Người đứng sau ‘tuyệt phẩm’ đồi Mâm xôi

NGÔ HÙNG 18/09/2022 07:16

Mùa này, du khách nhiều nơi tìm đến Mù Cang Chải (Yên Bái) để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồi Mâm xôi mùa lúa chín. Tuy vậy, ít người biết đến vợ chồng bà Lù Thị Lỳ và ông Hờ Vàng Dũng đã nhiều năm cần mẫn, tỉ mẩn bạt cây, đào đắp, tạo ra đồi Mâm xôi - một tuyệt phẩm đẹp mê hoặc du khách đến Mù Cang Chải.

Đồi Mâm xôi mùa lúa chín.

Sáng sớm, núi đồi thôn Tà Chí Lừ nhuốm sương tĩnh mịch, bản nhỏ còn đang yên giấc, vợ chồng bà Lù Thị Lỳ đã vác cuốc, cõng thuổng, vén từng vạt cây dại lên núi. Lâu nay nhiều người trong bản vẫn khen họ là cặp vợ chồng chăm chỉ nhất xã La Pán Tẩn.

Hai bên gia đình đều nghèo nên hồi mới cưới nhau, bà Lỳ không có của hồi môn, ruộng nương ít ỏi, cái đói chẳng đợi mùa giáp hạt. Như bao gia đình khác ở cái vùng sỏi đá cằn Mù Cang Chải, vợ chồng Lỳ hằng ngày băng rừng phát lau dại, quyết tìm đất trồng cái ngô, cái lúa.

Nhưng chỗ đất bằng phẳng, đồi thấp hơn lại thuận con nước chảy từ trên núi xuống, đã được người dân khắp vùng khai hoang hết. Nhìn đi, nhìn lại, chỉ còn cái đồi cao ở thôn Tà Chí Lừ là chưa ai đụng cuốc nên vợ chồng Lỳ quyết dốc sức vỡ vạc. Sáng mặt giời chưa mọc, tối lúc nhọ mặt người, dân bản mới thấy vợ chồng Lỳ về nhà.

“Giàng ơi, để có đồi Mâm xôi này, vợ chồng tôi tốn công, tốn sức lắm. Mất cả mùa mưa đấy. Mỗi ngày cuốc đất, cạy đá chỉ sải được vài cán cuốc thôi. Nhưng cái đói nó đày, không làm thì lấy đâu gạo để ăn”, bà Lỳ kể lại.

Ngày ấy có được khoảnh đất rồi, nhưng dẫn nước về ruộng cũng rất vất vả, khi nguồn trên núi cách xa 5km. Lại còn phải đặt máng dẫn qua rất nhiều ruộng của những gia đình khác đã khai hoang trước đó. Như con ong cần cù, phát lau, làm máng, vừa trồng vừa vỡ hoang thêm, vợ chồng Lỳ đã có được đồi Mâm xôi lúa tốt. Cả bản ai đi qua cũng ngắm mãi.

Mùa lúa trổ vàng trải từng thang bậc, đồi Mâm xôi hiện ra như viên ngọc sáng ở La Pán Tẩn, chạm độ danh thắng thế giới mê hoặc du khách. Ai lên xứ Mù Cang mà chưa “check in” bản Tà Chí Lừ mà chiêm ngưỡng Mâm xôi thì coi chưa ghé sơn cước này. Đó là một tuyệt phẩm hiếm có ở đại ngàn Tây Bắc khiến du khách say lòng ngưỡng mộ. Nhưng có lẽ ít ai biết ẩn sau vẻ đẹp Mâm Xôi là sức lao động bền bỉ, dẻo dai, chăm chỉ của người Mông nơi đây.

Vợ chồng bà Lỳ mỗi ngày thấy những chàng trai, cô gái miền xuôi đến tham quan, chụp ảnh đồi Mâm xôi, trong lòng vui lắm. Đến nay, đồi Mâm xôi không chỉ thu về từ 17-20 bao thóc/vụ, mỗi năm cũng thu được kha khá tiền từ khi hàng nghìn khách trong và ngoài nước đến tham quan, “check in” và tận hưởng vẻ đẹp mùa lúa chín.

Bà Lù Thị Lỳ thường xuyên tu sửa để giữ gìn cảnh quan đồi Mâm xôi.

Ông Hờ A Thanh, cán bộ Văn hóa xã La Pán Tẩn cho biết, để các hoạt động trải nghiệm diễn ra thuận lợi, an toàn, sau khi thống nhất với các hộ dân có ruộng, trong đó có gia đình bà Lù Thị Lỳ, xã La Pán Tẩn đứng ra thu phí, rồi phân bổ cho các hộ dân có ruộng, phần còn lại dùng để tu sửa, mở rộng tuyến đường lên đồi Mâm xôi.

Cũng theo ông Thanh, cùng với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương thì những năm qua, gia đình bà Lù Thị Lỳ đã có nhiều cố gắng để gìn giữ, bảo vệ cảnh quan đồi Mâm xôi, nhất là vào mùa du lịch, gia đình bà thường xuyên có người phối hợp với các lực lượng để hướng dẫn du khách, tu sửa kịp thời những chỗ hư hỏng quanh đồi. Nhờ đó, danh thắng đồi Mâm xôi ngày càng trở thành điểm đến thăm quan hấp dẫn với du khách gần xa.

Còn theo ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải, ở La Pán Tẩn có hơn 7.000 héc ta ruộng bậc thang và rất nhiều địa danh hấp dẫn du khách. Huyện giờ đã có nhiều giải pháp bảo vệ nguyên trạng vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt danh thắng Ruộng bậc thang. “Tu sửa, chỉnh trang cảnh quan di tích, duy trì lễ hội văn hóa cổ như: mừng cơm mới, hội Gầu tào, đánh pao, bắn nỏ... đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn với du khách”, ông Bình cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đứng sau ‘tuyệt phẩm’ đồi Mâm xôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO