Nghiêm khắc chính là tự cứu mình

T.Dương (ghi) 05/05/2016 09:10

Đề cập đến vấn đề làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia đáng sống, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian tới cần hành động mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ. Phải thực thi pháp luật và thực thi kỷ luật công vụ một cách nghiêm khắc hơn. Nghiêm khắc hơn chính là tự cứu mình chứ không phải xuê xoa, du di bỏ qua.

Nghiêm khắc chính là tự cứu mình

Ông Trương Trọng Nghĩa.

Từ góc độ người dân

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trước hết có thể khẳng định, chúng ta chưa thể giàu ngay và phát triển ngay bằng các nước khác. Nhưng điều đó không phải chúng ta không thể làm cho đất nước trở thành nơi đáng sống. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia. “Chúng ta là Nhà nước XHCN có luật pháp, các quyền tự do dân chủ được luật hiến định. Tất cả các điều đó là tốt nhưng chúng ta phải biến nó thành hiện thực trong cuộc sống. Tức là Nhà nước phải có trách nhiệm hơn làm cho người dân cảm thấy cuộc sống của họ an toàn, các thành phần thiểu số, yếu thế được quan tâm chăm lo, và công bằng công lý cũng phải được bảo đảm. Nếu có việc gì xảy ra họ không cảm thấy bị đối xử bất công và cảm thấy vì tôi nghèo, ít tiền nên không có công lý. Có những quốc gia vẫn có những vùng mà người dân cảm thấy đời sống tinh thần thư thái, khi tìm hiểu chỉ số hạnh phúc thì thấy người ta sống cảm thấy hài lòng”- ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, ở nhiều quốc gia phát triển nói về chỉ số là nơi đáng sống hay hạnh phúc không chỉ là tiền hay phương tiện vật chất mà còn là vấn đề văn hóa xã hội và công lý. “Phải chăng trong lúc tìm cách phát triển đất nước, chúng ta nghĩ nhiều quá về vật chất mà buông lỏng các việc khác?”- ông Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng, người dân muốn được quan tâm, chăm lo, nếu có xung đột xảy ra thì được xét xử một cách công bằng, sống lương thiện yên tâm không bị người khác xâm hại. Đó là những điểm cần cố gắng xây dựng và nỗ lực nhiều trong thời gian tới. Như vậy người dân mới yên tâm, mới phấn đấu làm việc và kinh doanh sản xuất.

Và góc nhìn doanh nhân

“Doanh nghiệp nhỏ trong môi trường kinh doanh tốt đẹp họ sẽ nghĩ rằng 5 năm, 10 năm, hay 15 năm tới họ có thể trở thành một doanh nghiệp lớn. Chứ nếu thấy doanh nghiệp cỡ trung bình hay lớn còn phải thông qua các quan hệ, thông qua chạy chọt, lót tay thì họ là doanh nghiệp nhỏ vậy biết đến chừng nào mới khá lên được, do đó họ không còn niềm tin”- ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho biết cảm nhận thông qua tiếp xúc cử tri của mình, hiện có hiện tượng doanh nhân thành đạt cũng băn khoăn về tương lai của mình phát triển như thế nào? Lý giải, ông cho rằng, chắc chắn rằng người dân, doanh nghiệp không ai muốn hối lộ để được việc. Ngay doanh nghiệp nước ngoài họ nói rằng anh cứ tính thêm tiền cho tôi một cách công khai, minh bạch để tôi đưa vào hóa đơn hạch toán vào giá thành và khai thuế. Cũng là tiền ấy nhưng anh cứ tính thêm cho tôi đi, nhưng thay vì như vậy anh lại bắt tôi phải lót tay, chung chi riêng ở bên ngoài thì tôi không chấp nhận được.

Từ thực tế ấy, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bày tỏ, “điều mà tôi muốn nói là khi chúng ta nỗ lực xây dựng đất nước, vấn đề cực kỳ quan trọng chính là môi trường kinh doanh và môi trường sống. Tức là những yếu tố văn hóa xã hội, để người dân cảm thấy khi con họ lớn lên phải có tương lai ở đất nước này thì họ mới yên tâm. Hiện chúng ta đang bị chệch khi cứ lo quá về tiện nghi vật chất, cứ dùng thu nhập trên đầu người để đo sự phát triển. Nếu thế sẽ không đầy đủ và bị chệch hướng, khó đem lại sự chuyển biến đồng bộ đột phá trong kinh tế”.

Cần xử nghiêm hành vi phạm tội

Đề cập đến vấn đề tham nhũng đang khiến người dân chưa yên tâm, phải chăng trong thời gian qua chúng ta chưa mạnh tay xử lý kiên quyết, ông Nghĩa cho rằng sau khi hàng loạt sai phạm xảy ra trong khu vực kinh tế nhà nước đã đưa người ta đến suy nghĩ trong tình hình nghiêm trọng như thế mà không xử lý kỷ luật là không hợp lý, không phù hợp. Vì luật pháp phải được thực thi, sai phạm nhiều phải kỷ luật, sớm điều chuyển thì sai phạm sẽ được hạn chế, có sức răn đe, sai phạm nhỏ không trở thành sai phạm lớn hơn đến lúc đổ vỡ có những án tử hình, chung thân. “Do đó quản lý hành chính nhà nước trong điều kiện hiện nay, Chính phủ càng phải thực thi pháp luật và thực thi kỷ luật công vụ một cách nghiêm khắc hơn. Nghiêm khắc hơn chính là tự cứu mình chứ không phải chúng ta xuê xoa, du di bỏ qua”- ông Nghĩa kiến nghị.

Cũng theo ông Nghĩa, khi thực thi pháp luật, cải cách hành chính, và trong tái cơ cấu nền kinh tế là đụng đến lợi ích. Do đó cần bàn tay mạnh hơn của Chính phủ vì lợi ích đất nước, nhân dân, vì lợi ích chung. Cho nên cần tái cơ cấu chính lợi ích đó, chúng ta phải buộc người ta chấp nhận sự điều chuyển, thay đổi. Nói đến cải cách hay tái cơ cấu đụng đến lợi ích của nhiều người, nhưng anh đã là công chức thì phải chấp nhận sự thay đổi nếu không thì anh thôi.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2015 vừa được công bố cho thấy: Theo đánh giá của người dân, việc tuyển dụng công chức, viên chức phần lớn không dựa trên năng lực thực sự mà phần lớn dựa trên quan hệ cá nhân. Quyết tâm chống tham nhũng trong lãnh đạo cấp tỉnh còn thấp. Năm 2015 chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng lãnh đạo cấp tỉnh đã nghiêm túc trong xử lý vụ việc tham nhũng ở địa phương, thấp hơn so với năm 2013. Đáng chú ý mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân có xu hướng gia tăng. Năm 2015 chỉ có gần 3% số người bị vòi vĩnh đưa hối lộ tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền, giảm 7,5% so với năm 2011.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiêm khắc chính là tự cứu mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO