Nghĩa cử là đây

Lê Anh Đức 31/03/2017 10:00

Xã hội thời hiện đại, tấc đất tấc vàng, mỗi m2 đất ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đều đáng giá nhiều chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Thế mới có chuyện anh em ruột thịt, bà con chòm xóm đánh chửi nhau, ra Toà cũng chỉ vì vài chục cm đất. Ấy vậy mà có người lại hiến 800m2 đất hương hỏa của tổ tiên giữa lòng Sài Gòn xây chợ miễn phí cho bà con tiểu thương nghèo, những người bán hàng rong... Người có nghĩa cử cao đẹp ấy là ông Năm Hấp ở quận Tân Phú, TP HCM.

Vợ chồng ông Năm Hấp tự nguyện hiến đất, bỏ tiền đầu tư xây dựng chợ miễn phí cho người dân.

Chẳng phải tới bây giờ, khi lực lượng chức năng của TP HCM đồng loạt ra quân dẹp vỉa hè thì ông Lý Văn Hấp (người dân thường gọi ông trìu mến bằng cái tên Năm Hấp), ở phường Tây Thanh (quận Tân Phú, TP HCM) mới lập chợ giúp bà con. Ngay từ năm 2009, ông Năm Hấp đã dành mảnh đất 800m2 do ông cha để lại xây chợ và kêu bà con tiểu thương nghèo, những người bán hàng rong vào buôn bán mà không thu bất cứ một đồng nào.

Cái lý của ông khi giúp đỡ mọi người chỉ đơn giản là thương bà con nghèo, buôn bán vặt chẳng được bao nhiêu, lại không có nơi họp chợ, nay đây mai đó rất khổ sở.

Đó là chưa kể khi bán hàng rong còn bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng hóa mất cả chì lẫn chài. Nhiều lần chứng kiến cảnh những tiểu thương nghèo bán hàng rong bị lực lượng chức năng dẹp lòng đường, vỉa hè bắt giữ và tịch thu hàng hóa, ông Năm Hấp thấy xót xa cho cảnh ngộ của họ, và thế là ông nảy sinh ý tưởng xây chợ miễn phí giúp bà con nghèo có nơi buôn bán.

Chuyện người ta hiến đất làm đường, hiến đất phục vụ các công trình phúc lợi công cộng cũng không phải hiếm, có người hiến ít, có người hiến nhiều, có người hiến vì lợi ích cộng đồng, cũng có người hiến vì mục đích “mặt tiền rộng thì đất có giá”...

Song, cũng chưa từng có ai hiến tới gần 1.000m2 “đất vàng” giữa đất Sài thành như ông Năm Hấp, lại càng không có ai lại bỏ thêm tiền vào xây dựng thành một khu chợ đàng hoàng rồi mời bà con về họp chợ miễn phí. Không những thế, hàng ngày ông Năm Hấp còn tới chợ thăm hỏi, động viên buôn bán phát đạt.

Suốt từ năm 2009, không chỉ hiến đất, ông Năm Hấp và vợ còn đổ số tiền chắt bóp dành dụm được vào đầu tư xây dựng khu chợ hoành tráng với nhà khung thép, mái tôn, bệ ngồi bán hàng bằng xi măng cao ráo sạch sẽ cho bà con, mà không hề thu lại bất cứ đồng tiền phí nào. Tiền bạc xem ra chẳng có giá trị gì với vợ chồng ông Năm Hấp, vậy nên có người mới nói có lẽ ông “có vấn đề” thật.

Xin thưa ngay rằng, ông Năm Hấp chẳng có vấn đề gì cả! Chỉ đơn giản đó là nghĩa cử cao quý của vợ chồng ông mà người đời nay thấy lạ nên họ nghĩ vậy. Người đời lạ là vì lâu nay họ quen với lối sống xô bồ, mạnh ai nấy lo, việc ai nấy làm, đèn nhà ai nhà ấy rạng, tình nghĩa làng xóm, lối phố dần nhạt phai đến mức lạnh lùng, vô cảm.

Thậm chí khi nhà hàng xóm to tiếng cãi nhau hay xảy ra bất cứ sự gì thì cũng ít người quan tâm, ra đường thấy kẻ trộm cướp thì người ta chỉ biết cúi mặt làm ngơ chứ mấy ai “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”... Những chuyện như vậy đã trở thành bình thường nên cử chỉ hào hiệp của vợ chồng ông Năm Hấp lại trở thành... sự lạ.

Khu chợ nằm trên đường T1, phường Tây Thạnh được người dân nơi đây gọi là với cái tên thân thương là “chợ ông Năm Hấp”. Thời gian đầu, mặc dù bị lực lượng chức năng dẹp không còn chỗ bán hàng trên vỉa hè, bán hàng rong mất đi nguồn thu nhập để sống, song những người bán hàng rong còn khá lo lắng chưa dám vào chợ ông Năm Hấp vì chưa biết hình thức thu phí ở khu chợ ra sao, liệu có bị “bóp cổ” như một số khu chợ người ta xây mới ở những nơi khác hay không.

Song, sau khi tìm hiểu mọi người biết ông Năm Hấp không thu bất cứ khoản tiền nào (trừ 10.000 đồng tiền điện, nước và thu gom rác thải) thì đã kéo nhau về đây họp chợ.

Trong khi nhiều người bằng mọi cách, trả mọi giá cố “thịt” những mảnh “đất vàng” ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM để xây chợ với mục đích kiếm lời, thì vợ chồng ông Năm Hấp lại tự nguyện hiến đất, bỏ tiền đầu tư xây dựng chợ miễn phí cho người dân.

Trong khi người ta cố thu thật cao, thật nhiều để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của các tiểu thương thì vợ chồng ông Năm Hấp lại không thu tiền chỗ ngồi, tiền xây chợ.

Trong khi chẳng cần làm gì, chỉ cần cho thuê mảnh đất gần 1.000m2 ấy thì vợ chồng ông Năm Hấp cũng có một khoản tiền không nhỏ hàng tháng, thì ông bà lại chọn giải pháp giúp đỡ bà con tiểu thương... Mấy ai có được tấm lòng Bồ tát đó?

Cử chỉ hào hiệp không vụ lợi của ông Năm Hấp không chỉ giúp được bà con nghèo, người bán hàng rong có nơi để kinh doanh, đảm bảo vệ sinh ATTP hơn, mà quan trọng hơn là đã giúp cho chính quyền địa phương không ít trong việc lập lại trật tự kỷ cương đô thị, tạo sự thông thoáng lòng đường, vỉa hè...

Nói vậy bởi trong chiến dịch làm sạch lòng đường, vỉa hè của TP HCM, các địa phương cũng hết sức lúng túng trong việc bố trí nơi kinh doanh cho những hộ tiểu thương nghèo, những người bán hàng rong khi cấm họ bày bán nhếch nhác trên vỉa hè, lòng đường.

Nay tự nhiên lại có người đứng ra lo giúp chính quyền việc ấy thì còn gì tốt bằng?! Mong sao sẽ có được nhiều tấm lòng như ông Năm Hấp. Nghĩa cử chính là đây!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa cử là đây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO