Chọn vấn đề giám sát liên quan trực tiếp đến người dân

Hải Nhi (thực hiện) 01/08/2018 06:00

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang Diêm Hồng Linh cho biết: 5 năm qua, nội dung giám sát được MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang lựa chọn đều là những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và liên quan trực tiếp đến nhân dân, các vấn đề mà nhân dân đang quan tâm.

Chọn vấn đề giám sát liên quan trực tiếp đến người dân

Bà Diêm Hồng Linh.

PV:Thưa bà, sau 5 năm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã tập trung vào giám sát những vấn đề gì?

Bà Diêm Hồng Linh: Từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2018, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Bắc Giang đã chủ trì tổ chức giám sát 1.319 nội dung tại 9.974 cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nội dung giám sát được MTTQ các cấp lựa chọn đều là những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và liên quan trực tiếp đến nhân dân, các vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, như: Giám sát tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp xã; Việc thực hiện chính sách giảm nghèo; Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; Thực hiện chính sách và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội….

Được biết, kênh giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) hoạt động khá hiệu quả tại Bắc Giang, bà có thể chia sẻ cách làm trong hoạt động này?

- Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác TTND với 1.150 lượt người dự. Tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác GSĐTCCĐ 2.400 lượt người dự. Biên soạn các văn bản mới thành tài liệu cụ thể để hướng dẫn thực hiện và cuốn sổ tay công tác GSĐTCCĐ, nhật ký giám sát để các Ban GSĐTCCĐ thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. MTTQ tỉnh phối hợp tổ chức kiểm tra trực tiếp 13 cuộc về công tác GSĐTCCĐ tại 10 huyện, thành phố. Hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố thực hiện tổng rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động và tình hình hỗ trợ kinh phí của các Ban GSĐTCCĐ. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để thực hiện hiệu quả công tác giám sát trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo kinh phí cho Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ hoạt động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban TTND trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (đối với xã loại 1 và xã đặc biệt khó khăn 7 triệu đồng/ban/năm; xã loại 2 là 6 triệu đồng/ban/năm; xã loại 3 là 5 triệu đồng/ban/năm).

Hiện nay toàn tỉnh có 230 Ban TTND với 2.101 thành viên và 230 Ban GSĐTCCĐ với 2.073 thành viên. Từ 2014 đến 6 tháng 2018, Ban TTND đã giám sát được 17.716 cuộc, phát hiện và kiến nghị 408 vụ việc sai phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân trên 1,2 tỷ đồng, 5.292 m2 đất, 3 tấn xi măng; Ban GSĐTCCĐ giám sát được 5.307 cuộc, phát hiện và kiến nghị 317 vụ việc sai phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân trên 332,8 triệu đồng, 3.075m2 đất, 8 tấn xi măng, 250 kg sắt. Kết quả giám sát góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần tích cực trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.

Theo bà, công tác giám sát tại Bắc Giang còn những hạn chế gì?

- Tôi cho rằng, việc thực hiện giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện chủ yếu qua hình thức tổ chức đoàn giám sát và phối hợp giám sát. Đối với cấp xã chưa thực hiện được nhiều hình thức tổ chức đoàn giám sát, chủ yếu phối hợp giám sát và thực hiện giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Việc giám sát cán bộ, đảng viên còn hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại là do cấp uỷ, chính quyền ở một số nơi còn chưa quan tâm định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, chủ yếu mới giao MTTQ và các đoàn thể thực hiện góp ý vào dự thảo văn bản.

Đặc biệt, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có năng lực, trình độ chuyên môn nhất định, trong khi cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội (nhất là đối với cấp cơ sở) còn ít kinh nghiệm thực tiễn, thiếu hiểu biết nhiều lĩnh vực, phải kiêm nhiệm nhiều và thường xuyên thay đổi, khó khăn cho thực hiện nhiệm vụ.

Vậy bà có đề xuất gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng được trong giai đoạn mới?

- Theo tôi, để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận hiện nay, đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. Thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận các cấp và chế độ phụ cấp cho Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn vấn đề giám sát liên quan trực tiếp đến người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO