Người cha của 71 đứa trẻ

Phạm Hưởng 01/03/2017 09:10

Nhà thầy Nhật nằm sâu trong xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, Gia Lai luôn rộn ràng tiếng trẻ nô đùa, ê a học bài. Mỗi em một công việc, em lớn giảng bài cho em nhỏ, em lau nhà, em phơi quần áo. Tốp khác thì tíu tít chuẩn bị bữa cơm...71 số phận lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương của người thầy, người cha Đinh Minh Nhật.

Điều kiện học tập, sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng
các em vẫn cố gắng vươn lên trong học tập.

"Mái ấm tình thương” của thầy Nhật hình thành từ căn duyên cách đây đã tròn 9 năm từ cuộc giải cứu sinh linh Đinh Hồng Phúc. Đó là vào năm 2008, một đứa bé người Jrai đỏ hỏn sinh ra được 2 ngày thì mẹ mất. Đứa bé ấy không cha, không tên. Buôn làng mời thầy cúng chuẩn bị các thủ tục chôn đứa bé theo mẹ, bỗng dưng xuất hiện người đàn ông lạ tên Đinh Minh Nhật nhã ý muốn xin con.

Dân làng đồng thanh quát: “Phải để nó chết theo mẹ”, người Jrai bao đời nay có ai chống lại ý Yàng, chống lại Yàng là muốn chết đó! Biết không thể làm trái ý Yàng thầy Nhật chạy lên UBND xã Ia Hlốp cầu cứu chính quyền.

Ôm đứa bé trên tay, thầy Nhật phải qua lại khắp các làng để xin từng giọt sữa. Và cũng mất nhiều tháng sau, thầy mới trả hết nợ do mua “vật lễ” cứu bé gái ấy. Đứa bé thoát chết một cách kỳ diệu, được thầy Nhật đặt tên theo họ của mình là Đinh Hồng Phúc.

Đó không phải là lần duy nhất thầy Nhật “cướp” con của Yàng. Một hôm trên đường đi vào làng, ông chợt phát hiện tiếng khóc con trẻ. Một đứa bé bị bố mẹ vứt bỏ bên đống rác vệ đường, không hậu môn, kiến ruồi bu đầy mình - đó là Đinh Thái Bảo.

Nghe tiếng khóc như xé lòng, thầy Nhật tức tốc ôm đứa bé đưa xuống TP Hồ Chí Minh phẫu thuật, tạo “hậu môn” giả bên hông. Nỗi đau không dừng lại ở đó khi ông biết cháu mắc bệnh down. Những ngày chăm Bảo ở bệnh viện, thầy Nhật kiệt quệ, thở dốc vì căn bệnh thận hành hạ.

Như số phận tiền định, từ đó về sau hễ nghe tin các em nhỏ có bố mẹ qua đời, lang thang cơ nhỡ, thầy Nhật đều góp nhặt đưa về chăm sóc, nuôi nấng. Nhiều người đi nương, đi rẫy, đi công tác...hễ thấy trẻ bị bỏ rơi cũng “lượm” đưa về cho thầy Nhật. Năm này qua năm khác, bây giờ lên đến 71 em (67 em đồng bào dân tộc thiểu số Jarai; 4 em người Kinh). Em nhỏ nhất 9 tháng, lớn nhất 16 tuổi. Trong đó, 16 em học cấp 1, cấp 2 là 33 em và 7 em cấp 3.

Nuôi vài người con đã khó, thầy Nhật vật lộn nuôi 71 đứa con thì khó khăn chồng chất, kể không xiết. Nhiều người dân địa phương cảm phục, bảo rằng: chỉ người có tấm lòng cao cả mới làm được như vậy. Ở xóm, ở xã, nhiều người cũng hăng hái kêu gọi các nhà hảo tâm, các cá nhân, tổ chức đến giúp đỡ áo quần cũ, gạo, mắm muối cho các em. Xác nhận các thủ tục đề nghị các trường miễn học phí.

Con đường đưa thầy Nhật đến với các em đầy chông gai, sóng gió nhưng chứa đựng một tình yêu vô bờ bến, không điều kiện. Tấm lòng của thầy khiến nhiều em cảm động. Em Siu H’Pem (SN 2002), mất cả bố lẫn mẹ, lang thang, rách rưới ngoài đường, tình cờ được thầy Nhật phát hiện, đưa về chăm sóc. Em xúc động: “Thầy Nhật là người tốt bụng, chăm lo tụi em rất chu đáo, dạy học bài, nấu ăn, dạy cách ứng xử và yêu thương. Ước mơ của em là sau này làm bác sĩ, để chữa bệnh cho các em ở đây”, H’Pem tâm sự. Rồi Siu H’Si, K’pă Nhíp, Rơ Lan Dớt... tất cả đều quấn quýt và coi thầy Nhật là “bố”, là “thầy” khi nuôi các em lớn lên từ thuở lọt lòng.

Vừa tâm sự câu chuyện, tôi vừa quan sát các em chuẩn bị bữa trưa cho nhau. Rất nhanh, thức ăn dọn lên là đĩa thịt mỡ, mắm, cà và tô canh lõng bõng toàn nước. Em lớn đút cho em nhỏ, quây quần vừa ăn vừa cười. Sau bữa ăn, em lớn 11-12 tuổi rửa bát, em nhỏ 7-8 tuổi phụ giúp cất chén bát. Tôi buột miệng: “Các em trật tự và ngăn nắp quá”. Thầy Nhật tươi cười: “Các em đoàn kết, đùm bọc và chưa bao giờ đánh nhau”.

Căn nhà cơi nới một góc thành căn phòng học nhỏ, ở giữa kê các bộ bàn ghế, bên trên có một tấm bảng xanh, xung quanh là các bàn học mini xếp gọn sách vở, cặp xách. Thầy Nhật tự hào: “Các em tự kèm nhau học bài, 36 em đạt học lực tiên tiến và giỏi là 4 em trong tổng số trên dưới 50 em đi học. Nếu các em có điều kiện, được thầy cô kèm cặp tại nhà, thì số lượng các em học giỏi còn tăng lên nữa”.

Tận sâu trong ánh mắt thầy Nhật vẫn có nhiều nỗi niềm khi nói về tương lai các em. Rồi đây, các em tốt nghiệp cấp 3, sẽ không tìm đâu ra kinh phí nuôi các em vào đại học. “Mong rằng có các tổ chức giúp đào tạo, học nghề để các em có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân. Sau này, nếu có lập gia đình thì cũng nuôi được mái ấm của mình”, thầy Nhật mong mỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cha của 71 đứa trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO