‘Người hiền’ Bùi Hữu Giao

PHÙNG VĂN KHAI 09/06/2022 11:11

Tôi được gặp thầy giáo - nhà báo Bùi Hữu Giao - chủ nhân của một số đầu sách mà trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến "Hành trang đời người". Đọc những điều ông hệ thống lại, ông viết ra, ông nghiền ngẫm và tổng kết, sao thấy quá đỗi thân thuộc.

Thầy giáo - nhà báo Bùi Hữu Giao (trái) và tác giả bài viết.

Bùi Hữu Giao sinh năm 1934 tại làng Thư Điền, xã Thư Điền, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vùng đất cổ Thư Điền từng là vùng đất của những danh tướng, danh thần, danh nhân trải nhiều triều đại. Có nhiều người đã bôn ba khắp nơi làm những việc ích nước lợi dân và không ít trong số đó đã trở thành những thần Thành hoàng làng.

Với dòng họ Bùi, mà nay hậu duệ là Bùi Hữu Giao, phải kể đến vị mệnh quan tài đức từng có công giúp triều Đinh kiến công lập quốc buổi đầu. Đó là cụ Bùi Quý Công danh tiếng tới hôm nay tại vùng đất cổ Thư Điền. Đối với Bùi Hữu Giao, cuộc đời ông cũng thật đặc biệt. Vốn thông minh hiếu học từ nhỏ, ông học phổ thông trung học tại quê nhà Hoa Lư, Ninh Bình rồi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình Trung đoàn 151 với người Trung đoàn trưởng tài danh Trần Công Mân.

Sau này, Trần Công Mân trở thành Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân. Và thật đặc biệt, người chiến sĩ Điện Biên Bùi Hữu Giao đã trở thành phóng viên chiến trường Bùi Hữu Giao từ năm 1968 đến năm 1976 dưới sự lãnh đạo của những nhà báo Khắc Tiếp, Nghiêm Túc, Trần Công Mân, Nguyễn Đình Ước...

Cuộc đời làm báo của Bùi Hữu Giao cũng rất đặc biệt. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính chiến trường Bùi Hữu Giao được Tổng cục Chính trị cho đi học để trở thành thầy giáo đảm nhiệm những công việc cần kíp trước mắt và lâu dài trong quân đội. Ông cũng là người được phong quân hàm lớp đào tạo giáo viên đầu tiên này năm 1960 với quân hàm Thiếu úy. Tiếp đó, ông trở về Đoàn 305 thực hiện công tác giảng dạy môn Vật lý cho cán bộ chiến sĩ. Khi ấy, phát hiện thấy Bùi Hữu Giao có khả năng về công tác văn hóa văn nghệ nên cấp trên đã bổ nhiệm ông làm trợ lý văn hóa của Đoàn 305.

Thời gian ấy, những đoàn quân từ miền Bắc ngày đêm tiến vào chiến trường miền Nam khói lửa. Tháng 12 năm 1965, Bùi Hữu Giao viết đơn tình nguyện vào chiến trường, ông được giao nhiệm vụ chính trị viên Đại đội 2 Tiểu đoàn 417 Trung đoàn 284 Pháo cao xạ 37 li chiến đấu bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Bản thân ông đã tham gia trên một trăm trận đánh lớn nhỏ khắp các trọng điểm để bảo vệ tuyến đường. Chính những năm tháng chỉ huy bộ đội chiến đấu trên mâm pháo đã tôi luyện thầy giáo Bùi Hữu Giao thành chiến sĩ quả cảm Bùi Hữu Giao cũng là tạo thành tính cách rất đặc biệt - dũng khí Bùi Hữu Giao sau này. Và chính cốt cách ấy đã không ít lần gây khó khăn cho bản thân ông. Nhưng nào có hề gì đối với một người lính chiến.

Bùi Hữu Giao đến với Báo Quân đội nhân dân cũng hết sức đặc biệt. Sau những trận chiến đấu ác liệt, được cấp trên khen ngợi, chính trị viên đại đội Bùi Hữu Giao được rút ra tham dự lớp đào tạo cán bộ cấp Tiểu đoàn. Thấy rõ năng lực nói và viết của người chính trị viên quả cảm, Báo Quân đội nhân dân đã báo cáo Tổng cục xin ông cùng một số đồng chí khác về báo để thực hiện những công việc cần kíp hơn.

Chính ở nơi đây, đã thể hiện rõ một năng lực khác của Bùi Hữu Giao, đó chính là nhãn quan sâu rộng và tầm nhìn mới mẻ mà tiêu biểu nhất là chuyên mục Thế giới gần xa do ông trực tiếp thực hiện. Ở mục này, đã mở ra nhiều biên độ để không chỉ người lính ở chiến trường mà toàn thể bạn đọc và nhân dân thông qua Báo Quân đội nhân dân hiểu biết toàn diện hơn về những thông tin khoa học kỹ thuật cần thiết trên thế giới. Người lính của chúng ta không chỉ biết cầm súng chiến đấu với kẻ thù mà còn luôn biết nâng cao kiến thức của mình từ nguồn tri thức khoa học kỹ thuật bốn phương.

Cũng thật đặc biệt, cái duyên của người thầy chưa hết, nghiệp làm thầy vẫn bám chặt người chiến binh Bùi Hữu Giao. Tháng 6 năm 1976, chiến binh Bùi Hữu Giao lại trở lại cương vị người thầy. Ông nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm (nay là Trường Đại học Thủ Dầu Một) tỉnh Sông Bé. Chính ở bước ngoặt này, đã nổi lên cá tính cũng là căn nguyên quyết định toàn bộ cuộc đời Bùi Hữu Giao.

Những kiến nghị, đề xuất, phản biện, nhất là tư duy linh hoạt và đổi mới của ông đã vấp phải sự máy móc dường như không thể dung hòa. Trong tâm thế ấy, vốn dòng dõi khoa bảng, họ Bùi luôn lấy đạo học làm đầu, thầy giáo Bùi Hữu Giao đã uyển chuyển truyền tải những tri thức của mình vào sách vở. Âu cũng là lối ra nhẹ nhàng thanh thoát của một người thầy với vô vàn tâm sự.

Đến với những trang viết, thầy giáo Bùi Hữu Giao như tìm thấy chính mình. Chính nguồn tri thức vô tận đã khơi dẫn và tạo dựng niềm đam mê vô bờ bến cho ông đến tận bây giờ. Ông hiểu rằng, chỉ có tri thức mới dẫn dắt con người ra khỏi những mê lẫn trong cuộc đời một cách nhẹ nhàng, bình an nhất. Ông nhận ra rằng, một đứa trẻ, ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã rất cần sự dẫn dắt của tri thức. Chỉ có tri thức mới cho con người đôi cánh để bay lên.

Có lẽ rất hiếm ai như thầy giáo - nhà báo Bùi Hữu Giao. Chỉ riêng cuốn sách "Hành trang đời người" do ông dày công biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung, điều chỉnh, viết lại, viết mới hàng chục lần đã tạo được thương hiệu cho ông. Cuốn sách này đã tái bản lần thứ 14 tại NXB Lao động xã hội năm 2021. Cái tên Bùi Hữu Giao ngày càng thân thuộc đối với những người làm sách và nhất là với độc giả trên cả nước. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, thầy giáo - nhà báo Bùi Hữu Giao cho biết, ông vừa tiếp một công dân mới mãn hạn tù được đặc xá năm 2021. Anh này rất tâm đắc khi đọc "Hành trang đời người" trong trại giam. Khi được trả tự do, người đầu tiên anh tìm đến là tác giả Bùi Hữu Giao.

Thầy giáo - nhà báo Bùi Hữu Giao là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Trung tâm Minh Triết và cũng là một trong những người hoạt động tích cực nhất. Ông là người được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan động viên và tặng quà khi đạt danh hiệu Tấm gương học tập suốt đời của phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ở tuổi suýt soát 90, ông vẫn được nhận danh hiệu này quả cũng là điều đặc biệt.

Với trí tuệ còn rất minh mẫn, trong từng cuộc trò chuyện cũng như đối thoại với ông, lứa nhà văn trẻ chúng tôi vẫn tìm được nhiều điều bổ ích cho mình và đặc biệt là cảm nhận được trái tim lúc nào cũng sôi sục ngọn lửa nhiệt thành mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa, bền lâu hơn nữa.

Thầy giáo - nhà báo Bùi Hữu Giao quả thực là một con người đặc biệt với cánh trẻ chúng tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Người hiền’ Bùi Hữu Giao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO