Nghiên cứu vắc xin chống dịch tả lợn châu Phi: Những kết quả tích cực

Đức Trân 04/07/2019 08:00

Tại cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu về nghiên cứu vắc xin, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (ASF) mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghiên cứu vắc xin phòng, chống ASF đang đi đúng hướng, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực.

Nghiên cứu vắc xin chống dịch tả lợn châu Phi: Những kết quả tích cực

Vắcxin vô hoạt phòng, chống ASF được đánh giá là an toàn và có hiệu quả.

Tín hiệu mừng

Thông tin cụ thể về công tác nghiên cứu vắc xin, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cùng với việc nghiên cứu, Học viện đã tiến hành thử nghiệm vắc xin vô hoạt phòng, chống ASF trên 3 đàn lợn của 3 hộ chăn nuôi khác nhau ngoài thực địa (Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình).

Kết quả ban đầu cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 con lợn thịt của 3 hộ gia đình đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số lợn nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Đáng chú ý, những con lợn không được tiêm vắcxin đều chết do ASF. Có thể thấy, vắc xin vô hoạt phòng, chống ASF bước đầu đã có hiệu quả cao đối với đàn lợn được tiêm phòng.

Bà Lan cho hay, vắc xin vô hoạt phòng, chống ASF được đánh giá là an toàn và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng.

Mặc dù thời gian các nhà khoa học nghiên cứu vắc xin phòng, chống dịch tả lợn không dài nhưng đã cho ra kết quả bước đầu khả quan và là tín hiệu tích cực, đem lại hi vọng mới trong công tác phòng, chống ASF. Trong quá trình nghiên cứu, khi tiến hành khử độc lực virus trên lợn, các nhà khoa học đã chọn ra được 3 chủng virus ASF có độc lực cao. Từ đó, xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của virus trong các cơ quan của cơ thể lợn. Vắc xin vô hoạt thế hệ mới đã cho thấy kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.

Vẫn cần nghiên cứu thêm

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Lan cũng khẳng định: Với vắc xin vô hoạt, nhóm nghiên cứu của Học viện mới chỉ phân lập, lựa chọn được một số chủng virus, môi trường sản xuất vắc xin và xác định được chủng virus cường độc để đánh giá chất lượng. Đây mới chỉ là kết quả bước đầu khả quan trong quy mô phòng thí nghiệm trong diện hẹp. Vì vậy, các loại vắc xin vẫn cần nghiên cứu tiếp trên diện rộng và cần lặp lại...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, từ nghiên cứu thử nghiệm đến sản xuất thương mại được vắc xin là một chặng đường dài, thực tế thế giới chưa sản xuất được vắc xin ASF. Vì vậy, đây chỉ là những kết quả bước đầu, không được chủ quan.

Ông Cường cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam sớm xây dựng quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắc xin trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam. Bộ trưởng cũng chỉ đạo cần tiếp cận theo các hướng sáng tạo nhất để đẩy nhanh các bước, sớm thương mại hóa vắc xin ra thị trường.

Trong suốt 100 năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu sản xuất được 7 dòng vắc xin ASF (đã đánh giá tính hiệu lực) từ các chủng giống virus nhược độc. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vắc xin này gặp nhiều khó khăn, do chi phí sản xuất rất cao, vì vậy việc phòng bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn với ASF không được thực hiện. Mỗi khi mầm bệnh lây lan, biện pháp được áp dụng là tiêu hủy đàn lợn.

Chú trọng chăn nuôi an toàn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh được coi là “vũ khí kép” có hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch tả lợn.

Được biết, từ khi ổ ASF đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên (vào ngày 1/2/2019), đến nay, ASF đã bùng phát tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bến Tre là tỉnh cuối cùng xuất hiện ASF sau các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thống kê cho thấy, tổng số lợn nhiễm bệnh phải tiêu huỷ đã lên đến gần 3 triệu con, chiếm hơn 10,3% tổng đàn lợn trên cả nước. Chính vì thế, nguy cơ ASF tiếp tục bùng phát trong thời gian tới là rất cao, đe doạ sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu với ASF, do đó để chủ động phòng, chống ASF cần kịp thời phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Tăng cường kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực đã và đang được các nước áp dụng.

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT cho biết, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh ASF đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic bổ sung trong thức ăn chăn nuôi cho phép tận dụng được nguồn nguyên liệu, lao động sẵn có ở các nông hộ, địa phương làm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi.

Bên cạnh đó, để phòng, chống có hiệu quả ASF, Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần phải nắm rõ và thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh tả lợn châu Phi cần lấy mẫu xét nghiệm và xác định nguyên nhân gây bệnh. Nếu xác định dương tính, cần báo ngay với chính quyền địa phương và cơ sở thú y để tiêu huỷ, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiên cứu vắc xin chống dịch tả lợn châu Phi: Những kết quả tích cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO