Người lao động tiêm vaccine: Tiêu chí an toàn cho doanh nghiệp

H.Vũ (thực hiện) 16/08/2021 08:30

Việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” đang được nhiều doanh nghiệp phản ánh là không phù hợp. Nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam đã phải đóng cửa do không áp dụng được phương án này. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, số lượng người lao động được tiêm vaccine mới chính là tiêu chí an toàn của doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói: Phải “lọc” được những doanh nghiệp trong “vùng xanh”, doanh nghiệp trong khu vực an toàn. Tức là vừa chống dịch vừa sản xuất, sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Và số lượng người lao động được tiêm vaccine chính là tiêu chí an toàn.

PV: Thưa ông, hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” đang khiến doanh nghiệp tăng thêm gánh nặng chi phí nên họ mong muốn được lựa chọn mô hình sản xuất linh hoạt và tự chịu trách nhiệm. Theo ông, chúng ta cần “gỡ” việc này như thế nào?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Bộ Công thương vừa đề xuất với Bộ Y tế phương án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Do mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đang gặp khó khi áp dụng với nhiều doanh nghiệp phía Nam nên theo phương án này, doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về mô hình vừa sản xuất phù hợp. Với mô hình này, người lao động có thể được về nhà nhưng phải cam kết thực hiện nghiêm 5K, chỉ được di chuyển theo tuyến cố định.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân.

Bên cạnh đó tôi cũng lưu ý rằng, hiện tình hình dịch vẫn còn đang phức tạp, số ca tử vong cao, hạ tầng y tế chưa đảm bảo. Việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là ưu tiên quan trọng nhất. Tuy nhiên chúng ta cũng phải tìm lối thoát cho doanh nghiệp để họ thích nghi được với bối cảnh dịch bệnh. Cho nên song song với việc tiêm vaccine, cần tìm nguồn vaccine để tiêm cho toàn dân càng nhanh càng tốt.

Đối với những doanh nghiệp, người lao động được tiêm 100% vaccine sẽ có điều kiện riêng để họ có thể duy trì sản xuất. Cho nên phải lọc và tạo ra được những khu vực an toàn cho những doanh nghiệp. Còn, mô hình “3 tại chỗ” không đảm bảo khi số lao động đã được tiêm vaccine rất ít; nếu ăn, ở, lao động chung tại chỗ rất dễ lây nhiễm. Để tạo lập được môi trường an toàn thì vaccine là yếu tố quan trọng đối với người lao động.

Như vậy cần đưa doanh nghiệp vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, nhất là cho công nhân để duy trì chuỗi sản xuất, thưa ông?

- Chính phủ cũng đã tận dụng các nguồn vaccine qua các kênh nhưng vẫn còn thiếu. Để an toàn phải bao phủ tiêm vaccine nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó trong tiêm chủng ngoài lực lượng công nhân, người lao động, chúng ta cũng cần đạt tỷ lệ đối với người lớn tuổi, người có bệnh nền. Họ cũng là đối tượng cần được tiêm trước. Do đó theo tôi phải song hành tiêm cả người lớn tuổi lẫn người từ 18 tuổi trở lên. Muốn vậy, chúng ta phải mở ra cánh cửa để các doanh nghiệp tự tìm nguồn vaccine, trong đó cần tính tới việc xã hội hóa. Theo đó cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mua vaccine về trong bối cảnh nguồn vaccine đang cạn dần.

Nghĩa là cần quan tâm đến sự hợp tác công-tư trong mua vaccine?

- Nghị quyết 86 của Chính phủ đã đặt vấn đề cần tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine. Trong bối cảnh vaccine hiện nay khan hiếm nguồn cung thì chúng ta cần khuyến khích sự năng động của doanh nghiệp để có vaccine nhanh nhất tiêm cho người dân. Bởi nếu không có cơ chế rõ ràng sẽ khó để doanh nghiệp tham gia từ khâu đàm phán, nhập khẩu, bảo quản đến tiêm, phân phối vaccine. Cần tạo cơ chế thông thoáng cho những doanh nghiệp chủ động mua vaccine để 100% người lao động được tiêm vaccine. Phải nỗ lực kiếm theo 3 nguồn: Ngoại giao vaccine, ngoại giao thương mại và tự chủ vaccine nội địa là cái quan trọng nhất. Chỉ có cách đó mới giải quyết rốt ráo an toàn trong sản xuất.

Để tạo lập được môi trường an toàn thì vaccine là yếu tố quan trọng đối với người lao động.

Theo ông chúng ta phải tạo ra “vùng xanh” trong phát triển kinh tế như thế nào?

- “Vùng xanh” phải được hình thành trong điều kiện bối cảnh thương mại hội nhập, giao lưu các chuỗi sản xuất. Cho nên phải liên kết giữa các địa phương, các khu vực thành một chuỗi giá trị. Ví như chỗ này làm “ruột”, chỗ kia làm “vỏ”, nghĩa là phải một chuỗi liên kết “vùng xanh”, và đòi hỏi các “vùng xanh” kết nối với nhau.

Để tạo ra “vùng xanh” tôi nói ví dụ ngay quá trình vận chuyển cũng phải khép kín, “xe xanh đi luồng xanh”. Và tiêu chí số người được tiêm vaccine là khâu quan trọng để triển khai các “vùng xanh”. Như hiện nay tại nhiều nước có “hộ chiếu vaccine”. Tại Mỹ muốn bán hàng thì anh phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine.

Bên cạnh đó tại những nơi không có người nhiễm Covid-19 cũng chính là các “vùng xanh”. Phải bảo vệ các “vùng xanh” này, tổ chức làm sao cho những nơi đó là “mặt trận hậu cần” quan trọng của đất nước lo phát triển sản xuất kinh doanh.

Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, giãn cách là giãn cách con người với con người, chứ không phải giãn cách hàng hóa. Hàng hóa phải được thông tuyến. Trong đó có việc quản lý chặt con người đi theo luồng quy định. Nghĩa là đảm bảo trao đổi an toàn giữa lái xe ở “vùng xanh” và vùng ngoài để hàng hóa được lưu thông.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động tiêm vaccine: Tiêu chí an toàn cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO