Nghiêm cấm cán bộ sách nhiễu dân

Nguyên Khánh 28/09/2017 08:05

UBND thành phố Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là một trong những việc làm cứng rắn để lấy lại hình ảnh của cán bộ, công chức trong mắt dân.


Hà Nội đang xây dựng hình ảnh đẹp trong cán bộ, công chức, viên chức thành phố.

Cấm tự ý đặt thêm quy định “hành” dân

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã về việc chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, các bộ phận liên quan đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thành phố.

Các đơn vị thường xuyên thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, kịp thời trình Chủ tịch UBND thành phố công bố TTHC thuộc lĩnh vực được giao. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc niêm yết TTHC theo quy định của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật trong giải quyết TTHC. Để giám sát quá trình thực hiện, các đoàn kiểm tra công vụ của thành phố sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó tập trung kiểm tra việc niêm yết, tiếp nhận, giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của các đơn vị; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có) trong giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức.

Không thể “nghiêm khắc rút kinh nghiệm mãi”

Bình luận về quy định mới này, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Quốc Cường cho rằng, những quy định này đều có trong các văn bản luật. Tuy nhiên, Hà Nội nhấn mạnh thêm nhiệm vụ để công chức Thủ đô tuân thủ không hề thừa. Bởi, luật có nhiều, quy định cũng đã ban hành nhưng thực tế các cuộc “va chạm” giữa cán bộ, và người dân vẫn thường xảy ra. Vụ cán bộ tiếp dân của phường Văn Miếu (quận Đống Đa) gây khó dễ cho người dân đến xin cấp giấy chứng tử là một ví dụ điển hình. Bức xúc giữa người dân và cán bộ không chỉ riêng có ở Hà Nội. Nhiều cán bộ tự “đẻ” thêm quy định như những vụ phê vào lý lịch của sinh viên ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cũng đều là những “sáng kiến” độc đáo của cán bộ. Chính vì vậy, cần những chế tài đủ mạnh để cán bộ không tự ý “đẻ” thêm điều kiện để hành dân.

Ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng cho rằng, thời gian gần đây rất nhiều hành vi ứng xử không đẹp trong phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức. Rất nhiều chuyện buồn như, cán bộ ứng xử không chuẩn mực với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, thậm chí ứng xử rất thiếu văn hóa. Có cán bộ vì lợi ích phê duyệt những dự án đã góp phần tàn phá môi trường, có những cán bộ hoạnh họe chửi nhà báo, xem thường dân... Trong giải quyết TTHC thì không ít hành vi phản cảm của cán bộ được đưa lên mặt báo.

Đó là lý do khiến nhiều bộ, ngành, địa phương phải ban hành các quy định cứng rắn đủ sức răn đe với họ. “Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách, rất nhiều điều kiện, thủ tục được bãi bỏ để tạo sự thông thoáng. Tuy nhiên, hiệu quả của công cuộc cải cách này sẽ giảm đi rất nhiều nếu không có sự tự giác của cán bộ. Thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, nhưng cán bộ cố tình “sáng tạo”, “linh hoạt” trong khâu tổ chức thực hiện thì người dân và doanh nghiệp vẫn kêu trời. Thế nên, cần ban hành những quy định, chế tài đủ sức răn đe để cán bộ không dám, không thể, tự ý “cài cắm” thủ tục để hành dân”, ông Định nói.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, thành phố đã chỉ đạo kiên quyết đối với cán bộ đảm nhiệm vị trí tiếp dân phải được đào tạo, học cách ứng xử văn minh, có trách nhiệm. Theo đó, cán bộ phải tự kiểm điểm lại xem có còn tình trạng người dân ra trụ sở xã làm TTHC phải mất tiền mới được giải quyết hay không? Nếu còn tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải xử lý thật nghiêm.

Trước đó, tại công văn số 1367/TTg-KSTT về việc chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chấn chỉnh việc giải quyết TTHC; thực hiện hướng dẫn đầy đủ việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần; khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC, quá hạn trong giải quyết TTHC. Các đơn vị này phải xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiêm cấm cán bộ sách nhiễu dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO