Nghịch lý ngành chăn nuôi

H.Hương 21/04/2017 10:35

Giá thành sản xuất 1 kg lợn hơi tương đương 39.000 đồng/kg. Giá các thương lái thu mua lợn thời điểm hiện nay dưới 25.000 đồng/kg. Trong khi đó giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng hàng ngày gấp 3 lần mức này. Nghịch lý thị trường vẫn luôn tồn tại đối với các sản phẩm của chăn nuôi, trồng trọt. Người chăn nuôi khóc ròng, đến Bộ NN&PTNT phải kiến nghị phương án giải cứu.

Giá thu mua cho người chăn nuôi giảm, nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng khá cao.

Kiến nghị cứu người chăn nuôi

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản trình Thủ tướng các nhóm giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi, nhất là nuôi lợn. Theo đó Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng, tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất thịt và phụ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam để bảo vệ thị phần cho sản phẩm trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh.

Về lâu dài, cơ quan quản lý cho biết sẽ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi... nhằm tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cơ sở tính toán cập nhật từ Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, giá thành sản xuất lợn hơi tương đương 39.000 đồng/kg, nhưng giá bán hiện vẫn thấp hơn mức này và người chăn nuôi lỗ.

Hiện giá thu mua thịt lợn đang xuống rất thấp. Tại Đồng Nai, địa phương có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước, có thời điểm giá thịt lợn hơi chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến người chăn nuôi lỗ nặng từ 1 - 1,5 triệu đồng/con. Trong khi đó tại các vùng nuôi lợn tập trung khu vực Bắc Bộ như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ… giá lợn hơi hiện phổ biến ở mức 22.000 đồng/kg.

Nhiều hộ chăn nuôi khác cũng than thở, trong khi đầu ra thì hạ, nhưng giá các yếu tố đầu vào như thức ăn, thuốc thú y,… tăng, kéo theo chi phí chăn nuôi tăng cao, đẩy nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến cảnh “bỏ thương vương tội”

Người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do tăng trưởng quá “nóng” của ngành chăn nuôi trong thời gian qua. Thời điểm đầu tháng 3, Bộ NN&PTNT còn có khuyến cáo hãm phanh chăn nuôi lợn và ngừng mở rộng nhà máy thức ăn gia súc.

Tuy nhiên có điều đáng bàn hơn là giá thu mua cho người chăn nuôi giảm, nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng khá cao. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt ba chỉ vẫn ở mức 80.000-100.000 đồng/kg, sườn thăn 110.000 đồng/kg, thịt mông sấn từ 70.000-90.000 đồng. Trên nhiều diễn đàn, các bà nội trợ đặt than thở: Tại sao giá thịt lợn ở chợ và siêu thị vẫn không thay đổi, từ 80.000-130.000 đồng/kg. Còn giới tiểu thương cho biết: “Cứ nói giá thịt lợn hơi giảm mạnh, nhiều cơ sở chăn nuôi lỗ vốn nhưng khi đi lấy hàng giá vẫn cao”.

Câu chuyện người chăn nuôi lỗ khóc ròng bên chuồng nuôi, trong khi người tiêu dùng cũng mếu máo vì ít khi mua được thịt giá thấp, chỉ có thương lái được lợi xuất hiện liên tục trong nhiều năm nay. Hơn hết, cũng không chỉ đơn thuần diễn ra ở ngành chăn nuôi lợn mà còn ở một số mặt hàng khác như gà, tôm và các mặt hàng nông sản khác. Sâu xa của tình trạng trên còn là do sự thiếu phối hợp giữa người sản xuất với thị trường, doanh nghiệp để tạo ra các chuỗi liên kết ổn định.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, để thịt lợn đến được tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu trung gian như thương lái, giết mổ và các tiểu thương bán ngoài chợ. Trong khi đó, Hà Nội mới xây dựng được 8 chuỗi cung ứng thịt cho người dân, chiếm khoảng 1% so với thực tế. Do vậy, việc thương lái đang điều khiển thị trường khiến người tiêu dùng và người chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề.

Vẫn theo ông Vũ Vĩnh Phú, cần tổ chức lại hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối theo chuỗi, hạn chế các khâu trung gian để giảm giá thành, đồng thời giúp các hộ chăn nuôi không bị tư thương ép giá.

Ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong 5 nhóm vấn đề lớn của chăn nuôi lợn gồm giống, KH-CN, sản xuất, quy hoạch và thị trường thì 2 vấn đề thị trường đầu ra và đặc biệt là quy hoạch chăn nuôi lợn hiện nay đang vô cùng nhức nhối. Việc mở ra các trang trại chăn nuôi đang không kiểm soát được.

Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, cần thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường để người chăn nuôi định hướng sản xuất, không tăng đàn ồ ạt, tổ chức nhiều hơn các hệ thống phân phối, cắt bớt khâu trung gian. Hiện nay đang có mô hình chăn nuôi liên kết khá hiệu quả. Chẳng hạn, Công ty CP đang liên kết rất chặt với các hộ chăn nuôi. Sản phẩm thịt từ các hộ được công ty bao tiêu, chuyển về nhà máy chế biến thành thịt được đóng gói, xúc xích, thịt hộp... Cách làm này giúp người chăn nuôi bớt lo về đầu ra và giá bán cũng ổn định hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý ngành chăn nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO