Người dân không nên dự trữ xuyên tâm liên

Việt Hà 27/07/2021 07:27

Sáng ngày 26/7, ra chợ thuốc Ngọc Khánh (148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), tôi  vào các hàng thuốc hỏi mua xuyên tâm liên thì đều nhận được những cái lắc đầu. “Hàng hết sạch rồi em, giờ có tiền cũng chả mua được”, chị Thu Hà, chủ một hiệu thuốc cho biết.

Vị thuốc xuyên tâm liên (ảnh minh họa).

Lên giá và hết hàng

Tìm sang chợ thuốc Hapulico (85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng không khác gì, cửa hàng nào cũng trong tình trạng “cháy” xuyên tâm liên.

Nghe một người bạn nói, chợ Ngọc Khánh bắt đầu có xuyên tâm liên, tôi liền ra khảo sát. Thế nhưng, đưa cho tôi một lọ xuyên tâm liên chị chủ hàng bảo, đây là thực phẩm chức năng không phải thuốc.

“Vậy thực phẩm chức năng xuyên tâm liên khác gì thuốc?”, tôi hỏi. “Thực phẩm chức năng dùng để bồi bổ, còn thuốc có tác dụng trong điều trị bệnh”, chị chủ hàng nói đồng thời nhắc tôi: “Em có lấy không, chần chừ một lát là hết đấy, từ sáng người ta mua nhiều lắm rồi, ra bao nhiêu hết bấy nhiêu”.

Khi liên hệ một cửa hàng với một người quen để tìm mua thuốc, tôi nhận được câu trả lời, có hàng nhưng giá không như bình thường đâu nhé, giờ là 80.000đồng/lọ 30 viên (giá cũ khoảng 40-50.000ngàn đồng). Mặc dù các hàng thuốc khan hiếm, nhưng trên một số trang điện tử, xuyên tâm liên các loại, từ hộp đến lá sấy khô quảng cáo khá nhiều và tùy loại mà mỗi hộp có giá khác nhau, từ 1 trăm ngàn đến vài trăm ngàn...

Theo ông Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, chính việc người dân ồ ạt tìm mua xuyên tâm liên đã đẩy giá và gây khan hàng trên thị trường. Điều này hoàn toàn không nên. Chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc.

Khi một người đã bị nhiễm Covid-19 sẽ được đưa vào điều trị tại BV hoặc nếu có điều trị tại nhà với những trường hợp nhẹ, không có triệu chứng như tại TP HCM thì cũng được cán bộ y tế theo dõi và khuyến cáo dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Theo Y học cổ truyền, xuyên tâm liên dùng để chữa rất hiệu quả các bệnh thuộc hệ thống hô hấp như cảm sốt, cúm, ho, viêm họng, sưng amidan, viêm phế quản - phổi. Nhờ đặc tính kháng vi khuẩn, virus phổ rộng, xuyên tâm liên cũng có hiệu quả tốt trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở các cơ quan khác, như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, viêm nhiễm đường ruột. Ngoài ra, vị thuốc này còn được sử dụng trong điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, sốt rét…

Không sẵn xuyên tâm liên như nhiều người tưởng

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu và thuốc thành phẩm đều khan hiếm, hai vùng nguyên liệu nuôi trồng, thu hái cây xuyên tâm liên nhiều nhất là Thanh Hóa và Nghệ An. Hiện trên website của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), chỉ có một vài đơn vị sản xuất sản phẩm từ xuyên tâm liên. Hiện đang có thêm 2-3 doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ xin sản xuất xuyên tâm liên dạng viên.

Được biết, trong đợt dịch vừa qua tại Bắc Giang, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã đưa bài thuốc Ngọc bình phong tán (trong đó có xuyên tâm liên) để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại BV dã chiến số 2, cho kết quả tương đối tốt. Vì vậy Cục đề xuất tiếp tục sử dụng bài thuốc này cho các tỉnh phía Nam để tiếp tục đánh giá. Theo dự kiến, cuối tháng 7,1 triệu viên xuyên tâm liên sẽ được chuyển vào TP HCM hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thu hồi công văn

Liên quan đến văn bản có danh mục 12 thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, ngày 26/7, Bộ Y tế đã ra văn bản thu hồi công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Trong công văn thu hồi do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ghi rõ, do một số nội dung trong công văn 59/BYT-YDCT chưa phù hợp nên Bộ quyết định thu hồi công văn này. Trước đó, ngày 24/7, Bộ Y tế có công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố; BV y học cổ truyền bộ, ngành; BV y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Theo đó, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm công văn này, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong đó có xuyên tâm liên và 11 loại khác. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ thắc mắc, tại sao sản phẩm thuốc hoạt huyết (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay...) lại được đưa vào danh mục 12 thuốc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân không nên dự trữ xuyên tâm liên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO