về từ chiến trường với một bàn chân, năm 1973, anh thương binh Hà Quý Phiến đã kết duyên với chị Trần Thị Đông, vốn là người bạn gái cùng trường phổ thông khi xưa.

Từ ngày hạnh phúc đó, những đứa con khỏe mạnh của ông bà cứ lần lượt chào đời. Tuy nhiên, sức khỏe của ông Phiến lại ngày thêm yếu đi bởi cái mỏm xương cụt phía chân trái kia cứ liên tục chồi ra khiến ông phải phẫu thuật cưa đi, cưa lại đến 6 lần. Vợ ông thì ngoài công việc giảng dạy còn bận chăm sóc bố mẹ già và đàn con thơ nên không có điều kiện làm thêm việc này, việc khác.

Nhìn đàn con nheo nhóc và bố mẹ già trong căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo, ngả nghiêng, ông tự trách mình không gánh vác nổi trách nhiệm trụ cột gia đình. Không chịu đầu hàng số phận, ông lao vào làm bất cứ công việc gì có thể đổi sức ra tiền.

Từ việc đồng áng cho đến làm thuê, làm mướn, ai thuê gì làm nấy, miễn sao có tiền nuôi sống vợ con. Người ta bảo, giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay. Người lành lặn mưu sinh đã khó, đằng nay ông lại mất đi một bên chân nên việc mưu sinh lại càng trở nên khó gấp trăm lần.

Để xây lại được căn nhà mục nát, ông Phiến mang cuốc, xà beng đi khắp trong thôn ngoài xã đánh gốc cây để đổi lấy từng viên gạch, mảnh ngói. Cho đến bây giờ, những người dân làng Đông Khê vẫn không quên hình ảnh ông Phiến hàng ngày sáng đạp xe đi, tối đạp xe về với chiếc chân duy nhất thồ củi lên dốc.
Ông cứ cặm cụi như vậy cho đến khi đổi đủ gạch, ngói để cất lại ngôi nhà lành lặn, vững chãi hơn cho 5 đứa con và bố mẹ già khỏi lo lúc mưa lúc nắng.

Làm được ngôi nhà mới, ông lại theo người ta đạp xe hàng trăm cây số đường vào tận vùng Tân Yên (Bắc Giang), Hữu Lũng (Lạng Sơn) chở khoai, sắn về bán buôn kiếm cơm cho các con.

Ông tìm đến tận vùng sâu, vào những xóm làng xa xôi, hun hút, nơi mà chỉ có những cánh xe thồ khoẻ mạnh không ngại đường xá khó khăn, để mua được nhiều hàng hơn, giá cả mềm hơn.

Có những khi đi xa gặp cơn trái nắng trở trời, vết thương lại đau buốt khiến toàn thân ông co rúm lại. Ông đành vứt xe ngồi nắn chân chờ cơn đau qua đi rồi mới tiếp tục lên đường. Chỉ làm một phép tính nhân đơn giản thôi thì bàn chân duy nhất của ông cũng đã đi hàng chục nghìn cây số.

Huy hiệu cho cuộc đời

Bươn chải gần 40 năm, rồi tất cả mọi nhọc nhằn ngày nào cũng trôi đi. Giờ đây, các con đã yên bề gia thất, kinh tế ổn định, ông Phiến mới được nghỉ ngơi sau những tháng ngày cơ cực và tìm vui với bóng bàn - môn thể thao mà ông yêu thích từ thời niên thiếu.

Dù chỉ còn một chân nhưng ông đánh bóng thuần thục, có nhiều đường bóng đẹp hơn cả người lành lặn. Để có điều kiện luyện tập nhiều hơn, ông Phiến đã mua cả bàn, cả vợt về nhà để tập. Vậy là khoảng sân nhà ông lại trở thành nơi tụ họp của những người say mê bóng bàn, trong đó có không ít người khuyết tật. Cũng từ đây, CLB bóng bàn xã Song Hồ được ra đời.

Năm 2003, kể từ khi ông bắt đầu tiếp cận với môn bóng bàn, Paragames 2 (Đại hội thể thao người khuyết tật khu vực Đông Nam Á) do Việt Nam đăng cai được tổ chức tại Hà Nội.

Hay tin, ông Phiến đã khăn gói lên Thủ đô để tìm hiểu và đăng ký dự thi. Khó khăn mãi ông mới có tên trong danh sách những người tham gia thi đấu.

Tuy lần đó không được luyện tập như các vận động viên khác nhưng ông đã giành được Huy chương Bạc. Ông thổ lộ: “Ngày ấy, tôi đến với cuộc thi chỉ cách ngày khai mạc giải đấu một tuần. May nhờ có bạn tôi là họa sỹ Phan Cẩm Thượng giúp đỡ xin giấy tờ, lo cho bữa ăn, giấc ngủ, tôi mới có cơ hội tham dự giải đấu với kết quả cao nhất”.

Cũng kể từ Paragames lần ấy, ông Phiến bắt đầu liên tục tham gia các giải đấu dành cho người khuyết tật. Tại Hội thi Thể thao - Văn nghệ người khuyết tật lần thứ III tổ chức tại Huế, ông Phiến đã giành được chiếc Huy chương Vàng đầu tiên của môn bóng bàn.

Hầu hết các giải thể thao dành cho người khuyết tật đều có tên ông tham dự và được xướng danh cùng những tấm huy chương. Người bạn đời của ông, người đã song hành cùng ông đi gần 40 năm cuộc đời giờ lại cùng ông ngược xuôi vào Nam, ra Bắc theo các giải đấu để chăm lo cho chồng từng bữa ăn, giấc ngủ.

Khi đã sở hữu trong tay vài chục tấm huy chương với đủ sắc màu, người thương binh đã ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn chưa vơi khát vọng làm dày thêm bộ sưu tập của mình.

Cuộc đời bình dị của người thương binh “tàn nhưng không phế” Hà Quý Phiến có lẽ cũng là ước mơ của biết bao người khuyết tật khác trong cuộc hành trình vượt lên số phận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị lực sống của một thương binh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO