Nghiêm cấm lạm dụng quyền hạn, tiền bạc để mua chuộc cử tri

Ngọc Quang (thực hiện) 09/04/2016 08:45

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, trong quá trình lựa chọn những người tham gia ứng cử, việc kiểm tra hồ sơ ứng cử, lấy ý kiến cử tri, kê khai tài sản được đặc biệt quan tâm. Qua đó góp phần để cuộc bầu cử bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ.

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn.

PV:Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân; là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Vậy thưa ông, làm sao để công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử thấm đến từng người dân?

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Trong quá trình tiến hành cuộc bầu cử, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, đóng góp vào thành công của cuộc bầu cử. Thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia và các cơ quan hữu quan ở Trung ương đã có những chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trên xuống một cách đồng bộ công tác tuyên truyền về bầu cử.

Mục đích công tác tuyên truyền trong cuộc bầu cử là nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn các đại biểu có đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Do đó, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử cần phải làm cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thông qua đó, bảo đảm sự ủng hộ và tích cực của cử tri trong việc tham gia các hoạt động bầu cử và chủ động trực tiếp tham gia bỏ phiếu bầu cử.

Thông tin, tuyên truyền về bầu cử là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng. Do đó, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về các nguyên tắc, quy trình bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm của cử tri trong quá trình tham gia bầu cử thông qua nhiều hình thức như: tọa đàm, phóng sự, phỏng vấn, phát biểu ý kiến của cử tri, của những người tham gia ứng cử…

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, các ứng cử viên sẽ tham gia vận động bầu cử. Hình thức và quy trình thực hiện thế nào, thưa ông?

- Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì có hai hình thức vận động bầu cử mà người ứng cử có thể tiến hành, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại hội nghị cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, sau khi đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử thì từng người giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân; sau đó cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm tại hội nghị.

Đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng thì người tham gia ứng cử trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc trang tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử địa phương (nếu có).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử là việc không đơn giản. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử thực sự là việc không đơn giản nếu không nói là rất khó khăn nhưng không thể không nỗ lực tối đa để thực hiện. Bởi vì, đây là yếu tố rất quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả của cuộc bầu cử. Việc vận động bầu cử phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử. Không có chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử.

Để bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên trong quá trình tổ chức vận động bầu cử, Điều 68, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định việc nghiêm cấm các hành vi trong vận động bầu cử, đó là: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có hướng dẫn để mọi người ứng cử đều bình đẳng như nhau.

Đối với hình thức vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời gian trình bày chương trình hành động tương đương nhau và với hình thức vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng quy định tương tự. Các ứng cử viên có thời lượng trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt.

Hoặc nếu đăng bài phát biểu, hình ảnh của các ứng cử viên thì phải xếp theo thứ tự chữ cái A, B, C… Đồng thời, luật cũng qui định người ứng cử không được hứa những gì không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được; không được dùng tiền bạc, vật chất hay những phương tiện khác để lôi kéo, mua chuộc cử tri…

Theo luật quy định các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử. Đồng thời, các phương tiện thông tin, tuyên truyền cũng không được đi vận động cho bất kỳ một cá nhân nào để vận động bầu cử mà chỉ dùng phương tiện thông tin đại chúng cho những người được tổ chức giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình cho cử tri.

Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp sẽ giám sát chặt chẽ việc này. Chúng tôi rất mong muốn nhân dân cùng tham gia giám sát vì có càng nhiều kênh thông tin theo dõi sẽ bảo đảm tốt tính khách quan trong cuộc bầu cử.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiêm cấm lạm dụng quyền hạn, tiền bạc để mua chuộc cử tri

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO