Nghiêm trị ‘đòn hiểm’

Bắc Phong 24/08/2021 07:11

Trong lúc cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, trên mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin giả, sai sự thật. Những loại thông tin xấu độc này tác động tiêu cực tới tâm lý người dân, gây nhiễu loạn; không loại trừ cả những thông tin gây chia rẽ, mất đoàn kết.

Mới đây, trước khi TP HCM bước vào đợt cao điểm giãn cách để dập dịch (kể từ ngày 23/8), trên mạng xã hội tối 21/8 xuất hiện bảng công bố “vùng xanh”, “vùng đỏ”. Núp dưới vỏ bọc “chính thống”, những kẻ đưa lên mạng thông tin này đã đánh lừa người dân. Đáng chú ý, bảng phân vùng chi tiết xuống tận các phường, xã, thị trấn ở các địa bàn có dịch như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, bởi vậy nó được lan truyền rầm rộ, khiến nhiều người hoang mang.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã lên tiếng khẳng định, đến nay thành phố chưa hề công bố bảng phân vùng “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng cam” và “vùng đỏ”.

Khi dịch giã diễn biến phức tạp, tin giả, tin bịa đặt sai sự thật, tin xấu độc chính là “đòn hiểm” nhằm gây rối, phá hoại những nỗ lực của cuộc chiến dập dịch. Loại thông tin này nhắm vào những việc được nhiều người quan tâm như phong tỏa, ban bố tình trạng khẩn cấp, người dân sống khốn khó trong khu cách ly tập trung, trong vùng thực hiện giãn cách, về vaccine, về số ca tử vong... Chính vì thế những thông tin giả, tin sai sự thật ở những lĩnh vực đó khi phát tán đều vô cùng độc hại.

Về chuyện vaccine, trong lúc Chính phủ hết sức nỗ lực tìm kiếm các nguồn vaccine đưa về nước để tiêm cho người dân, thì cũng lại xuất hiện những thông tin nhân danh “khoa học” để bình phẩm, chê bai loại vacine này, loại vaccine nọ, rồi kêu gọi mọi người tẩy chay.

Cụ thể: Chiều 13/8, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi cảnh báo về việc không ít tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán tin giả mạo có nội dung “Quận 12 thông báo tiêm vaccine Sinopharm, dân bỏ về hết”. Tuy nhiên, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, người dùng facebook tung ra không ngoài mục đích phá hỏng chiến dịch tiêm vaccine đang được đẩy mạnh, nhất là với TP HCM - địa phương bùng phát dịch mạnh nhất trong cả nước.

Vào đầu tháng 8, khi Hà Nội tiếp tục áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 thì trên mạng xã hội xuất hiện thông tin người dân Hà Nội chỉ được ra ngoài 7 ngày/1 lần. Tài khoản facebook này còn kêu gọi: “Các bác xem chiều nay đi mua trữ thêm đồ ăn nếu gần hết nhé”. Cơ quan chức năng đã phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối tượng tung tin giả này.

Trên thực tế, bên cạnh cuộc chiến chống dịch bệnh thì còn một cuộc chiến khác, đó là cuộc chiến chống tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc. Những thông tin đó lan truyền cực nhanh trên mạng xã hội, gây tác động rất tiêu cực. Nhiều đối tượng đã bị xử lý hành chính nhưng dường như chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Đặc biệt khi những thông tin loại này lại núp bóng khoa học, người nổi tiếng... thì dù vô tình đi chăng nữa, việc làm đó cũng gây nhiễu loạn, suy giảm niềm tin của cộng đồng.

Đã đến lúc không thể nương nhẹ với hành vi tung tin giả, sai sự thật, xấu độc trên mạng xã hội. Phạt hành chính là cần thiết, nhưng rõ ràng chưa đủ sức nặng. Đây phải được coi là cuộc chiến không khoan nhượng để bảo vệ cộng đồng. Người dân mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, nhanh chóng truy tìm thủ phạm và áp dụng chế tài mạnh để loại bỏ loại “virus” độc hại này.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 78/NQ-CP tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội. Vấn đề là phải hành động, hành động quyết liệt thì những nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid-19 mới không bị phá hủy. Cũng cần nhắc lại, Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật gây dư luận xấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất là 7 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiêm trị ‘đòn hiểm’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO