Nghịch lý logistics: 'Đông' nhưng nhỏ

H.Hương-M.Sang 13/05/2022 08:27

Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam bị hạn chế chính là chi phí logistics Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, doanh nghiệp (DN) yếu về vốn và nhân lực.

Logistics Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng.

Chưa xứng với tiềm năng

Theo số liệu từ Hiệp hội DN logistics Việt Nam, hiện 90% các DN logistics đang hoạt động là DN Việt Nam, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đã từng đưa ra nhận xét rằng, một trong những hạn chế lớn là DN logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành. Số lượng DN “đông” nhưng chủ yếu là DN nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, DN logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.

Nhưng tại sao DN logistic lại bị hạn chế? Bà Phạm Thị Lan Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Vinafco nói, DN logisstic nội đang khó khăn về vốn. 90% DN đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.

Hạn hẹp về vốn khiến các DN logistics Việt chưa phát triển về cơ sở hạ tầng và chủ yếu chỉ cung cấp một vài dịch vụ trong chuỗi giá trị logistics. Thậm chí, nhiều DN Việt chỉ đứng ra làm đại lý cho các đối tác nước ngoài mà chưa tổ chức được các hoạt động vận tải đa phương thức.

Bên cạnh đó chi phí cao cũng là điểm yếu khiến các DN Việt khó cạnh tranh được với DN nước ngoài. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang ở mức cao, dao động từ 20,9 -25% GDP.

Thực tế cũng chỉ ra chi phí logistics cao là do nhiều nguyên nhân. Trong đó yếu tố dịch bệnh khiến ùn tắc hàng hóa xảy ra và dẫn tới tình trạng thiếu container, gây áp lực tăng giá cước. Hiện các DN chủ yếu vận tải bằng đường bộ và loại hình vận chuyển này chiếm khoảng 70% khối lượng hàng hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng chi phí logistics nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Bởi, vận chuyển đường bộ là hình thức linh hoạt, có thể đưa hàng hóa trực tiếp từ kho đến kho. Chẳng hạn một lô hàng từ Đồng Nai có thể vận chuyển đường bộ đến thẳng các siêu thị, cửa khẩu mà không phải thực hiện nhiều khâu chuyển hàng.

Còn vận chuyển bằng đường biển tuy vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn nhưng thời gian lâu, chỉ phù hợp với sản phẩm không đòi hỏi thời gian vận chuyển nhanh, không yêu cầu cao về đóng gói, bảo quản, không phù hợp với các loại nông sản tươi. Vận chuyển bằng đường sắt vẫn còn lạc hậu, thời gian vận chuyển tương đương đường bộ nên chưa thu hút được các DN xuất nhập khẩu hàng hoá.

Làm gì để logistics mạnh lên?

Theo mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Như vậy nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics là yếu tố then chốt, là vấn đề tiên quyết cần giải quyết nếu muốn ngành logistics có thể phát triển bứt phá, đạt được vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng, vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Vậy làm cách nào để giúp DN logistic nói riêng và cả ngành logistic nói chung bứt phá?

Bà Ngô Thị Trúc Anh - Giám đốc bộ phận Vận chuyển (Lazada Logistics Việt Nam) cho rằng, kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững là năng lực cạnh tranh hiệu quả nhất. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm trở lại đây, tạo đà bứt phá cho ngành giao vận logistics. Tuy nhiên, các DN logistics cũng đang phải đối mặt với các thách thức lớn trong quy trình vận hành, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

Ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng để nắm bắt cơ hội phát triển cần triển khai nhóm các giải pháp về phát triển hạ tầng logistics, như tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện qui hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn, ICD Việt Nam thời kỳ 2021-2030; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện qui hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; Nhanh chóng triển khai các dự án giao thông đường bộ, cụ thể đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nâng cấp đường cao tốc TP HCM - Long Thành.

Còn ông Lê Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, Việt Nam rất cần một thương hiệu vận tải biển quốc gia mang tầm thế giới. Hiện nay, để nâng cao năng lực cho các DN trong ngành thì phải giải quyết được tình trạng thiếu container rỗng, bởi đây chính là nguyên nhân khiến chi phí tăng cao. Hiện đã có DN Việt Nam đầu tư sản xuất container nhưng một vài DN làm điều này là chưa đủ.

Về việc thu phí hạ tầng cảng biển, thực ra điều này đã được thực hiện ở Hải Phòng và hiện nay là ở TP HCM. Theo đó, việc thu phí sẽ khiến DN logistics gia tăng chi phí và người phải chịu thiệt chính là các DN xuất nhập khẩu. So sánh với các phương thức vận chuyển khác, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy hiện nay rất quan trọng nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến cơ sở hạ tầng, nên Nhà nước cần xem xét lại việc thu phí cơ sở hạ tầng ở một số cảng tại TP HCM.

“Nếu áp dụng cũng cần cân nhắc thời điểm, bởi hiện nay dịch bệnh khiến chi phí logistics đang tăng cao. Nếu không quản lý tốt sẽ xảy ra tình trạng thu phí hai lần” - ông Trung phân tích.

Doanh nghiệp logistics thiếu "sân chơi"
Theo ông Lê Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, chúng ta rất cần một thương hiệu vận tải biển quốc gia mang tầm thế giới, mà trước mắt phải giải quyết được tình trạng thiếu container rỗng, bởi đây chính là nguyên nhân khiến chi phí tăng cao. Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, một trong những hạn chế lớn là DN logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Số lượng DN “đông” nhưng chủ yếu là DN nhỏ, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi logistics. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, DN logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.

T.Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý logistics: 'Đông' nhưng nhỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO