Ngọn đuốc sáng dưới chân núi Kà Đay

Hạnh Nguyên 21/08/2017 10:05

Nằm nép mình dưới chân núi Kà Đay với một bên là dòng sông Ngàn Sâu thơ mộng, mấy chục năm nay bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn bền bỉ tìm cách hòa nhập cuộc sống. Gần 150 bà con người dân tộc Chứt từ chỗ sống trong hang đá, hái măng rừng để sống, với nhiều hủ tục lạc hậu giờ đây đã đổi khác.

Bản Rào Tre hôm nay.

Một trong những người có công làm đổi thay cuộc sống của dân bản là bà Hồ Thị Nam - người được ví như ngọn đuốc sáng của người Chứt, một trong hai đảng viên đầu tiên ở bản Rào Tre.

Nữ trưởng bản đầu tiên

Quay ngược thời gian trở về gần 60 năm trước- năm 1958, trên đường tuần tra biên giới, BĐBP Hà Tĩnh đã phát hiện khoảng 30 người Chứt, sống ở rừng sâu, trong hang đá ẩm ướt, du canh, du cư trên dãy Trường Sơn, giáp biên giới Việt Nam - Lào.

BÐBP đã vận động đồng bào về đây dựng nhà, lập nên bản Rào Tre. Nhưng rồi, do đã quá quen với cuộc sống hoang dã, đồng bào lại về nơi ở cũ.

Năm 2001, các cấp ủy, chính quyền địa phương và BÐBP Hà Tĩnh tiếp tục vận động, đưa bà con về định cư tại bản Rào Tre. Từ đây, những ngôi nhà sàn được cất lên bên dòng sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Kà Ðay hùng vĩ. Đơn vị bản duy nhất ở Hà Tĩnh được hình thành từ đó.

Những năm đầu, gian nan vô cùng. cả bản không ai biết họ tên, ngày sinh, hay nguồn gốc của mình. Chuyện kể rằng, ngày 19-5-1960, BÐBP tổ chức cho bà con lễ sinh nhật Bác Hồ. Bà con dân bản được nghe kể nhiều câu chuyện về Bác. Một người đề nghị “Ta là con cháu Bác Hồ, nên ta sẽ lấy họ Hồ”. Mọi người cùng nhất trí. Thế là họ “Hồ” được đặt cho những người dân tộc Chứt từ đó.

Cũng trong hôm đó, ông Hồ Sinh, một người có uy tín trong bản được bầu làm trưởng bản. Dân tộc Chứt được hình thành và sống ổn định cho đến nay. Tiếp nối sự nghiệp làm Trưởng bản người Chứt còn có ông Hồ Mại, Hồ Kính nhưng nữ Trưởng bản đầu tiên ở Rào Tre là bà Hồ Thị Nam.

Sinh năm 1965, bà Nam không nhớ nổi bố mẹ mình là ai, tên gì và mất khi nào. Nhưng điều khiến chúng tôi hết sức bất ngờ là khi hỏi bà được kết nạp vào Đảng năm nào, bà Hồ Thị Nam trả lời ngay là năm 2004. Vào Đảng cùng thời kỳ với bà Nam còn có ông Hồ Kính, đây là hai đảng viên đầu tiên ở bản Rào Tre.

Sau khi trở thành đảng viên chính thức, bà Hồ Thị Nam được bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ bản Rào Tre, ông Hồ Kính làm Trưởng bản. Ông Kính nghỉ, năm 2009 Tổ công tác bản Rào Tre, Ðồn Biên phòng 575 đã đề xuất với xã Hương Liên và cùng bà con dân bản bầu bà Hồ Thị Nam làm Trưởng bản.

Làm Chi hội trưởng phụ nữ, làm Trưởng bản, bà Hồ Thị Nam đã góp phần cùng bộ đội biên phòng cắm bản, chính quyền địa phương dựng xây bản Rào Tre ngày một tiến bộ.

Bà Hồ Thị Nam.

Xóa dần những hủ tục

11 năm làm công tác đoàn thể và Trưởng bản, điều bà Hồ Thị Nam cảm thấy tự hào nhất đó là giúp đồng bào mình từ bỏ những hủ tục lạc hậu, quên đi những ý niệm ma mị.

Bên bếp lửa bập bùng, bà Nam kể lại những quan niệm của phụ nữ bản Rào Tre và quá trình vận động thay đổi. Theo bà Nam, để nói cho dân bản hiểu những điều này, rất khó. Với người Chứt phải có người thực việc thực, họ phải thấy được lợi ích rõ mồn một mới làm theo và bà Hồ Thị Nam trở thành cầu nối để truyền tải những thông điệp của sự tiến bộ cho người Chứt.

Trước đây, sinh, lão, bệnh, tử đối với người Chứt đều phụ thuộc vào tự nhiên. Phụ nữ đến ngày sinh đẻ, người mẹ phải vào trong rừng sâu “tự xử”. Sinh xong, trong vòng một tháng nếu còn sống sót sẽ được trở về tiếp tục mưu sinh, nếu bị “ma núi” bắt thì coi như đó là do trời định. Trong làng có thầy cúng kiêm thầy mo Hồ Púc, mỗi khi dân bản mắc bệnh đều được thầy Hồ Púc chữa bằng niệm phép đuổi con ma trong người ra. Chết đi, dân bản bỏ xác lên bè để trôi sông.

Nay, quan niệm và cách sống này dần được đẩy lùi nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, BĐBP cắm bản. Nhưng để đả thông tư tưởng cho người Chứt thì Trưởng bản phải là người đầu tiên nghe và thực hiện theo, sau đó bằng cách mưa dầm thấm lâu, dân bản thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm.

Tháng 9-2015, bà Hồ Thị Nam nghỉ “nghề” Trưởng bản, nhưng với dân bản Rào Tre, bà vẫn là ngọn đuốc sáng mãi với dân. Nói về bà Hồ Thị Nam, Trung tá Nguyễn Quốc Phú- Tổ trưởng tổ công tác bản Rào Tre cho biết: “Bà Nam là một trong những già làng, trưởng bản có uy tín ở đây, được người dân hết mực tin yêu. Bà được bầu làm đại biểu HĐND huyện và xã 2 nhiệm kỳ. Đóng góp của bà với dân bản là rất lớn, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của nhiều thế hệ người Chứt. Sau này kể cả không giữ trọng trách gì trong bản nhưng mỗi khi triển khai nhiệm vụ mới cho dân bản gia đình bà Nam cũng đi tiên phong”.

Con gái nối nghiệp

Bà Hồ Thị Nam cùng chồng là ông Hồ Xuân Đỏng, sinh được 4 người con, con gái thứ ba Hồ Thị Duyên hiện là Chi hội trưởng phụ nữ. Duyên là đảng viên 9X đầu tiên ở bản Rào Tre, nhà có hai mẹ con là đảng viên cũng là chuyện hiếm ở chốn thâm sơn cùng cốc này.

Lúc còn đi học ở Trường Dân tộc nội trú huyện Hương Khê, Duyên là thành viên của đội cờ đỏ và liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Những ngày hè về bản, Duyên tham gia hoạt động hè dạy chữ, dạy hát cho các em nhỏ. Học hết lớp 9, chính sách hỗ trợ của địa phương cắt giảm, gia đình không có điều kiện chu cấp nên Duyên buộc phải nghỉ học giữa chừng.

Về nhà, Duyên vừa phụ cha mẹ sản xuất, lên rừng kiếm măng, kiếm đót bán… vừa tham gia các hoạt động đoàn, hội tại bản. Từ đó, Duyên bị cuốn hút, đam mê tham gia công tác Đoàn, Hội.

Hiểu được vai trò, trách nhiệm của thanh niên, Duyên luôn nhiệt tình, xung phong đi đầu trong mọi hoạt động. Với những nỗ lực của mình, năm 2011, Hồ Thị Duyên được bầu làm Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp thanh niên bản Rào Tre. Năm 2014 Duyên vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau đó Duyên lấy chồng người dân tộc Kinh và năm 2015 nối nghiệp mẹ làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Rào Tre.

Tại Rào Tre đến nay đã có 6 đảng viên chính thức và đang sinh hoạt ghép với chi bộ 1 xã Hương Liên. “Sắp tới có thêm một đảng viên mới nữa là Hồ Thị Kiên, xã sẽ xin ý kiến của Huyện ủy để tách Rào Tre thành một chi bộ riêng. Việc phát triển Đảng ở đây đang có nhiều thuận lợi vì thế hệ đoàn viên kế cận có nhiều người xuất sắc”- anh Nguyễn Văn Ngọc, cán bộ xã cắm bản cho biết.

Rời bản Rào Tre khi ánh Mặt Trời dần khuất sau dãy Giang Màn, hình ảnh những ngôi nhà ngói mới xây sáng loáng đã xua đi cảnh ảm đạm, nghèo túng của bản Rào Tre ngày nào. Câu nói chắc nịch của bà Hồ Thị Nam “dân bản coi bộ đội như cha, như mẹ mình” khiến chúng tôi ai nấy đều ấm lòng và tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với miền sơn cước Hương Khê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngọn đuốc sáng dưới chân núi Kà Đay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO