Ngư dân Quảng Nam trong ‘mùa dịch’

Tấn Thành 20/08/2021 13:00

Dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho người dân. Nhưng những ngư dân Quảng Nam vẫn vươn khơi bám biển, ổn định thu nhập và cung cấp nguồn hải sản cho người dân.

Chi phí tăng cao mỗi chuyến ra khơi

Năm 2021, Quảng Nam phấn đấu khai thác hải sản các loại đạt khoảng 92.000 tấn, để kinh tế biển thật sự là kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng dịch Covid-19 đã khiến ngư dân lao đao.

Trước hết, đó là hải sản rớt giá. Hiện tại cá ngừ chỉ bán được 20.000 đồng/kg, cá nục 25.000 đồng/kg, giảm xuống so với trước từ 20 đến 30.000 đồng/kg. Các loại hải sản khác cũng chung số phận. Trong khi đó hoạt động mua bán, giao dịch cũng yếu hẳn đi. Cảng cá Tam Quang, Cảng cá Tam Giang, Kỳ Hà bây giờ đã không còn náo nhiệt.

Những ngày này, Quảng Nam vẫn đang ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19. Nhiều tuyến phố, khu dân cư vắng vẻ do người dân chủ yếu ở nhà chống dịch. Tại các cảng cá, dù giao dịch cũng trầm lắng nhưng hàng trăm con tàu cùng những người ngư dân vẫn phải ra khơi.

Gặp chúng tôi tại cảng cá Tam Quang, ngư dân Huỳnh Ngọc Phú (36 tuổi), trú xã Tam Quang, chủ tàu cá QNa 91944 TS, cho biết: Ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch. “4 tấn cá ngừ, cá nục tôi chỉ bán được khoảng 80 triệu đồng, khi chưa có dịch Covid-19 giá phải trên 150 triệu đồng. Nhưng phải bám biển để mưu sinh vì đó là cuộc sống”. Tâm sự của anh Phú cũng là tâm sự chung của nhiều chủ tàu tá.

Nhiều ngư dân cho biết, giá hải sản dù đã rớt sâu nhưng cũng không phải dễ bán vì lúc này kinh tế khó khăn nên tư thương cũng chẳng mặn mòi. Trong khi đó nhu yếu phẩm tăng cao, khiến mỗi chuyến vươn khơi phải chi phí tăng thêm trên 50 triệu đồng. Ông Phan Trinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, cho biết nhiều tháng qua từ khâu đánh bắt đến tiêu thụ sản phẩm có quá nhiều khó khăn cho ngư dân.

Kiên trì bám biển

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân đã ý thức rất tốt trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Tại Cảng cá Tam Quang, tất cả ngư dân trên tàu khi vào cập cảng và lao động trên bờ đều thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. Nếu không đeo khẩu trang thì dứt khoát không một ai được vào cảng. Tất cả tàu cá khi vào cập cảng đều được tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm và rời cảng.

Còn những tàu cá chuẩn bị xuất bến vươn khơi đều được trang bị đầy đủ thuốc sát khuẩn, khẩu trang, được tiếp tế vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm thiết yếu trước khi xuất bến. Nghiệp đoàn nghề cá và các cơ quan chức năng kiểm tra tàu thuyền rồi mới xuất bến. Các cảng cá cũng hạn chế tụ tập đông người.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành chia sẻ, là một trong những địa phương có đội tàu khai thác hải sản hùng mạnh nhất tỉnh Quảng Nam, hiện nay ngư dân vẫn vững vàng ra khơi. Chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của địa phương vẫn liên tục và hiệu quả. Trong 7 tháng của năm, tổng sản lượng khai thác đạt trên 6.600 tấn, tổng giá trị đạt trên 200 tỷ đồng.

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù lao Chàm, Thượng tá Trần Văn Ba cũng cho biết, đơn vị đã xây dựng và không ngừng phát triển các tổ đoàn kết trên biển để bà con ngư dân hỗ trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro trên biển, yên tâm bám biển. “Hàng ngày, Đồn biên phòng Cù lao Chàm liên lạc đều đặn với tất cả các phương tiện tàu thuyền của ngư dân trên biển để nắm bắt tình hình và có hướng xử lý kịp thời” - Thượng tá Ba nói.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Quảng Nam duy trì mức sản lượng mỗi năm từ 92-95 nghìn tấn hải sản các loại. Để thực hiện được điều đó, Quảng Nam đang thực hiện chiến lược tái cơ cấu nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, đưa nghề khai thác hải sản trở thành mũi nhọn.

Quảng Nam đang giảm mạnh số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ, tăng số lượng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng vươn khơi bám biển dài ngày. Đi liền với đó là phát triển nhanh các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội đoàn kết để giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình làm ăn dài ngày trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng liên kết khai thác, bảo quản, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác là sự lựa chọn tất yếu của ngư dân Quảng Nam để chuỗi sản xuất kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương” - ông Tích cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân Quảng Nam trong ‘mùa dịch’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO