Ngoại trưởng Mỹ đề xuất hướng tiếp cận mới với vấn đề Triều Tiên

17/03/2017 07:35

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong hôm 16/3 đã nói rằng mối đe dọa ngày càng gia tăng từ chương trình hạt nhân Triều Tiên cho thấy sự cần thiết phải có “hướng tiếp cận mới”, dù không đưa ra chi tiết về các kế hoạch đối phó mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ theo đuổi.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có chuyến công du châu Á trong tuần. (Nguồn: JapanTimes).

Ông Tillerson đã đưa ra tuyên bố trên tại một cuộc họp báo sau khi tham dự các cuộc họp với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo, điểm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du châu Á. Đây là lần đầu tiên ông Tillerson tiếp nhận câu hỏi từ các hãng truyền thông kể từ khi ông chính thức nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ hồi đầu tháng 2 vừa qua.

Hai thập kỷ các nỗ lực ngoại giao và nhiều nỗ lực khác, bao gồm viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, đều đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng, ông Tillerson cho hay.

“Vậy nên chúng ta đã có 20 năm theo một hướng tiếp cận thất bại” - ông Tillerson nói - “Nó còn bao gồm cả một thời kỳ mà nước Mỹ cung cấp 1,35 tỷ USD viện trợ cho Triều Tiên để khuyến khích nước này đi theo con đường khác”.

Ngoại trưởng Mỹ thêm rằng: “Trong lúc đang phải đối diện với mối đe dọa ngày càng tăng, rõ ràng chúng ta cần một cách tiếp cận khác. Một phần mục đích trong chuyến thăm của tôi tới khu vực là nhằm trao đổi quan điểm về một hướng tiếp cận mới”.

Nhật Bản hiện đang mong muốn làm rõ các chính sách mới của Wahsington đối với vấn đề Triều Tiên cũng như Trung Quốc, cùng lúc hy vọng rằng sẽ thảo luận về các vấn đề thương mại giữa hai bên trong chuyến thăm của ông Tillerson. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng kêu gọi các đồng minh của nước Mỹ, trong đó có Nhật Bản, phải chi tiền nhiều hơn để duy trì lực lượng quân sự Mỹ trên lãnh thổ của họ và có được các yếu tố bảo vệ của Mỹ.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Kishida, Ngoại trưởng Tillerson đã nói rằng Mỹ hoan nghênh việc Nhật Bản củng cố cam kết của họ đối với vai trò và trách nhiệm của mình trong khối đồng minh với nước Mỹ.

Giai đoạn mới

Ông Tillerson, từng là nhà điều hành tập đoàn dầu khí khổng lồ của nước Mỹ trong khi không có kinh nghiệm ngoại giao, sẽ có chuyến thăm tới Hàn Quốc và Trung Quốc trong tuần này. Trong chuyến công du, tân Ngoại trưởng Mỹ có nhiệm vụ đảm bảo với Tokyo và Seoul về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời thúc giục Trung Quốc nỗ lực hơn trong việc kiềm chế mối đe dọa an ninh hàng đầu mà Tổng thống Trump đang phải đối mặt.

“Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết của họ và thực thi hoàn toàn các lệnh trừng phạt theo các nghị quyết của LHQ” - ông Tillerson trả lời một câu hỏi liên quan tới việc Trung Quốc cam kết kiềm chế mối đe dọa đến từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Hồi tuần trước, Triều Tiên đã phóng liên tiếp 4 tên lửa đạn đạo và hiện đang tiếp tục phát triển các tên lửa có khả năng lắp đặt các đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn đủ để với tới lãnh thổ của nước Mỹ.

Washington, trước đó, nói rằng, tất cả các lựa chọn, bao gồm cả can thiệp quân sự, đều được cân nhắc trong chính sách của họ đối với Triều Tiên, trong khi phía Nhật Bản mong muốn hiểu rõ hơn về tuyên bố này.

Trong những tháng cuối của chính quyền Obama, giới chức Mỹ từng cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẽ liệt nhiều công ty và ngân hàng của nước này đang làm ăn với Triều Tiên vào danh sách đen, nếu như chính quyền Bắc Kinh không thể thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng.

Nhật Bản vẫn có Hiến pháp hòa bình, nhưng các nhà lập pháp có tầm ảnh hưởng của nước này đang ra sức thúc đẩy để phát triển khả năng đánh trả các cuộc tấn công quân sự của Bình Nhưỡng. Tokyo còn đang cân nhắc về việc tăng cường phòng thủ tên lửa đạn đạo bằng cách lắp đặt hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.

Về vấn đề thương mại song phương, hồi đầu tuần, cố vấn thương mại của ông Trump, Peter Navaro, đã chỉ ra rằng Nhật Bản hiện đang không bị áp hàng rào thuế quan, và nói rằng Washington cần phải tận dụng vị thế thị trường lớn nhất thế giới để thúc đẩy xuất khẩu. Trong khi đó, một số quan chức Nhật cho rằng hiện nay vấn đề an ninh mới là quan trọng nhất.

“Nhật Bản nhận thức rõ rằng các mối đe dọa đến từ các hành động khiêu khích từ Triều Tiên đã đi đến một giai đoạn mới. Chúng ta cần phải tiếp tục phối hợp với Mỹ và các nước có liên quan để yêu cầu Triều Tiên ngừng các hành động này” - Ngoại trưởng Nhật Bản, Fumio Kishida, nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngoại trưởng Mỹ đề xuất hướng tiếp cận mới với vấn đề Triều Tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO