Người giữ cột mốc biên cương

Ngọc Kha - Thu Hằng 11/10/2017 09:45

Ông Thao Văn Lênh, nguyên gốc xã Quang Chiểu, sau do yêu cầu công việc ông chuyển xuống sinh sống ở bản Pù Mùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Tuy đã bước qua tuổi 70 nhưng ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng. Ông vẫn đi làm nương, trèo đèo, lội suối tới thăm cột mốc biên cương, phối hợp với bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Ông Thao Văn Lênh.

Như những người cùng thời, ông lớn lên trong sự thiếu thốn, khắc nghiệt của chiến tranh. “Ngày xưa không có đường, không có phương tiện, việc đi lại rất khó khăn và vất vả. Chúng tôi đều gùi hàng trên lưng, đi bộ trèo đèo, băng rừng. Có đợt, cả xã bị đói, chúng tôi phải đi bộ 100km từ xã Pù Nhi ra huyện Quan Hóa nhận quần áo, gạo cứu trợ của Nhà nước. Mỗi lần đi ra đi vào như thế mất một tuần”, ông Lênh nhớ lại.

Trong suốt mấy chục năm qua, ông cùng người dân bản Pù Mùa tự nguyện nhận nhiệm vụ trông coi, bảo vệ mốc 305 và 306 mà không mảy may tính toán, so đo thiệt hơn cho dù đường lên mốc không hề dễ dàng. Thời trai trẻ, ông thường một mình đi thăm mốc. Cũng có lần ông đi cùng với bộ đội biên phòng. “Tôi thấy mình phải có trách nhiệm trông coi cột mốc chứ chẳng có ai ép buộc. Không chỉ riêng tôi mà đa số người dân ở đây cũng đều có ý thức trách nhiệm này” - ông tâm sự.

Mỗi lần lên thăm mốc, ông Lênh thường phải dậy từ sáng sớm, nai nịt gọn gàng, nắm cơm mang theo. Ông cứ vạch rừng mà đi, leo hết dốc này tới dốc khác. Khi đôi chân đã mỏi nhừ, mặt trời lên cao là tới mốc. Ông lại làm các công việc quen thuộc, phát dọn cây dại mọc quanh cột mốc, tự tay lau chùi mốc, kiểm tra xem mốc có bị đập phá, xâm hại gì không. Xong xuôi mọi việc, quay trở về nhà là đã hết ngày. Cả hai mốc đều ở trên núi cao, đường rất khó đi. Ông thường kết hợp đi làm nương lên kiểm tra mốc.

Thượng tá Phan Văn Thân, đồn trưởng Đồn biên phòng Pù Nhi cho hay: “Hai cột mốc này nằm trên đỉnh núi cao. Đường lên mốc toàn là đường rừng, hiểm trở, dốc nối dốc dựng đứng đến chồn chân, mỏi gối. Người khỏe mạnh đi từ đồn lên mốc phải mất hơn 4 tiếng mới lên được tới nơi, nếu trời nắng ráo thì sẽ kịp về trong ngày. Còn ngày mưa thì có khi phải ngủ lại trong rừng”. Nay tuổi cao, ông Lênh giao cho con trai mình và các cháu tiếp quản công việc này.

Những người lính đồn biên phòng Pù Nhi coi ông Lênh như người của đơn vị. Cho tới tận bây giờ, hễ có việc cần là đơn vị lại nhờ tới sự giúp đỡ của ông. Thượng tá Phan Văn Thân, cho hay: “Ông Lênh là người có công lớn đối với chúng tôi. Không chỉ tự nguyện trông coi cột mốc biên cương như vậy, với uy tín của mình, ông đã vận động nhiều người dân không di cư, ở lại bản, tham gia bảo vệ biên giới”.

Có lần người Mông ở Pù Nhi đang sinh sống yên lành thì có tin đồn nhảm thành lập vương quốc Mông tự trị. Nếu ai sang bên kia biên giới sinh sống thì không cần làm cũng có ăn, cuộc sống sung túc hơn nhiều lần ở nước mình. Tin đồn nhảm đó khiến xã Pù Nhi bỗng chốc trở nên xáo trộn, bất ổn. Không ít hộ dân ở bản Pha Đén rục rịch rủ nhau bỏ nhà cửa, nương rẫy đi sang Lào.

Khi hay tin, ông Lênh cùng với cán bộ biên phòng và chính quyền xã lên ngay đường biên, gặp gỡ, vận động bà con không nghe theo kẻ xấu quay trở về nhà. Sau nhiều giờ thuyết phục, từ những lời nói từ ruột gan của ông Lênh, hàng chục người Mông đang trong cơn mộng mị về một thiên đường bên kia biên giới, về những điều không có thực đã được thức tỉnh. Bà con người Mông ở Pha Đén bảo nhau không di cư nữa mà ở lại bản làm ăn sinh sống yên ổn cho đến bây giờ.

Là người sống qua 2 thế kỷ ở Mường Lát, từng làm phó trưởng ban Dân vận huyện, phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND xã Pù Nhi, ông Lênh tường tận hơn ai hết từng đổi thay của vùng đất này cũng như cuộc sống của cộng đồng người Mông nơi đây.

“Cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng ở Mường Lát luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà, tặng con giống, được vay vốn ưu đãi để sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống của người Mông có nhiều đổi thay, tình hình an ninh, trật tự ổn định, ông Lênh cho biết.

Giờ đây bản của ông đã được mở đường, dẫn điện. Bao nhiêu hủ tục tang ma rình rang, tốn kém và mất vệ sinh trước đây cũng đang được rũ bỏ. Thay vào đó là nếp sống mới được triển khai rộng khắp. Ông Lênh 7 lần được mời về Hà Nội thăm Lăng Bác, dự hội nghị biểu dương tại Hội trường Ba Đình. Thỉnh thoảng ông vẫn thường tự hào kể lại cho con cháu nghe về những chuyến đi đầy vinh dự đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người giữ cột mốc biên cương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO