Nghiêm với thực phẩm bẩn

Việt Thắng (thực hiện) 20/02/2017 09:40

Xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm, trao đổi với ĐĐK, ông Trương Minh Hoàng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Quy định của pháp luật không thiếu nhưng quá trình làm không nghiêm dẫn đến nhờn. Cạnh đó còn do nhận thức của người tiêu dùng. Bởi khi gặp hàng rong, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, người dân không mua thì tự họ sẽ phải nghỉ bán.

Ông Trương Minh Hoàng.

PV: Thưa ông, là người vừa tham gia giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP) theo chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, ông nhận định như thế nào về việc thực hiện, và đâu là những điểm nghẽn hiện nay tại các địa phương?

Ông Trương Minh Hoàng: Thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về ATTP, qua việc đi giám sát tại địa phương tôi thấy rằng, trước hết nhận thức của địa phương, cán bộ cấp xã, phường và người dân người trực tiếp tham gia trồng mua bán, chế biến thực phẩm đã có sự chuyển biến, cơ bản hiểu rõ vấn đề. Qua tiếp xúc với người dân ở chợ đầu mối về sự nguy hại cũng như ATTP cho thấy họ đều nắm rõ tác hại, rành rọt từ người bán hàng ăn cho đến hàng cóc tại vỉa hè. Còn ở cấp tỉnh, thành đã triển khai hóa Nghị quyết của tỉnh, và HĐND, hàng loạt văn bản đã được ban hành rất chi tiết.

Tuy nhiên thực tế vẫn là điều đáng lo ngại. Ví dụ việc nhiều nơi đã tổ chức một khu tập trung để giết mổ ở thành phố, quận trung tâm, thị trấn, thị xã nhưng vì thói quen, kể cả sự cương quyết của chính quyền trong dẹp các điểm giết mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh để đưa về điểm tập trung thì còn làm lơ là, chưa đến nơi đến chốn. Chúng ta mời gọi, kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp vào cuộc đầu tư khu giết mổ tập trung nhưng khi đầu tư, tốn vài chục đến 100 tỷ đồng nhưng các điểm giết mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh vẫn tồn tại song song. Chúng ta kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư khu tập trung giết mổ bằng công nghệ hiện đại, có xử lý nước thải, nước xử lý động vật sau khi giết mổ, có công trình khép kín, trong khi đó thì cơ sở nhỏ lẻ có sàn giết mổ chỉ tráng lớp xi măng sơ sài, thậm chí để trên nền đất rồi tuồn nước thải ra ao. Vì cơ sở giết mổ nhỏ lẻ giá giết mổ chỉ 40 nghìn đồng trong khi khu giết mổ tập trung phải 50-60 nghìn đồng do đó người dân đến các điểm nhỏ lẻ. Điều đó khiến doanh nghiệp khó khăn. Họ đã kiến nghị nhiều nơi nhưng không được giải quyết, đã có cam kết của tỉnh rồi nhưng tỉnh lại đùn đẩy cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó họ cũng nản.

Ví dụ trên cho thấy nhận thức là có, nhưng với cách làm thế này thì khó duy trì. Nếu chúng ta cứ nhận thức như vậy thì doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất thực phẩm sạch cũng khó tồn tại.

Ông nghĩ sao khi thanh kiểm tra 1.000 cơ sở chỉ phạt 2 cơ sở? Nhiều ý kiến của các bộ, ngành đã và đang đề nghị nâng cao mức xử phạt trong Luật?

- Tôi khẳng định rằng quy định của pháp luật không thiếu. Có nhiều cái hướng dẫn rất chi tiết. Đơn cử như Luật Xử phạt vi phạm hành chính còn quy định cho phép Chủ tịch xã, phường xử phạt thế nào? Các đội xử lý, cách xử lý làm sao? Quy định chi tiết cụ thể đến mức người bán hàng ăn ở vỉa hè chỉ cần hất nước bẩn ra đường thì chính quyền địa phương được quyền phạt. Nghĩa là quy định từng li, từng tý nhưng cái chính là quá trình làm không nghiêm dẫn đến người ta nhờn. Như hai dãy phố cạnh nhau mà nơi này làm nghiêm, nơi kia làm không nghiêm thì người dân không chấp nhận được việc đó. Do đó chúng ta phải làm nghiêm đồng loạt, tất cả hệ thống từ trên xuống dưới. Nếu ở phường làm không nghiêm thì cấp quận cần mạnh dạn đổi cán bộ đó và thay thế người khác. Tức là làm nghiêm từ trên xuống thì mới chuyển biến được. Chứ bây giờ xử lý như vậy rồi đổ cho Luật không có, quy định không rõ ràng là không đúng.

Quan trọng là làm chưa nghiêm chứ không phải nâng cao mức phạt lên. Tôi nói ví dụ đối với người bán hàng rong mà nâng mức xử phạt cao lên thành 1-2 triệu thì họ lấy tiền đâu mà nộp phạt? Chưa kể khó khả thi vì lợi nhuận 1 ngày chỉ được 100-200 trăm ngàn. Nếu chúng ta làm nghiêm chỉ cần phạt họ 300 ngàn đồng, tự họ thấy mất đi hơn 1 ngày thu nhập thì chính họ sẽ phải chuyển biến. Không phải là mức phạt cao hay thấp mà quan trọng là các cấp chính quyền có vào cuộc để xử phạt hay không?

Ông nghĩ sao khi quy định trách nhiệm của người đứng đầu rồi nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong muốn?

- Thực tế cho thấy nơi nào chính quyền địa phương quan tâm thì tình hình có khác. Có nơi chính quyền địa phương không xử phạt vì vướng bà con, họ hàng. Tôi nghĩ nếu địa phương cương quyết thì chắn chắn sẽ làm được. Bên cạnh đó phải nói rằng người dân cũng có vai trò góp phần rất lớn, có tính chất quyết định. Bởi khi gặp hàng rong hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, người dân không mua thì tự họ sẽ phải nghỉ bán. Nghĩa là phải cả chính quyền địa phương và người dân vào cuộc thì mới có sự chuyển biến. Địa phương và người dân cùng có trách nhiệm thì mới giải quyết được chứ bây giờ cứ đổ thừa, rồi cách làm theo kiểu “cho xong” thì hiệu quả đem lại không cao.

Ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng, cấp chính quyền thì với cách thức sản xuất như hiện nay, chúng ta cũng cần phải thay đổi và trong đó trước tiên là nhận thức của người tiêu dùng?

- Đúng vậy. Muốn giải quyết được phải chính từ nhận thức từ người tiêu dùng. Bây giờ người tiêu dùng mua phải mua hàng có nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu, đến các cửa hàng sạch chứ không thể có thói quen mua ở vỉa hè, hàng rong. Làm sao để tối ưu hóa mua hàng trong siêu thị hay các chợ đủ điều kiện tiêu chuẩn về vệ sinh, nhất là đối với hàng tươi sống. Như vậy thực phẩm mới đảm bảo an toàn, chất lượng. Khi người tiêu dùng tạo thói quen về nguồn gốc hàng hóa thì mới tạo thói quen trong tiêu dùng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiêm với thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO