Người Công giáo tốt chính là công dân tốt

N. Phượng-V. Mạnh (thực hiện) 13/01/2020 05:00

Người Công giáo phải chấp hành luật pháp như mọi công dân, thậm chí còn phải gương mẫu hơn nữa vì còn là người Công giáo. Nhân đôi trách nhiệm tức là vừa trách nhiệm của một người Ki tô giáo, vừa trách nhiệm của một công dân. Đó là khẳng định của TS Phạm Huy Thông- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) thành phố Hà Nội với PV báo Đại Đoàn Kết.

Người Công giáo tốt chính là công dân tốt

Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội trao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.

PV: Ông có thể khái quát những đóng góp của đồng bào Công giáo trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hiện nay?.

Ông Phạm Huy Thông: Trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Ủy ban ĐKCG Việt Nam và sự giúp đỡ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội đã tổ chức được nhiều hoạt động tích cực. Một trong những chương trình ấy là phát động phong trào thi đua xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” sống tốt đời đẹp đạo. Với sự tham gia tích cực của đồng bào Công giáo những phong trào đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của các xứ, họ đạo. Tiêu biểu như phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều xứ họ đạo ở các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thanh Trì đồng bào Công giáo đã ủng hộ hàng chục ngàn m2 đất để làm đường giao thông. Có những họ giáo đã ủng hộ đến 1.700 m2 để mở đường mà không lấy một đồng bồi thường. Và đặc biệt không thiếu những gia đình hiến tặng 200 -300 m2 để cùng góp sức xây dựng nông thôn mới.

Đồng bào Công giáo cũng tích cực đi đầu trong việc phát triển kinh tế qua việc khôi phục những làng nghề truyền thống như nghề nấu xôi ở Phú Thượng, làng trồng đào ở Phú Thụy, trồng hoa cây cảnh ở Bắc Từ Liêm, làng nghề gốm sứ ở Bát Tràng…từ đó góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nếu như cách đây khoảng 5 năm, thu nhập cao nhất của hộ Công giáo chỉ khoảng 500 triệu/năm thì đến những năm 2018 nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/năm. Từ chỗ thu nhập cao, đời sống của đồng bào Công giáo ngày càng phát triển, có điều kiện để đóng góp xây dựng nhà thờ, xây dựng những công trình của địa phương như nhà văn hóa, trường học, bệnh viện…

Đồng bào Công giáo nhiều nơi đã làm rất tốt việc xây dựng nông thôn mới, trong đó có những gia đình đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất.

Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay thì việc tuyên truyền, vận động có khó khăn không, thưa ông?

- Việc vận động xây dựng NTM theo tinh thần mà chúng tôi vận động xuống địa phương lúc đầu gặp khó nhưng sau đó bà con nhận thấy việc này phục vụ lợi ích chung, đường đi lối lại mở rộng. Chúng tôi thường tổ chức những buổi họp rồi lồng ghép trong các buổi truyền đạo. Thậm chí chúng tôi xuống tận địa phương, làm công tác tại các Linh mục xứ và có các buổi họp giáo dân để tuyên truyền và nói đến việc mở rộng đường xá sẽ góp phần đi lại. Việc này không chỉ liên quan đến vấn đề văn hóa mà còn liên quan đến kinh tế. Vì giao thông thuận lợi, hàng hóa được lưu thông, được mua bán, trao đổi sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Người dân thấy ích lợi thì tự giác bảo nhau làm.

Trong đường hướng phát triển Ủy ban ĐKCG có phương châm hoạt động“Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”, vậy trong hành đạo cũng như trong giáo lý, tín đồ phải thực hành như thế nào, thưa ông?

- Nếu là người Công giáo tốt thì đương nhiên họ sẽ là công dân tốt. Người Công giáo phải chấp hành luật pháp như mọi công dân, thậm chí còn phải gương mẫu hơn nữa vì còn là người Công giáo. Nhiều người đang có suy nghĩ tách bạch bổn phận Công giáo với bổn phận công dân nhưng Giáo hoàng Phan-Xi-Cô có nhắc lại việc kết hợp hai nhiệm vụ này thành một, tức là người Công giáo phải nhân đôi trách nhiệm của mình tức là vừa trách nhiệm của một Ki tô giáo, vừa trách nhiệm của một công dân. Chắc chắn với tinh thần này nếu người Công giáo thực hiện đúng thì người Công giáo sẽ phải làm tốt hơn nữa mọi nghĩa vụ công dân của mình.

Từ thành công của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội đã đưa ra đường hướng thực hiện như thế nào để làm tốt hơn việc này, thưa ông?

- Ủy ban ĐKCG với tư cách là thành viên của MTTQ nên Ủy ban ĐKCG thành phố sẽ hưởng ứng các phong trào, các CVĐ của Mặt trận. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ vận động các đối tượng của mình là người Công giáo để tham gia vào các phong trào đó một cách tốt hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn và chủ động hơn.

Giáng sinh năm vừa rồi, chúng tôi có khoảng 200 phần quà dành tặng cho người nghèo và Ủy ban ĐKCG thành phố cũng đi theo các Linh mục, Ban Hành giáo và Mặt trận để động viên mọi người có một mùa Giáng sinh vui vẻ, tiết kiệm theo tinh thần của giáo hội là nhân đôi niềm vui.
Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Công giáo tốt chính là công dân tốt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO