Nghị quyết 26: Động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

N. Ánh 28/11/2018 06:37

Thực hiện Nghị quyết 26 - Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã có cách làm sáng tạo, đi đầu, tạo đột phá từ nhận thức đến hành động cụ thể. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Nghị quyết 26: Động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan thăm một mô hình sản xuất nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực

Những năm qua, nông nghiệp Vĩnh Phúc có sự chuyển biến tích cực và thực sự trở thành cơ sở cho phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh bình quân đạt 4,28%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 đạt xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng.

Việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn cơ giới hóa sản xuất trồng trọt, chuyển giao trên 1.300 máy sản xuất nông nghiệp, các loại như máy làm đất đa năng công suất lớn, máy gặt đập liên hợp, máy lên luống, máy cấy lúa 4 hàng và 6 hàng. Đến năm 2017, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt trên 95%, thu hoạch lúa đạt trên 90%.

Nhiều thiết bị hiện đại đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất chăn nuôi, thủy sản. Kết quả đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực vào nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Trong 10 năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt và triển khai thực hiện 195 lượt đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí 48,6 tỷ đồng. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như: trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính, bằng kỹ thuật thuỷ canh, canh tác trên giá thể không đất; nuôi cấy mô cho hoa lan, cây cảnh, cây lâm nghiệp, thủy sản; hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI); thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)…

Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 128 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP gồm: 71 cơ sở sản xuất rau, quả với diện tích trên 700 ha, sản lượng khoảng 35 ngàn tấn/năm, 39 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, sản lượng sản xuất khoảng 3.000 tấn thịt/năm; 9 cơ sở nuôi thủy sản, diện tích 60,2 ha, sản lượng khoảng 250 tấn/năm... Năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ 40 cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng được mở rộng, sản xuất nông nghiệp sạch và hiện đại đã có sự đồng hành của các doanh nghiệp và nông dân để từng bước xây dựng nền nông nghiệp Vĩnh Phúc xanh, sạch.

Bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng đầu tư thực hiện chương trình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc.

Sau 7 năm triển khai thực hiện, bộ mặt Nông thôn Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới theo hướng khang trang hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hai thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên đang chờ Trung ương thẩm định, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 95/112 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 83/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 74,1%, bình quân số tiêu chí đạt/xã là 18,4 tiêu chí tăng 11,74 tiêu chí so với năm 2010. Vĩnh Phúc là một trong các tỉnh được Trung ương đánh giá cao trong xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, tỉnh Vĩnh Phúc có trên 731.662 lượt hộ nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn và hỗ trợ lãi suất hàng tháng; có trên 740.000 lượt người nghèo và người dân các xã 135 được mua bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí. Có hơn 13.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết bằng nguồn ngân sách tỉnh và được vay vốn làm nhà từ ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Trên 216.000 lượt học sinh con hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số được miễn 100% học phí, các khoản đóng góp khác và được trợ cấp học tập hàng tháng.

Trong 10 năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho trên 247 nghìn lao động, trong đó, giải quyết việc làm trong nước trên 233 nghìn người, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gần 14 nghìn người. Năm 2008, số lao động nông thôn được học nghề là 20.480 người, sau 10 năm thực hiện đã có 314.227 người được tham gia học nghề.

Với những nỗ lực đó, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc giảm còn 3,93%, bình quân giảm mỗi năm từ 1-1,5%, toàn tỉnh không còn xã nghèo, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/người, tăng 2,6 lần so với năm 2008.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa” phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Từ năm 2008 đến năm 2017, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tăng đều qua từng năm, năm 2008 là 78,9%, năm 2017 là 88,1%. Năm 2008, có 57% làng, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn Làng văn hóa, năm 2017 tỷ lệ này đạt 86,41%.

Để tiếp tục đưa Nghị quyết 26 phát huy hiệu quả trong đời sống, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 3,5-4,0%. Giai đoạn 2026-2030 đạt 3,5-3,8%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 50 triệu đồng/người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị quyết 26: Động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO