Người đánh thức điệu múa cổ

Vũ Phúc 28/06/2017 08:35

Hàng chục năm qua, có một ông già lặng lẽ tìm mọi cách phục dựng, truyền bá điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng”. Ông là nghệ nhân Triệu Đình Hồng, 71 tuổi, ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng.

“Con đĩ đánh bồng” là một điệu múa cổ của vùng đất Thăng Long có từ khoảng thế kỉ thứ VIII. Tương truyền, sau khi đánh thắng quân xâm lược, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chọn đình làng Triều Khúc để làm nơi mở hội khao quân. Những lính tráng tài hoa giả gái nhảy múa để khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ. Về sau, cứ theo nếp người xưa để lại, điệu múa được truyền bá rộng rãi trong cả làng và được biểu diễn thường niên tại hội làng Triều Khúc, từ ngày 9 đến 12/1 (Âm lịch) hằng năm.

Ông Hồng giải thích, sở dĩ có tên gọi là “Con đĩ đánh bồng” bởi những người tham gia trong đội múa hầu hết đều là trai đóng giả gái. Trên đầu chít khăn mỏ quạ đen, đánh má phấn môi son, đôi tay lả lướt, khuôn mặt lẳng lơ, vừa di chuyển vừa múa lả lướt, trêu ghẹo nhau ở trên đường. Có người mới đầu nghe đến tên gọi này thì cho rằng nó có vẻ “tục tĩu” quá nên thay một tên khác được không? Nhưng ông Hồng thì bảo bao nhiêu người yêu điệu múa cổ này cũng cố gắng tìm lấy một cái tên để thay vào đó cho phù hợp mà không tài nào thay được. Đặc biệt, chính vì cái tên vừa lạ vừa hiếm ấy mà nó nổi tiếng khắp cả nước, trở thành biểu tượng văn hóa sống động mà chỉ riêng làng Triều Khúc mới có.

Ông Hồng sinh ra và lớn lên ở Triều Khúc, ông say đắm điệu múa “con đĩ đánh bồng” và từ năm 8 tuổi ông đã góp mặt trong đội múa ấy. Thế nhưng cũng phải đến năm 27 tuổi, ông mới vinh dự lần đầu tiên được trang điểm giả gái và hòa theo tiếng nhạc rộn ràng của ngày hội lớn. Cho đến tận bây giờ ông vẫn chưa bao giờ có ý định rời xa điệu múa này, dù chỉ một ngày và luôn là một trong những vũ công ưu tú, múa dẻo, múa đẹp nhất.

Kể từ năm 2015 khi nhận làm Chủ nhiệm CLB điệu múa bồng, ông Hồng bận bịu tối ngày. Bà Dư, vợ ông Hồng bảo: “Trên đời này tôi chưa thấy ai lại mê văn hoá như ông Hồng nhà tôi. Có khi ông ấy còn mê cái điệu múa cổ ấy hơn mê tôi ấy chứ. Ngày hội, ông ấy đi đến tối mịt mới về nhà vì bận chỉ dạy cho các thanh niên múa bồng có thần thái nhất, chuẩn bị áo quần, son phấn cho đám trai làng”.

Thành viên trẻ nhất của đội múa là học sinh lớp 7, nhiều tuổi nhất cũng khoảng ngoài 40. Người lớn tuổi dần dần lui về nghỉ ngơi, ông Hồng lại sốt sắng tìm người kế cận. Ông Nguyễn Huy Thái - nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Triều chia sẻ: “Ngay từ thời thanh niên tôi đã biết đến điệu hát múa này nhưng chưa có dịp được tham gia. Có một thời kì, điệu múa những tưởng thất truyền mãi mãi. May sao, số phận lại run rủi thế nào cho nó đến đúng tay người có nghề, để nó sống dậy một cách tự nhiên.

Trong làng vẫn thường hay dùng câu thơ vần ca ngợi ông Hồng: “Thân giai làm đĩ đánh bồng/Làng Này còn mỗi “đĩ” Hồng ấy thôi. Ông Hồng vẫn tâm niệm sẽ luôn nỗ lực gìn giữ múa bồng, để điệu múa này sẽ luôn được trao truyền cho các thế hệ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đánh thức điệu múa cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO