Người không có khuyết điểm là người vô tích sự

Trần Hữu Thăng 24/07/2017 19:05

Một triết gia Đông phương cổ đại đã từng chỉ dạy: “Chỉ có hai hạng người không bao giờ có khuyết điểm, đó là những người chưa sinh ra đời và những người đã chết”. Đây là một danh ngôn bất hủ, nó soi sáng đến mọi nẻo đường, từ nông thôn đến thành thị, từ chốn phồn hoa đô hội đến nơi hoang vắng nghèo nàn.

Chỉ có hai hạng người không bao giờ có khuyết điểm, đó là những người chưa sinh ra đời và những người đã chết.

Vì sao? Vì một trở ngại lớn nhất trong quá trình tu dưỡng của một con người là: ít ai dám tự nhận ra được những thói xấu, những tật hư, những lỗi, những thiếu sót, những sai lầm, những khuyết điểm mà mình đã và đang mắc phải. Ai cũng cố tự né tránh, tự bưng bít, tự che đậy khuyết điểm của mình do các vấn đề tâm lý: lòng tự ái, sự hiếu thắng, sự kiêu ngạo, tính ích kỷ chỉ biết có mình. Những người này đã quá đề cao cái tôi, cái tôi và chỉ có cái tôi mà thôi. Do vậy, chính câu danh ngôn vĩ đại này đã giúp cho con người tỉnh ngộ lại, không quá sợ hãi về những lỗi lầm, khuyết điểm mà có thì giờ suy ngẫm, bình tĩnh lại để đối diện với những việc đáng tiếc đã xảy ra. Câu danh ngôn đã như một liều thuốc vừa an thần vừa có sự định hướng cho con người.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, thì: “Lỗi (trang 520) là điều không nên không phải trong cách cư xử, trong hành động”; “Khuyết điểm (trang 459) là điều thiếu sót, điều sai trong hành động, suy nghĩ hoặc tư cách” và “Sai lầm (trang 772) là điều trái với yêu cầu khách quan và lẽ phải, dẫn đến hậu quả không hay”.

Như vậy, con người ta trong sinh hoạt hàng ngày rất dễ mắc phải những lỗi nhỏ, những sai sót nhỏ, những khuyết điểm nhỏ. Nếu được phát hiện sớm, được chỉ bảo để sửa chữa, được răn đe để sửa chữa thì còn rất dễ, rất đơn giản. Nhưng nếu tự mình cứ cố bưng bít che đậy, không ai phát hiện ra hoặc có người cố tình bao che, lờ đi, chống lưng, tiếp sức, thì hậu quả sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng. Lúc này, “cái xẩy đã nẩy cái ung”, chỉ còn nước đổ vỡ, nước bế tắc.

Khuyết điểm, sai lầm qua văn chương chữ nghĩa:

Nhà triết học cổ đại Publilius Syrus (Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) có ba câu danh ngôn về khuyết điểm, sai lầm mà về sau được nhiều sách giáo khoa, sách triết học, sách dạy làm người trích dẫn.

Câu 1 của Syrus là: “Cái tệ hại nhất của khuyết điểm là không biết mình mắc khuyết điểm”. Câu này quá đúng, quá rõ, quá thực tế.

Theo dõi trên truyền thông hàng ngày ta thấy nhiều vụ, nhiều việc dẫn đến án tử hình, án chung thân mất cả cuộc đời cũng chỉ vì trong suốt cả một quá trình can phạm làm những việc sai, làm những việc trái pháp luật mà không ai phát hiện ra hoặc có người phát hiện ra mà không dám nói, không dám tố cáo. Khi tòa đã xử rồi, ai cũng nói vuốt đuôi: “Sao không ngăn chặn từ đầu, việc rõ như ban ngày như thế sao cứ che dấu mãi” !

Câu thứ 2 của Syrus là: “Người khôn ngoan khi thấy khuyết điểm của người khác thì phải lấy đó làm gương để tự sửa mình”. Câu này lại càng quá đúng, quá thực tế. Những người trực tiếp tham dự phiên tòa hoặc theo dõi tường thuật qua truyền hình, qua loa đài khi xử một người có tội, một tập thể có tội, thì dù là ở tòa án dân sự hay tòa án hình sự, ai cũng giật mình thon thót, mồ hôi kín đáo vã ra, hơi thở lúc nhanh lúc chậm bất thường, tự kín đáo liên hệ xem mình đã vướng mắc chỗ nào, có lỗi nào giống họ không. Lúc trở ra, vợ nói với chồng, bạn bè nói với nhau: “Thôi liệu mà rút ra khỏi cái hợp đồng ma quỷ ấy, kẻo chết oan có ngày”. Có người lại cay đắng lẩy Kiều: “Ba mươi sáu chước, chước nào là hơn”.

Câu thứ 3 của Syrus là: “Ai tự nhận ra được khuyết điểm của mình thì có thể có lần sau trong sạch”. Câu này cũng quá đúng, quá lôgích, quá thực tế. Một người say rượu lúc tỉnh lại thấy xấu hổ, thấy nhếch nhác với những người xung quanh thì chắc chắn lần sau sẽ không dám uống quá mức nữa. Có người phạm tội do sợ bị người ta đánh, người ta giết nên phải trốn biệt. Sau được gia đình vận động, công an kêu gọi đã tự ra đầu thú, tự nộp mình cho công an bắt giữ để được đi cải tạo thành người lương thiện. Những người này do cải tạo tốt, thường được trả tự do sớm trong những dịp lễ, tết.

Người Li Băng cổ có một câu nói rất dí dỏm, rất thực tế, rất bình dân dễ hiểu để liên hệ tới những cái xấu, cái dở mà tự mình không bao giờ có thể nhìn thấy được. Đó là câu: “Nếu con lạc đà nhìn thấy được trên lưng nó có cục bướu to lồi lên, nó sẽ rất xấu hổ”.

Người Trung hoa cổ nói thẳng: “Chỉ có người bên ngoài mới nhìn thấy rõ được những thói hư tật xấu của người khác”. Nhờ có cái gương soi hàng ngày ta mới biết rõ trên mặt có dính nhọ hay không, tóc tai có bờm xờm quá không, đeo cái kính đen này có to quá so với mặt ta không. Còn cái gương soi sinh học hàng ngày giúp ta phát hiện ra mọi khuyết điểm, thói xấu của bản thân mình chính là những người thân của ta (cha, mẹ, anh chị em, vợ chồng) hoặc những người bạn tốt cùng cơ quan, cùng khu phố với ta. Thành ngữ xưa đề cao người bạn biết phê bình thẳng thắn, mang tính xây dựng giúp ta trưởng thành, giúp ta nên người qua những câu nổi tiếng:

“Người khen ta là bạn ta. Người chê ta là thầy ta”.
Hoặc: “Những nơi cay đắng là nơi thật thà”.
Hoặc: “Nói thật mất lòng”.
Hoặc: “Thuốc đắng giã tật”.

May mắn thay cho những ai không sợ cay đắng, không hay mất lòng hoặc tự ái vặt mà bình tĩnh tiếp thu được những phản ảnh của chiếc “gương soi của cuộc đời” mà kịp thời lau được những “vết bẩn” trên mặt, chải lại được mái tóc tươm tất chỉnh tề thì quá hạnh phúc, quá khôn ngoan.

Còn những người sợ sự góp ý, sợ sự phê phán, sợ sự nói thật của bạn bè thì sao? Sẽ là quá nguy hiểm, quá không may cho người đó. Vì như nhà Hiền triết cổ đại Horace (Năm 65 – năm 8 trước Công nguyên) đã dạy bảo: “Sự sợ sệt về một khuyết điểm sẽ khiến phải rơi vào sự tồi tệ hơn”.

Ở nhiều nước châu Âu, trong sách giáo khoa dạy làm người, khi dẫn chứng câu nói này của Horace về tai hại của việc không giải quyết ngay từ lúc phạm lỗi nhỏ để đến khi gặp tai họa lớn người ta thường trích dẫn câu chuyện đau lòng sau đây: Có một cậu bé nhà con một nên rất hư, cậu sang ăn trộm trứng gà nhà hàng xóm, ăn cắp tiền của gia đình để tiêu sài. Cha mất sớm nên người mẹ thương con, bỏ qua hết và còn bao che cho thói ăn trộm, ăn cắp của con. Khi lớn lên cậu con trai hư hỏng hoàn toàn, tham gia xã hội đen nên bị bắt và bị xử tử hình. Trước khi bị xử bắn, lúc bà mẹ gặp cậu lần cuối, cậu đã nghiến răng cắn tai mẹ và khóc nức nở: “Mẹ ác quá, mẹ đã không dạy con nên người để con phải chết như ngày hôm nay”.

Đọc câu chuyện này ai cũng rùng mình, suy nghĩ, có người hối hận vì đã có lúc bao che cho con, có lúc bao che cho bản thân, có lúc bao che cho bạn bè, không biết liệu có gây ra sự cố gì nghiêm trọng về sau này không. Sau có người ví việc này với việc phòng cháy hơn chữa cháy. Tốt nhất nên đề phòng củi lửa, phòng chập điện để không xảy ra hỏa hoạn, chứ nhà đã cháy rồi còn cứu chữa làm sao được nữa!

Không ai chê trách người có lỗi biết nhận lỗi. Ai ai cũng chê trách người có lỗi mà không biết nhận lỗi và không biết sửa chữa sai lầm. Đúng như nhà Triết học cổ đại người Ấn độ Avandanas đã viết: “Hãy biết đỏ mặt vì xấu hổ về những khuyết điểm anh mắc phải chứ không có gì phải đỏ mặt vì xấu hổ khi ta biết sửa chữa những khuyết điểm ấy”. Ông bà ta cũng đã nhân ái dặn dò con cháu nên xử thế độ lượng, khoan dung với những người có lỗi đã biết sửa chữa lỗi lầm qua câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Thật đáng trân trọng sự tha thứ cho những ai biết sửa chữa lỗi lầm.

Đến đây có thể tạm sơ kết về khuyết điểm, sai lầm. Đúng như một danh ngôn cổ của người Scotland: “Người nào không có khuyết điểm, chính là người vô tích sự”. Đúng quá rồi còn gì nữa, vì chỉ có người không làm gì cả mới không có khuyết điểm, vì người đó đã được xếp vào diện “chưa sinh ra đời” hoặc “đã lìa khỏi cuộc đời” như danh ngôn ở phần đầu đã quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người không có khuyết điểm là người vô tích sự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO