Biện pháp gốc để phòng ngừa tham nhũng

H.Vũ (thực hiện) 02/07/2018 09:00

Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Ngô Sách Thực- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, các kết luận thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, các lĩnh vực liên quan đến công tác quản lý nhà nước phải công khai minh bạch, và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Biện pháp gốc để phòng ngừa tham nhũng

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trả lời phỏng vấn Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), việc lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân là rất quan trọng. Tuy nhiên lắng nghe dư luận cũng là để chọn lọc tiếp thu cái đúng, không chạy theo dư luận. Vậy làm sao để vừa khích lệ người dân tham gia đấu tranh PCTN nhưng lại phải có “bộ lọc” tốt, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực: Đây là vấn đề cần nhấn mạnh thêm, quan điểm chung là luôn luôn phải lắng nghe. Nhưng làm sao có nhiều thông tin để có thể chia sẻ với người cung cấp thông tin.

Việc người dân cung cấp thông tin trong công tác PCTN là vô cùng quan trọng, quý giá cho nên phải lắng nghe các phản ánh, nhất là Mặt trận, các đoàn viên, hội viên phải chia sẻ với người phản ánh để người dân có nhiều thêm thông tin.

Theo quy định của pháp luật các kết luận thanh tra, điều tra, truy tố xét xử, rồi các lĩnh vực liên quan đến công tác quản lý nhà nước phải công khai minh bạch, và nâng cao trách nhiệm giải trình. Đây là những biện pháp chỉ đạo rất cơ bản để làm sao người dân biết được việc đó.

Phản ánh của người dân là rất quan trọng cho nên làm sao khuyến khích phản ánh của người dân nhưng đồng thời phải thông tin trở lại để người dân biết được những việc đó thì sẽ tốt hơn.

Bởi người dân có phản ánh đúng, có phản ánh chưa đúng vì họ không có nhiều thông tin nhưng ở góc độ cá nhân người dân thấy hiện tượng thì phản ánh tới các cơ quan chức năng, và đó cũng là một trong những nguồn thông tin bước đầu quan trọng cho cơ quan chức năng và báo chí vào cuộc.

Ban Bí thư đã ban hành Quy định 124, về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Vậy xin ông cho biết Mặt trận phát huy kênh đó như thế nào để các cơ quan chức năng vào cuộc?

- Giám sát của Mặt trận chủ yếu là giám sát việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống.

Trong 9 biểu hiện liên quan đến đạo đức, lối sống có những biểu hiện liên quan đến sinh hoạt, cá nhân, những dấu hiệu giàu lên bất chính. Giám sát của Mặt trận đối với cán bộ người đứng đầu về đạo đức công vụ trên từng các lĩnh vực.

Đạo đức của người đứng đầu xem có gương mẫu hay không? còn đạo đức của cán bộ công chức trên từng lĩnh vực đều có đạo đức công vụ.

Đối chiếu với những quy định đó và những điều đảng viên không được làm, Mặt trận hoặc người dân có thể thấy được những điều đúng hay chưa đúng để góp ý. Còn khi thấy những biểu hiện đã rõ ràng thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc đó.

Quy định của Đảng rất là rõ ràng rồi, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phải xem xét nội dung đó, và trong một thời gian nhất định phải thông tin lại, lúc đó sự công khai minh bạch sẽ rõ ràng hơn.

Ở đây nó có tác dụng thúc đẩy làm sao lành mạnh hóa, và cán bộ trên từng lĩnh vực vị trí được giao phải thực hiện theo đúng chức trách nhiệm vụ mà anh được giao. Đó chính là sức mạnh tổng hợp.

Ông nghĩ sao khi Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đưa ra 7 biện pháp lâu dài, và 6 biện pháp trước mắt trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh, trong đó đều nhấn mạnh vai trò của Mặt trận trong công tác PCTN và báo chí. Vậy làm sao phát huy hơn nữa vai trò hiệu quả của các cơ quan này trong công tác PCTN?

- Chương trình hành động của Mặt trận tham gia PCTN đưa ra 6 nhóm giải pháp. Trong nhóm giải pháp về công khai minh bạch rất quan tâm đến việc phát huy vai trò của báo chí.

Chính vì vậy, Mặt trận có tổ chức giải báo chí về PCTN để phát huy vai trò của báo chí tham gia vào PCTN, lãng phí. Nói là làm ngay khi năm đầu tiên tổ chức đã tổng kết và trao giải.

Qua đó khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia viết bài về công tác PCTN, mỗi một bài viết tốt sẽ phát huy tác dụng trong đấu tranh PCTN, nhưng bên cạnh đó cũng có cả phòng ngừa.

Thưa ông, làm sao để đẩy mạnh tính công khai minh bạch trong các cơ quan nhà nước qua đó giúp phòng ngừa tham nhũng?

- Chúng ta phải đẩy mạnh chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Hiện Chính phủ đã công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, rồi các nội dung không liên quan đến bí mật nhà nước đều phải công khai trên nhiều hình thức, đặc biệt công khai trên cổng thông tin điện tử là kênh để nhiều người dân có thể trực tiếp vào đó.

Thứ hai, giảm thủ tục hành chính đi nâng cao khả năng tiếp cận của người dân vào các dịch vụ công.

Các dịch vụ công này nếu được công khai và khả năng tiếp cận trong cải cách hành chính đạt đến cấp độ 3, cấp độ 4 thì sẽ hạn chế tối đa việc tiếp xúc của người dân đối với cán bộ công chức trong quá trình giải quyết công việc.

Chúng ta đã có công nghệ rồi, những nội dung liên quan đến cấp độ 3, 4 thì trực tuyến cũng có thể giải quyết được những nội dung mà người dân cần. Đó chính là biện pháp rất tốt cho việc phòng ngừa tham nhũng.

Rồi lắp camera... cũng là biện pháp để giám sát cán bộ trong quá trình làm việc và tiếp xúc với người dân. Công khai minh bạch chính là biện pháp gốc để phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, phải có các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý, kể cả công luận, các giải pháp về chế độ tiền lương, thu nhập.

Một trong các giải pháp PCTN là kỷ luật để không dám vi phạm. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng phải xử lý nghiêm minh, nghĩa là xử lý những vụ lớn nhưng cũng phải xử lý những việc vặt chứ không phải mỗi vụ lớn.

Vì tham nhũng vặt đang gây bức xúc trong nhân dân, xử việc việc vặt là để cảnh tỉnh. Nếu xử lý nghiêm minh sẽ cảnh tỉnh những người khác, không dám tham nhũng.

Làm sao khơi dậy được để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo và đổi đổi nhưng bên cạnh phải xử lý nghiêm khi có sai phạm. Đó là cái chúng ta cần quan tâm.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biện pháp gốc để phòng ngừa tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO