Nghịch lý!

Dương Thanh Tùng 07/01/2019 09:00

Những ngày qua, câu chuyện dược liệu chất lượng kém từ nước ngoài ồ ạt tuồn qua biên giới bằng đường tiểu ngạch và chính ngạch, thu hút quan tâm của giới chuyên môn cùng dư luận xã hội về “tiền mất, tật mang” khi chữa trị bệnh tật bằng y dược cổ truyền từ nguồn dược liệu bị chiết tách, hút hết tinh chất, nấm mốc, mất vệ sinh.

Nghịch lý ở chỗ, Việt Nam dồi dào nguồn dược liệu quý nhưng lại để dược liệu kém phẩm chất (rác thuốc, sái thuốc) từ nước ngoài ồ ạt tuồn vào nội địa với số lượng lên đến hàng chục ngàn tấn/năm làm tổn hại đến kinh tế và là mầm mống bệnh tật với bất cứ ai đặt niềm tin vào y dược cổ truyền.

Dược liệu và y dược cổ truyền gắn với người dân Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Thế kỷ 18 cùng với sự xuất hiện của Đại Y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, vị trí, giá trị của dược liệu và y dược cổ truyền càng được củng cố, phát huy và là phương pháp chữa trị bệnh tật chủ yếu trước khi có sự du nhập của Tây y.

Tiến bộ vượt bậc của y học thế giới không làm suy giảm niềm tin của người bệnh đối với y dược cổ truyền. Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng các bài thuốc dân gian hay tìm đến thầy thuốc Đông y khi mắc các chứng bệnh từ thông thường đến nan y.

Nhu cầu sử dụng thuốc Đông y rất lớn nên con số 60.000 tấn dược liệu cả nước sử dụng/năm, công bố tại một hội nghị do Bộ Y tế tổ chức ở Hà Nội vào năm 2016, được giới chuyên môn nhìn nhận đang còn rất khiêm tốn. Sử dụng dược liệu làm thuốc Đông y, chữa trị bệnh tật luôn được Nhà nước, Chính phủ khuyến khích, quan tâm.

Đáng lo ngại là 80% trong số 60.000 tấn dược liệu phuc vụ nhu cầu chữa bệnh hàng năm ở Việt Nam, lại được nhập về từ nước ngoài (số liệu thống kê 2016) qua đường tiểu ngạch (nhập lậu). Dược liệu nhập lậu không qua bất cứ quy trình kiểm định chất lượng nào, một khi “chui” lọt cửa ải biên giới vào nội địa Việt Nam, sẽ nhanh chóng được giới đầu nậu phát tán đến những nơi buôn bán dược liệu sầm uất, trong đó đến cả phố Lãn Ông nổi tiếng ở Hà Nội.

Tại tuyến phố này, dược liệu tràn lan, đủ chủng loại, thành phần, mẫu mã với cảnh mua bán tấp nập từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Tuy nhiên câu trả lời về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thì gần như bị bỏ ngỏ. Người mua (trong đó có cả thầy thuốc Đông y), đến phố Lãn Ông chỉ cần đọc tên thang vị, trả tiền và mang thuốc về, ít ai có thể biết được thứ mình vừa mua là thật hay giả, là tinh chất hay thuốc rác, thuốc sái - được tân trang, tái chế.

Niềm tin vào dược liệu, y dược cổ truyền được củng cố thêm bằng thương hiệu lâu năm của các cửa hàng, cửa hiệu ở phố Lãn Ông (Hà Nội) và cả tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5 TP Hồ Chí Minh), dễ dàng khiến người mua nhắm mắt cho qua công hiệu thật giả trong các loài, vị thuốc được bày bán.

Không chỉ nhắm mắt cho qua chất lượng các loài, vị thuốc đắt tiền gói ghém công phu như nấm linh chi, sâm, đông trùng hạ thảo, cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn; mà có gì đó thật khó hiểu - khi người mua tìm đến những địa chỉ bán dược liệu tên tuổi lại nhắm mắt mua cả cây lá phơi khô làm nước uống thông dụng như giảo cổ lam đầy nấm, mốc.

Niềm tin bất biến vào công hiệu của dược liệu găn với y dược cổ truyền bị giới đầu nậu triệt để lợi dụng, tổ chức những đường dây nhập lậu từ nước ngoài (chủ yếu từ thị trường trôi nổi ở Trung Quốc) vào nội địa Việt Nam qua lối mòn biên giới và bằng cả đường chính ngạch. Dược liệu nhập lậu sau khi tập kết ở chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) sẽ tỏa đi các địa phương trong nước.

Từ năm 2015, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cùng với Cục Y dược cổ truyền đã khảo sát, đưa ra con số đáng lo ngại: 56/109 mẫu (dược liệu) lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới Trung Quốc không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu dược liệu giả mạo đã được đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế công lập.

Hơn 40.000 tấn dược liệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí chỉ là rác thuốc hay sái thuốc ồ ạt tuồn vào Việt Nam mỗi năm, đã làm lu mờ, đè bẹp quá trình canh tác, chế biến dược liệu của Việt Nam, gây tổn thất không nhỏ về kinh tế.

Tháng 4/2017, tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam, giới chuyên môn ghi nhận Việt Nam có 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật dùng làm thuốc bồi bổ sức khỏe, chữa trị bệnh tật.

Đáng lưu ý có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm, đơn cử như cây như diếp cá (5.000 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn).

Từ thống kê này, các nhà khoa học dự hội nghị nhìn nhận, Việt Nam đã “đánh mất” mỗi năm hàng trăm triệu USD. Cần có liều thuốc đủ mạnh để chấm dứt nghịch lý dược liệu tồn tại dằng dai nhiều thập kỷ qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO