Người lao động khốn đốn vì Công ty Nam Cường ‘né’ luật

HỮU VINH 18/12/2021 08:11

Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội không chỉ “tước” quyền làm việc hợp pháp của người lao động theo đúng quy định hợp đồng lao động mà còn cố tình gây khó dễ trong quá trình người lao động thực hiện khởi kiện.

Muốn “dứt” cũng không xong!

Ngày 3/10/2019, bà Phạm Thị Thùy Dương có đơn đề nghị chấm dứt Hợp đồng lao động với Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (gọi tắt là Công ty Nam Cường). Ngày 7/10/2019, bà Dương tiếp tục gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đến Công ty Nam Cường do công ty này không đảm bảo điều kiện làm việc cho bà Dương theo Hợp đồng lao động đã ký.

Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo, phía Công ty Nam Cường lại mời bà Dương tham dự họp xử lý kỷ luật lao động với tư cách là “người lao động” (Thông báo lần 1 ngày 7/10/2019, thông báo lần 2 ngày 14/10/2019 và thông báo lần 3 ngày 21/10/2019).

Như đã nói ở bài trước, việc họp kỷ luật với cá nhân bà Dương có những điểm trái với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành cũng như không phù hợp với các quy định nội quy của chính công ty này.

Như vậy, đề nghị chấm dứt Hợp đồng lao động và thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động ngày 3 và 7/10/2019 của bà Dương cũng bị chấm dứt hiệu lực cùng ngày 7/10/2019.

Tuy nhiên, trong Quyết định số 487b/QĐNS-NCHN ngày 27/11/2019, Công ty Nam Cường ban hành với nội dung chấm dứt hợp đồng lao động lại sử dụng căn cứ hết hiệu lực là Thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của bà Phạm Thị Thùy Dương (gửi bằng Email ngày 7/10/2019).

Điều này cho thấy Công ty Nam Cường đã sử dụng căn cứ hết hiệu lực để ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng. Đây được xem là việc làm hợp thức hóa tài liệu hồ sơ, nhằm đối phó với bà Dương và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo bà Dương, “trường hợp muốn chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, Công ty Nam Cường có nghĩa vụ thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động là 30 ngày. Do vậy, nếu xác định ngày 7/12/2019 chính là ngày Công ty Nam Cường thực hiện thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty Nam Cường chỉ được phép ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với thời hạn bắt đầu chấm dứt hợp đồng sớm nhất là ngày 7/1/2020 đối với tôi. Tuy nhiên, nội dung Quyết định chấm dứt hợp đồng nói trên lại xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng là ngày 7/10/2019 (hiệu lực hồi tố). Điều này cho thấy Công ty Nam Cường đã vi phạm nghiêm trọng bộ luật lao động”.

Né tránh đủ đường

Dù xác định rằng những việc làm của Công ty Nam Cường gây ra nhiều tổn thất về tinh thần lẫn vật chất, ngay sau khi nhận được Quyết định sa thải trái luật của Công ty Nam Cường đối với mình, bà Phạm Thị Thùy Dương vẫn gửi email tới Công ty Nam Cường yêu cầu xem lại và hủy Quyết định sa thải trái luật với thời hạn đến hết tháng 11/2019.

Tuy nhiên, Công ty Nam Cường không có bất kỳ động thái hợp tác nào, do đó đầu tháng 12/2019, bà Dương đã buộc phải nộp hồ sơ khởi kiện công ty này. Ngày 24/9/2020, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân đưa vụ án ra xét xử.

Bà Dương cho hay, bị đơn là Công ty Nam Cường có 2 lần vắng mặt mặc dù đã được triệu tập hợp lệ. Bị đơn xin hoãn phiên tòa bởi những lý do như: Thay đổi Luật sư đại diện theo ủy quyền mà Luật sư mới (Luật sư Nguyễn Thị Thu) chưa tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ vụ án.

“Chúng tôi không hài lòng với việc cố ý gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho người tham gia tố tụng của phía bị đơn bởi các lý do hoãn phiên tòa nêu trên là không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Bị đơn là pháp nhân, đã có luật sư trong suốt quá trình tố tụng, vụ án đã kéo dài đã lâu. Phía bị đơn đã 3 lần sao chụp hồ sơ vụ án, cán bộ của bị đơn cũng tham gia tố tụng cùng luật sư đại diện, vì thế không thể lấy lý do là chưa có tài liệu hồ sơ, chưa được tiếp cận vụ án và bận phiên tòa khác để hoãn phiên tòa này” - bà Dương bức xúc.

Sau khi bà Dương có ý kiến không đồng ý hoãn phiên tòa thì HĐXX tiếp tục giải quyết vụ án nhưng lại chuyển vụ án lao động sơ thẩm thụ lý số: 01/2020/TLST-LĐ ngày 3/1/2020 về việc hủy quyết định sa thải trái pháp luật; đòi tiền lương và tiền Bảo hiểm xã hội giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Thùy Dương đến Tòa án nhân dân quận Hà Đông, TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.

Để có góc nhìn khách quan về toàn bộ vụ việc, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã nhiều lần liên hệ để làm việc với Công ty Nam Cường. Tuy nhiên, vị đại diện truyền thông của công ty này cố tình né tránh và từ chối cung cấp thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động khốn đốn vì Công ty Nam Cường ‘né’ luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO