Nghịch lý của ngành giấy

Duy Phương 27/09/2018 08:20

Phụ thuộc phần lớn vào nguồn giấy nhập khẩu và đặc biệt giá các loại nguyên liệu sản xuất tăng mạnh là nguyên nhân khiến giá giấy các loại ngày một tăng cao. Đáng nói, trong khi ngành giấy ngày càng khó chồng khó thì nhiều nhà máy hiện nay lại đang ở tình trạng “đắp chiếu”.

Mặc dù cũng đầu tư các nhà máy sản xuất giấy, songViệt Nam vẫn đang phụ thuộc mạnh vào nhập khẩu, kể cả nhập nguyên liệu lẫn thành phẩm. Nguồn nhập khẩu mạnh nhất vẫn từ thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi, các nhà máy giấy của Việt Nam dù được đầu tư với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng song không thể đi vào hoạt động được. Những cái tên như nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy giấy Tân Mai… đến nay vẫn làm nhức nhối dư luận vì “ngốn” quá nhiều tiền của mà hiện tại đang ở tình trạng “đắp chiếu”.

Trong bối cảnh hiện nay, khi giá nguyên liệu giấy cũng như giá giấy thành phẩm đang ngày càng đội lên cao, thì câu chuyện những nhà máy giấy ngàn tỷ xây xong rồi… để hoang hóa tiếp tục là hồi chuông báo động về tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Được biết, Tổng công ty Giấy Việt Nam đang tiếp tục xin bán dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam có vốn đầu tư 2.759 tỷ đồng, trước đó, nhà máy này cũng đã được rao bán 3 lần nhưng đều không thành công. Nói về câu chuyện của nhà máy Bột giấy Phương Nam, nhiều chuyên gia bày tỏ sự bất bình về quyết định lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy này.

Một chuyên gia ngành giấy đã thẳng thắn nói lên bề nổi của tảng băng chìm mang tên “Nhà máy Bột giấy Phương Nam” để khẳng định lý do tại sao một dự án đầu tư xây dựng với số vốn lên hàng ngàn tỷ đồng lại chỉ để đắp chiếu, trong khi đó ngành giấy lại đang quay quắt vì phải nhập khẩu với giá ngày càng đội lên cao.

Theo vị chuyên gia này, một trong những bất cập lớn nhất của dự án này chính là nhà máy giấy không phải do DN chuyên ngành giấy đầu tư mà lại vào tay một DN trong ngành giao thông, đó là một sự bất bình thường lớn nhất. Điều này không khác gì yêu cầu một ông thợ mộc đi rèn con dao. Bất cập thứ hai, nhà máy dùng cây đay làm nguyên liệu chính. Khi định hình lấy cây đay làm nguyên liệu chính sẽ khác hoàn toàn với định hình của một dây chuyền công nghệ bột gỗ. Nguyên liệu làm giấy có rất nhiều nguồn, như gỗ, rơm, rạ, đay, cỏ...

Nhà máy Phương Nam định hướng dùng đay làm nguyên liệu chính, trong khi quy trình công nghệ xử lý đay hoàn toàn khác với các nguyên liệu đầu vào khác để sản xuất giấy. Khi vùng nguyên liệu đay không đủ đáp ứng thì Phương Nam chuyển sang dùng gỗ, lúc này dây chuyền công nghệ hoàn toàn không thích ứng để sản xuất giấy. Như vậy, sai lầm đã thể hiện ở ngay từ việc lựa chọn đầu tiên.

Trong bối cảnh giá giấy đang tăng cao, Việt Nam khan hiếm nguyên liệu cũng như thành phẩm dẫn đến phải nhập khẩu, nếu Phương Nam không bị “án binh bất động” có lẽ sẽ mang lại nhiều hy vọng cho ngành giấy nước nhà. Tuy nhiên, vị chuyên gia này chỉ ra rằng, với thực trạng của nhà máy Phương Nam hiện nay, cho dù Tổng công ty giấy hay các chuyên gia đầu ngành có tư vấn hay can thiệp vào cũng rất khó gỡ.

Không chỉ Phương Nam nhà máy bột và giấy Tân Mai (Quảng Ngãi) có tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng cũng ở tình trạng “đắp chiếu” tương tự. Và câu chuyện lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, “ngốn” hàng ngàn tỷ ngân sách Nhà nước có lẽ chưa bao giờ hết thời sự vẫn đang là nỗi nhức nhối…bào mòn dần niềm tin của nhân dân.

Nhận định về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã hơn một lần khẳng định: Đó là nỗi đau của đất nước và cần phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý của ngành giấy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO