Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Hóa giải mâu thuẫn, kết chặt tình cảm

Tuệ Phương 16/04/2018 23:20

Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và mở rộng khắp các thôn, xóm, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong nhân dân. Thành công đó có được là do đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã đi sâu, bám sát địa bàn để giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Hóa giải mâu thuẫn, kết chặt tình cảm

Hòa giải thành công nhiều vụ việc góp phần xây dựng đời sống mới trong nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Tam Điệp đã có 120 tổ hòa giải với 732 hòa giải viên. Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 89 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 76 vụ việc. Hoạt động của các Tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo các tầng lớp dân cư; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; giảm các vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong gia đình và khu dân cư…

Không chỉ riêng Tp. Tam Điệp, UBND huyện Yên Mô cũng đã quan tâm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với UB MTTQ cùng cấp kịp thời thành lập, kiện toàn 232 tổ hòa giải với 1.500 hòa giải viên. Các tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giữ vững an ninh trật tự xã hội, hạn chế các tranh chấp khiếu nại, tố cáo vượt cấp trong nhân dân trên địa bàn huyện. Để có được kết quả đó, UBND – UBMTTQ huyện Yên Mô đã thường xuyên phối hợp với phòng Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cũng như kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải theo hướng dẫn của Sở Tư pháp cho đội ngũ hòa giải viên các cấp tại 17/17 xã, thị trấn trong huyện.

Theo ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Ninh Bình, qua quá trình thực hiện, UBND huyện Yên Mô và TP. Tam Điệp đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về thành lập, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố theo đúng quy trình quy định. Bên cạnh đó, phối hợp với UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể cùng cấp triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở nhất với nhiều hình thức phong phú như: thông qua hội nghị, hội thi, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức ngày pháp luật, tư vấn, giải thích pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tổ chức chỉ đạo Hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp xã, cấp huyện, tham gia hội thi cấp tỉnh…

Qua hơn 3 năm thực hiện, Luật Hòa giải ở cơ sở góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở, nhiều mô hình hay, cách làm mới ra đời đã giúp cho việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh được thực hiện ngay tại cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai và tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: công tác kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng chưa được thường xuyên; hoạt động của một số tổ hòa giải còn mang tính hình thức, chất lượng hiệu quả chưa cao, đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước về hòa giải còn kiêm nhiệm nhiều việc nên nhận thức về Luật hòa giải ở cơ sở chưa cao.

“Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Phía sau những thành quả đó là cống hiến thầm lặng của mỗi hòa giải viên. Không kể bất cứ thời gian nào, dù là ngày hay đêm, khi xóm dưới, làng trên có chuyện xảy ra, họ lại có mặt, kiên trì hóa giải mâu thuẫn, kết nối yêu thương và đưa pháp luật gần hơn với nhân dân”, ông Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Hóa giải mâu thuẫn, kết chặt tình cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO