Người dân vẫn lúng túng khi qua chốt

Quang Thành 16/08/2021 06:35

Bộ Công an đã chính thức triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Việc khai báo này tương tự như hệ thống ứng dụng của Bộ Y tế, nhưng được bổ sung thông tin thường trú, lưu trú, tạm trú. Sau khi nhập đủ thông tin, hệ thống cung cấp cho người dân mã QR để cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin.

Tại khu vực kiểm tra của các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào Hà Nội, tài xế trình mã QR được cấp để lực lượng chức năng vào phần mềm quét, kiểm tra thông tin. Nếu các thông tin khai báo khớp với thông tin cá nhân, giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR thì sẽ được qua chốt. Việc áp dụng hình thức này rất tiện lợi và rút ngắn được thời gian cho các tài xế.

Đồng thời, với việc triển khai hệ thống trên, công dân có thể khai báo y tế trước khi đi qua các điểm chốt, không phải dừng lại để khai báo y tế trên giấy tại các điểm chốt một cách thủ công, giảm ùn tắc tại các điểm chốt/trạm kiểm soát dịch, tránh gây mất thời gian, hạn chế hình thành đám đông và tiếp xúc với nhiều người. Bên cạnh đó, công việc của lực lượng tại chốt sẽ được giảm tải và an toàn hơn vì không phải tiếp xúc nhiều người qua lại.

Tuy thế, mặc dù việc triển khai quản lý công dân vùng dịch có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có nhiều tài xế chưa nắm được nên còn khá bất ngờ khi thực hiện. Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, anh Nguyễn Xuân Tr. (30 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, để phục vụ việc đi lại, mua bán, vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, tôi có cài đặt rất nhiều ứng dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như: Bluezone; Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; luongxanh.drvn.gov.vn; nCov, Sức khỏe Việt Nam... Nhưng quá nhiều ứng dụng khiến tôi cảm thấy thông tin nhiễu loạn khi khó phân biệt đâu là ứng dụng chính thống đâu là ứng dụng không chính thống, các ứng dụng được áp dụng như thế nào, khai báo trong hoàn cảnh nào”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn T. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Thực tế càng ít ứng dụng khai báo y tế càng tốt, như thế, khi lưu thông, tài xế chúng tôi cũng dễ nhận diện, đỡ hoang mang, lúng túng tại các chốt kiểm soát. Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên thống nhất quản lý trên một phần mềm khai báo y tế chung. Như thế sẽ tiết kiệm được thời gian, mà cũng không xảy ra việc lái xe khai báo trên ứng dụng không phù hợp với yêu cầu”.

Nói về ứng dụng này, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho rằng, hệ thống khai báo y tế nói trên của Bộ Công an khá tiềm năng vì có nền tảng “Cơ sở dữ liệu về dân cư”. Tuy nhiên, hiện tại vẫn đang chờ đấu nối với hệ thống chung quốc gia.

Như vậy, trong trường hợp liên thông thành công với các ứng dụng khai báo y tế của các bộ khác, cơ quan chức năng dễ thống nhất quản lý, tiết kiệm được thời gian và đảm bảo an toàn cho cả người dân và các ngành chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân vẫn lúng túng khi qua chốt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO