Người lưu truyền văn hóa Khmer qua từng thớ gỗ

Quốc Trung 03/10/2016 10:10

Nghệ nhân Sơn Kinh, ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) không chỉ được biết đến với những tác phẩm gỗ điêu khắc mang đậm bản sắc văn hóa Khmer, mà còn là người lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.

Nghệ nhân Sơn Kinh.

Ở vào tuổi 88, nhưng ông Sơn Kinh vẫn rất khỏe. Qua câu chuyện chúng tôi được biết nghề điêu khắc gỗ đến với ông như cái duyên tình cờ.

Lúc nhỏ, ông Sơn Kinh thường theo cha mẹ lên chùa, thấy các sư trong chùa khắc gỗ các con vật, bàn ghế và đồ thờ cúng, ông rất thích mê mẩn ngồi xem rồi ông bắt chước làm theo. Đầu tiên, ông nặn các đồ vật, tượng bằng đất rồi vẽ ra đất vì đâu có giấy như bây giờ. Lớn lên ông vào chùa tu học, vừa học kinh kệ vừa theo các sư thầy học điêu khắc gỗ.

Sau khi hoàn tục, ông Sơn Kinh tạo ra những tác phẩm điểu khắc. Theo kinh nghiệm của ông, các họa tiết, hoa văn truyền thống Khmer cũng không khó để vẽ lại trên các nền vật liệu như xi măng, hay vật mềm khác.

Tuy nhiên để khắc và thể hiện trên nền gỗ rất khó miêu tả hết được. Muốn khắc các hoa văn trên khúc gỗ nhỏ bằng ngón tay, sau đó ráp lại làm omrong (cái khay), hay tháp thờ Phật…thì không phải ai cũng làm được.

Từ đôi tay tài hoa của nghệ nhân Sơn Kinh nhiều vật phẩm ra đời, mang dậm dấu ấn của riêng ông. Tài điêu khắc của ông Sơn Kinh được nhiều đơn vị tổ chức trong và ngoài tỉnh biết đến.

Các tác phẩm của ông ngoài để phục vụ cho các chùa, mỗi khi có triển lãm hay các hoạt động lễ tết của đồng bào Khmer đều được trưng bày và giới thiệu. Vì vậy mà ông Sơn Kinh được xem như người lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trên từng thớ gỗ.

Trong căn nhà đã nhuốm màu thời gian, vật dụng quý giá nhất đối với ông Sơn Kinh chính là bộ sưu tập các hình như: rắn, khỉ, hổ, chim, mô hình đền thờ, chánh điện chùa Khmer, hoặc những chiếc đàn cổ, ghe Ngo, rựa gặt lúa, nôm bắt cá… mỗi bức tượng đều gắn với một truyền thuyết, mỗi câu chuyện, tập trung lại thành một bức tranh toàn cảnh về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer.

Nhưng điều mà ông trăn trở nhất hiện nay chính là việc truyền nghề cho người thực sự đam mê bởi cũng đã có một vài người đến học hỏi ông nhưng được một thời gian rồi đành bỏ cuộc…

Thường những người yêu nghề họ rất khắt khe với nghề, đặc biệt là truyền nghề cho người khác. Ông Sơn Kinh cũng vậy, mấy mươi năm qua ông vẫn như một kẻ độc hành trên con đường đam mê của mình. Ông đã từng đứng ra đào tạo cho hàng chục em người dân tộc Khmer nghề điêu khắc nhưng rồi học xong không ai theo được.

Nhưng, cũng có niềm vui. Đó là đầu năm 2015, ông được ông nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy lĩnh vực văn hóa phi vật thể đồng bào Khmer. Giờ đây danh đã chính, ngôn đã thuận ông Sơn Kinh cảm thấy yên tâm để truyền nghề cho đứa con trai út của ông là anh Sơn Đươl đã ít nhiều nối nghiệp của cha mình.

Thêm một niềm vui nữa, theo ông Sơn Minh Thái- Phó Chủ tịch xã Tài Văn cũng cho biết, để lưu truyền nghề điêu khắc trên gỗ, địa phương đã xin được kinh phí để hỗ trợ cho ông Sơn Kinh mua thêm máy móc phục vụ cho việc truyền nghề của ông…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lưu truyền văn hóa Khmer qua từng thớ gỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO