Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp

04/01/2018 08:55

Sau một ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 13 Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá VIII đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp

Đoàn Chủ tịch biểu quyết thông qua các nội dung chính của Hội nghị.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng cảm ơn “các cụ, các vị và các đồng chí đã dành thời gian tới dự Hội nghị đông đủ và đóng góp những ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các dự thảo văn bản do Ban Thường trực trình Hội nghị”.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, “Ban Thường trực sẽ tiếp thu ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí về một số vấn đề về công tác dân tộc, tôn giáo cần bổ sung thêm các hoạt động thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín của cộng đồng. Hội đồng tư vấn, tổ tư vấn và đặc biệt các tôn giáo cũng như các Hội, chi hội Người Việt Nam ở nước ngoài trong củng cố khối đại đoàn kết cũng như Đề án tổ chức Đại hội Mặt trận các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024”.

Điểm nhấn: Mặt trận tham gia chống tham nhũng

Đặc biệt đối với Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là điểm nhấn và khẳng định được vị trí, vai trò của Mặt trận trong vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng như nói lên tiếng nói của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, Chính quyền vững mạnh.

Trao đổi với một số ý kiến về nội dung này, người đứng đầu Mặt trận cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 04 ngày 19/1/2017 thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 nhưng nội dung rộng, chưa đề cập đến các vấn đề cụ thể về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Về Chương trình hành động số 02/CTr-MTTW-ĐĐ ngày 4/9/2013 là Chương trình của Đảng đoàn MTTQ thực hiện trong cơ quan Mặt trận các cấp. Vì vậy việc ban hành là cần thiết, tuy nhiên cần tiếp tục cụ thể thêm nội dung, mục đích, yêu cầu cho sát hơn với thực tiễn và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định, việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện không theo ý chủ quan mà phải trên cơ sở phù hợp với khả năng, thực tiễn. Các cuộc vận động, phong trào kết quả đến đâu, phải chú ý đến chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện đến đó.

Đối với Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, tới đây sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm theo lộ trình thực hiện của đề án.

Việc quản lý, sử dụng Quỹ vì người nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo đảm bảo minh bạch, công khai, người đứng đầu MTTQ Việt Nam yêu cầu.

“Đầu năm 2018, Ban Thường trực sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đến Mặt trận các địa phương về quản lý, sử dụng quỹ người nghèo”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Việc phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, của nhân dân để góp phần xây dựng hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách pháp luật và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Đảng viên liêm chính tận tụy phục vụ nhân dân, Ban Thường trực đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương xây dựng Quy chế MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, để trình Ban Bí thư ban hành trong thời gian tới.

Công tác Mặt trận đạt được nhiều kết quả

Nhìn lại năm 2017, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đã tích cực chủ động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả 5 nội dung Chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2017 được thông qua tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6.

Công tác Mặt trận đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương và đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Những nhiệm vụ của năm 2018

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2017, trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn Chủ tịch, người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho rằng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong năm 2018 sẽ tập trung và nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực các nội dung như Nghị quyết Hội nghị đã thống nhất thông qua, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; 4 Nghị quyết ban hành tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng. Triển khai hiệu quả Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX vào tháng 9 năm 2019.

Cùng với đó rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức, cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Đồng thời, triển khai đồng bộ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tổ chức các hoạt động chăm lo người nghèo; vận động Quỹ vì người nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo…

Đặc biệt triển khai giám sát trên các lĩnh vực như: Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm; cải cách hành chính; hành chính hóa, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân với tiêu chí nâng cao giám sát cả về chất đến về lượng các cuộc giám sát cũng như phản biện xã hội…

Không ai không có nhà ở

Một trong những nhiệm vụ trước mắt là Mặt trận sẽ tham gia xây nhà đại đoàn kết cho người dân dịp Tết đến Xuân về.

"Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ hỗ trợ 40 tỷ đồng cho những người dân gặp khó khăn xây nhà đại đoàn kết để khi Tết đến không ai không có nhà ở. Mặt trận phải vào cuộc làm từng căn nhà có chất lượng cho người dân", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Đưa nhân dân tham gia xây dựng Đảng

* Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai bày tỏ sự tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị. Bà Trương Thị Mai cho rằng, chỉ riêng việc khẳng định sự tiếp thu các ý kiến của đại biểu cũng chính là tạo sự đồng thuận thống nhất. Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhiệm vụ của Mặt trận được xác định cụ thể là phải làm sao sâu sắc hơn để hoạt động của Mặt trận tác động trực tiếp tới người dân, từ đó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 1

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị.

Trao đổi cùng với các đại biểu tại hội nghị về một số nội dung của Nghị quyết 12 trong việc phát huy vai trò của Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, bà Trương Thị Mai cho rằng, mặt hạn chế mà Mặt trận cần quan tâm là phát huy đầy đủ vai trò, sức mạnh của nhân dân cũng như công tác đánh giá, dự báo để nắm bắt tình hình nhân dân để từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước bám sát nhân dân. Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị Mặt trận tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mặt được và chưa được trong quá trình triển khai Nghị quyết 12.

“Nghị quyết 12 dành ra 2 trang để nói về vai trò của Mặt trận trong phát huy tinh thần đại đoàn kết và phát huy vai trò của nhân dân, để làm sao các quyết định của Đảng đều liên quan đến lợi ích nhân dân, phản biện của Mặt trận cũng là góp phần đưa tiếng nói của nhân dân, đưa nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định. Nhắc tới sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận, bà Trương Thị Mai cho rằng, đại đoàn kết luôn luôn được khẳng định là đường lối chiến lược, vừa là động lực, vừa là nguồn lực.

Khẳng định những ý kiến của các đại biểu tập trung vào tính chất hoạt động của Mặt trận, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, Luật MTTQ quy định Mặt trận hoạt động trên cơ sở tự nguyện hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động, cho nên việc tham gia vào Mặt trận là huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân tiêu biểu vì cá nhân tiêu biểu thôi thúc hoạt động của cả cộng đồng để từ đó xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy cơ cấu tổ chức và hoạt động của Mặt trận có nét tương đồng đều là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

“Tôi tin tưởng nhân dân đều đồng lòng vào mục tiêu tương đồng trong xây dựng và phát triển đất nước kể cả người trong nước và ngoài nước”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Lấy ví dụ từ những tâm tư của người Việt Nam ở nước ngoài muốn tham gia vào xây dựng đất nước và mong muốn là đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng ở đây có vai trò của Mặt trận rất quan trọng trong việc kết nối người Việt Nam trong và ngoài nước, kêu gọi, tập hợp để hiện thực hóa tinh thần đại đoàn kết. Nghị quyết 12 của Đảng cũng đề cập đến việc Mặt trận tạo sinh lực mới cho đại đoàn kết dân tộc, bà Trương Thị Mai cho rằng, nhiệm kỳ đại hội còn 3 năm, chính vì vậy Mặt trận cần tiếp tục tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, vừa qua Ban Bí thư đã thảo luận chỉ thị chỉ đạo Đại hội Mặt trận nhiệm kỳ tới với mong muốn Mặt trận cần làm sáng tỏ tinh thần đã được ghi nhận tại Điều 6 Hiến pháp 2013. Đó là việc nhân dân phải thực hiện quyền lực nhà nước để từ đó minh chứng cho việc Mặt trận là quyền lực mang tính chất xã hội quan trọng và tạo điều kiện quan trọng cho nhân dân tham gia.

“Hiến pháp 2013 đã tiếp tục đưa các tinh thần liên quan đến Mặt trận nhất là việc giám sát phản biện xã hội, đặc biệt tại chương 2 của Hiến pháp 2013, lần đầu tiên nêu đủ quyền con người, quyền công dân. Nếu Mặt trận gắn với những vấn đề lớn của Hiến pháp thì Mặt trận có thêm điều kiện quan tâm tới cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân”, bà Trương Thị Mai khẳng định.

Đề cập đến những văn bản mới của Đảng liên quan đến Mặt trận, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần quan tâm tới việc tăng cường thông tin tới các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch các văn bản mới của Đảng. Cụ thể, trong tháng 10/2017, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 99 hướng dẫn cấp ủy và tổ chức Đảng phát huy vai trò của nhân dân. Muốn như vậy cấp ủy và tổ chức Đảng cần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân. Hướng dẫn này cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng phải công khai cho nhân dân biết.

“Quá trình giám sát của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam phải được xem xét và xử lý từ đó phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đề cập đến một số văn bản chuẩn bị ban hành về cơ chế giám sát cá nhân là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên trong việc thực hiện, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bà Trương Thị Mai cho rằng văn bản này là một bước hiện thực hóa việc giám sát cá nhân để triển khai tiếp tục công việc liên quan đến phòng, chống tham nhũng, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5.

Nghị quyết Trung ương 6 liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy trong việc tinh gọn, hiệu quả. Theo bà Trương Thị Mai, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 đối với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để giảm hành chính hóa với mong muốn gần dân, sát dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. “Tôi mong Mặt trận tập trung nghiên cứu và triển khai đồng bộ vấn đề này”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định.

Trong năm 2018, một trong những nhiệm vụ quan trọng là sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218. Đây là hai quyết định quan trọng, góp phần thúc đẩy vai trò của Mặt trận, cùng với Nghị quyết 403 quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. “Từ đây đòi hỏi cán bộ làm công tác giám sát phản biện phải có năng lực, bản lĩnh, có trách nhiệm cao cho nên tôi tin tưởng Quyết định 217, 218 sẽ có bước tiến xa hơn”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng ban Dân vận Trung ương, vấn đề quan tâm của Mặt trận chính là cuộc sống của nhân dân và làm sao phát huy được vai trò của nhân dân trong quá trình phát triển đất nước. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cùng các thành viên khác đang đứng trước cơ hội bảo vệ đời sống nhân dân nhưng cũng đứng trước thách thức lớn đó chính là sự phân hóa giàu nghèo.

“Sự phân hóa giàu nghèo của một đất nước đang phát triển là một vấn đề lớn, vì hiện nay cuộc sống mặc dù tốt hơn nhưng vẫn còn một số bộ phận nhân dân bị đẩy lại phía sau. Chính vì vậy nếu ko giải quyết được phân hóa giàu nghèo thì không thể tạo được công bằng, đồng thuận trọng xã hội”, bà Trương Thị Mai khẳng định. Theo đó cần phải quan tâm đến chính sách an sinh xã hội và giải quyết rủi ro cho người dân, trong đó lương hưu, bảo hiểm y tế chính là giải pháp để giải quyết rủi ro. “Thách thức về phân hóa giàu nghèo, an sinh xã hội chính là vấn đề đặt ra với người dân và Mặt trận tiếp tục dành sự quan tâm thực tâm, thiết thực chính là cách để Mặt trận khẳng định khối đại đoàn kết”, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Khẳng định yêu cầu của nhân dân, của Đảng với Mặt trận rất lớn, bà Trương Thị Mai tin tưởng, Mặt trận sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò của mình với nhân dân.

* Chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, Đảng và Nhà nước đang thực hiện công tác tăng cường khối đại đoàn kết để phát triển đất nước, trong khối đại đoàn kết đó có kiều bào ta ở nước ngoài.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 2

Ông Nguyễn Phú Bình phát biểu tại Hội nghị.

Tháng 5/2017, có một việt kiều ở San Jose (California, Hoa Kỳ) đề nghị xây dựng đền Hùng ở hải ngoại để bà con kiều bào có nơi viếng vua Hùng, giúp bà con hướng về cội nguồn dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Nguyễn Phú Bình cho rằng, đây là đề nghị rất ý nghĩa, giúp cho cộng đồng ta ở hải ngoại hướng về cội nguồn.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 3

Ông Nguyễn Hữu Tú phát biểu tại Hội nghị.

* Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, những người làm công tác Mặt trận nên là người có thâm niên, có kinh nghiệm, thậm chí là công chức viên chức đã nghỉ hưu, có thời gian, có tâm huyết, dám nói thì mới có hiệu quả tốt.

Ông Tú cũng đề nghị, ít nhất có một thành viên trong Đoàn Chủ tịch tham gia một Hội đồng tư vấn, thông qua các cuộc họp của Mặt trận, các ủy viên sẽ góp ý được rất nhiều cho Hội đồng tư vấn.

Thông qua ưu thế của Mặt trận, vai trò của nhân dân được phát huy

* Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Mặt trận có vai trò quan trọng trong hiệp thương dân chủ trong đó coi trọng vai trò của các tổ chức thành viên. Nếu hiệp thương càng kỹ thì càng phát huy được sức mạnh của các tổ chức thành viên.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 4

Ông Lê Truyền phát biểu tại Hội nghị.

Nêu lên vấn đề công tác phòng chống tham nhũng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của nhân dân, ông Lê Truyền cho rằng, Mặt trận cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này. Theo ông Truyền, cần một số việc cụ thể để đáp ứng yêu cầu của phòng, chống tham nhũng, như việc giám sát độ trung thực của cán bộ, đảng viên trong kê khai, giải trình. Nếu làm tốt điều này sẽ giảm thiểu được tối đa tình trạng tham nhũng, việc trung thực trong kê khai và giải trình sẽ thanh lọc được tham nhũng.

“Mặt trận phải kiểm soát được quyền lực, thông qua nguyện vọng của nhân dân, tập hợp lại sẽ thành áp lực chống tham nhũng và từ đó phát huy sức mạnh của nhân dân trong phòng chống tham nhũng. Mặt trận cũng cần lên tiếng bảo vệ những người chống tham nhũng, phải tìm những cái thiết thực, khả thi, thông qua ưu thế của Mặt trận thì vai trò của nhân dân được phát huy”, ông Lê Truyền nhấn mạnh.

Không nên công chức hóa cán bộ Mặt trận

* Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 tiếp tục phiên làm việc buổi chiều với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu.

Theo nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, hội nghị lần này có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, trên tinh thần tiếp thu Nghị quyết Trung ương 6 kiện toàn bộ máy chính trị theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả, gắn với đại hội Mặt trận các cấp. Nhưng việc Mặt trận có hoạt động hiệu quả hay không một phần phụ thuộc vào đổi mới hình thức và phần lớn tùy thuộc vào sự quan tâm của Đảng, cấp ủy, chính quyền.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 5

Ông Huỳnh Đảm phát biểu tại Hội nghị.

Nơi nào mà Đảng quan tâm thì nơi đó có nhân tố phát triển. Bởi không ít nơi, nhận thức của cấp ủy chưa đầy đủ.

Ông Huỳnh Đảm cho rằng, chưa có thời kỳ nào mà cương lĩnh đầy đủ về việc tăng cường vai trò của Mặt trận như hiện nay. Vì vậy muốn phát huy vai trò của Mặt trận trong thời kỳ mới phụ thuộc vào việc cấp ủy Đảng nhận thức sâu sắc về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của Mặt trận như thế nào. Cương lĩnh, nghị quyết, thể chế được cụ thể hóa là đội ngũ cán bộ Mặt trận, cán bộ Mặt trận phải có tâm, có tầm, có bản lĩnh, Ủy ban MTTQ các cấp phải có các đại diện tiêu biểu của các giai tầng trong xã hội. Đồng thời, cấp ủy Đảng các cấp phải quan tâm đến đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, cán bộ Mặt trận phải có tâm huyết để đi thuyết phục, vận động được nhân dân. Chăm lo cơ cấu cán bộ Mặt trận tại khu dân cư thông qua các cụ, các vị thì phong trào, cuộc vận động mới thực sự có hiệu quả.

Bàn về công tác cán bộ, tinh gọn bộ máy, theo nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm, không nên công chức hóa, hình thức hóa đội ngũ cán bộ Mặt trận vì Chủ tịch Mặt trận xã, phường gắn bó cộng đồng dân cư phải có kinh nghiệm, uy tín mới thực sự thuyết phục được nhân dân.

“Theo tôi, Chủ tịch Mặt trận không nên là trưởng ban dân vận kiêm nhiệm. Vì muốn phát huy được vai trò của Mặt trận đúng nghĩa là cơ quan đại diện, tiêu biểu cho các giai tầng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân nếu không được độc lập thì làm sao thực hiện tốt vai trò chính trị, cũng như không triệt tiêu vai trò của nhau, không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Huỳnh Đảm khẳng định. Nguyên Chủ tịch Mặt trận Huỳnh Đảm cũng nhấn mạnh, trong hệ thống chính trị có nhiều tổ chức có thể ghép lại nhưng có nhiều tổ chức không thể ghép lại được vì nó mang tính nguyên tắc.

Nhắc tới việc chưa ban hành quy chế làm việc giữa Ban bí thư và Mặt trận, ông Huỳnh Đảm cho rằng, Mặt trận cần kiến nghị vì theo điều lệ Mặt trận, Đảng vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo, cần phải kê ra trách nhiệm là thành viên và người lãnh đạo của Đảng với Mặt trận như thế nào.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 6

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Khẳng định mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận

* Đánh giá cao nhiều hoạt động của Mặt trận trong năm 2017, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng, trong công tác phối hợp giữa Mặt trận với Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các tổ chức đoàn thể đã tích cực hơn để thể hiện rõ năm 2017 có bước phát triển mới và là nền tảng để tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu trong năm 2018.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, Mặt trận và các tổ chức trong mỗi giai đoạn có những yêu cầu khác, có những nhận thức khác, khi có quyết sách đúng phải khẳng định được sự tham gia của nhân dân, sức mạnh của nhân dân.

Đặc biệt, Mặt trận phải phát huy vai trò của Đảng giao cho trong việc giám sát và thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói.

“Do vậy, không cần phải chờ văn bản mới làm mà phải tỏ thái độ phản biện trước các vấn đề mà Đảng chưa giao phó. Văn bản quy phạm của Đảng là cần nhưng việc làm của chúng ta phải phát hiện sự việc để bảo vệ cho Đảng”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

Ông Duyệt cũng khẳng định, Mặt trận cần có thái độ nghiêm túc trong thực hiện đường lối của Đảng, có ý thức trách nhiệm cao trong chỉnh đốn Đảng.

“Mặt trận có 46 tổ chức thành viên, nên Mặt trận là nơi tập hợp tiếng nói của các tổ chức thì sẽ giúp cho Đảng hiểu được lòng dân để từ đó tiếp tục chỉnh đốn Đảng, cải cách thủ tục hành chính để giúp Đảng gần dân hơn”, nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

Trong phương thức hoạt động của Mặt trận, ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng, cần thể hiện tiếng nói của dân chứ không phải chỉ truyền đạt ý kiến của Đảng. Dân nghĩ gì và nói gì thì Mặt trận phải mạnh dạn phản ánh với Đảng, phải thể hiện rõ được tiếng nói của Mặt trận.

Nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt cũng bày tỏ mong muốn, Đảng là thành viên của Mặt trận từ đó khẳng định mối quan hệ của Đảng với Mặt trận. Cùng với phản biện của Mặt trận sẽ giúp Đảng khẳng định mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận, giúp cho Đảng quán xuyến các vụ việc ở cơ sở.

Cũng theo ông Phạm Thế Duyệt, cần đổi mới thành viên của Đoàn Chủ tịch, phải đưa số lượng ngoài Đảng, các vị chức sắc tiêu biểu vào Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đa dạng hơn tiếng nói.

Khẳng định sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận, theo ông Phạm Thế Duyệt cần phải huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để về xây dựng và đóng góp cho đất nước.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 7

Giáo sư Đỗ Quang Hưng phát biểu tại Hội nghị.

* Bàn về vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo cho rằng, vấn đề tham nhũng đất đai hiện nay rất nóng và phổ biến, trong bối cảnh đó, Luật Mặt trận ra đời ít nhiều cũng có những tác động quan trọng. Tuy nhiên, Giáo sư Hưng cũng cho rằng, trong giám sát, việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân cần phải gắn với phản biện. “Phản biện đôi khi còn quan trọng hơn cả giám sát”, ông Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo, tham nhũng đã là vấn nạn nên chương trình hành động của Mặt trận phải có quan điểm nhất định, nên có góc nhìn của Mặt trận thì chương trình hành động mới tốt hơn.

“Khi tham gia xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng, tôi đề nghị Mặt trận không chỉ góp ý mà còn tham gia ban hành, như vậy mới trọn vẹn”, ông Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 8

Ông Nguyễn Nam Tiến phát biểu tại Hội nghị.

* Khẳng định nhiều hoạt động của Mặt trận trong năm 2017 có nhiều nổi bật, tuy nhiên ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng ở một số nơi tình hình tư tưởng nhân dân chưa ổn định, ở một vài chỗ nào đấy cơ chế phối hợp vẫn chưa rõ ràng. Chính vì vậy cần phải làm rõ trách nhiệm của phối hợp ở đâu, chỗ nào để triển khai cụ thể được các chương trình.

“Cơ chế chống tham nhũng cần phải làm rõ việc giám sát chính quyền ở nơi cư trú. Ông trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư và các tổ chức thành viên có giám sát được không khi mà những người tham nhũng lại ở các công ty, tập đoàn chứ không phải ở khu dân cư”, ông Nguyễn Nam Tiến nhấn mạnh.

Góp ý về đề án đại hội, ông Tiến đề nghị tăng thêm số lượng ủy viên Ủy ban cấp xã. Tuy nhiên, theo ông Tiến, hướng về cơ sở phải là nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy viên Ủy ban để đảm bảo được chất lượng hoạt động và phát huy được vai trò của mỗi ủy viên Ủy ban.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 9

Ông Hà Văn Núi phát biểu tại Hội nghị.

Mặt trận tham gia sắp xếp tinh gọn bộ máy

* Nêu lên những tâm tư của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, hiện một phần lớn nhân dân vẫn còn băn khoăn tại sao tham nhũng lại tràn lan như vậy. Một trong những lỗi là sự cồng kềnh, chồng chéo trong hệ thống, chính vì vậy khi vấn đề nảy sinh thì chưa xác định rõ được cơ quan nào sẽ là nơi xử lý.

Theo ông Núi, nên chăng cần tập trung bàn sâu về việc sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn và Mặt trận cùng tham gia vào vấn đề này.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 10

Ông Nguyễn Túc phát biểu tại Hội nghị.

* Tại hội nghị, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá - Xã hội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt được và chưa được trong hoạt động của Mặt trận năm 2017. Theo ông Túc, báo cáo cần sát với thực tiễn, cái gì làm được thì viết đúng, cái gì chưa làm được cũng cần nói hết, nói rõ để tìm giải pháp khắc phục, nhằm phát huy tốt vai trò nhiệm vụ của Mặt trận.

Trong năm qua, ông Túc cho rằng, điều mà người dân nhìn thấy rõ nét nhất ở Mặt trận là công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, vấn đề an sinh, hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai. Về công tác giám sát, phản biện xã hội bước đầu đang có nhiều tín hiệu tốt tuy nhiên Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá - Xã hội cũng khẳng định đây là nhiệm vụ rất khó do gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật.

Ông Nguyễn Túc đề nghị, trong năm 2018 việc giám sát, phản biện cần thực hiện đúng với khả năng của mình và phù hợp hơn với nhận thức của các cơ quan cấp trên.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp - 11

Ông Hoàng Mạnh Thắng phát biểu tại Hội nghị.

* Chia sẻ với hội nghị, ông Hoàng Mạnh Thắng, Chủ tịch Liên hiệp người Việt Nam ở Châu Âu cho biết, thông qua tổ chức hội đoàn của người Việt tại các nước sở tại, công tác đối ngoại nhân dân được triển khai mạnh mẽ và mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là một đại sứ quảng bá văn hóa Việt Nam tới nước sở tại.

Ông Thắng cũng cho biết, công tác đối ngoại nhân dân thông qua cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt, từ đó khẳng định vị thế của cộng đồng người Việt Nam và củng cố mối quan hệ của cộng đồng người Việt Nam tại nước sở tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13 thành công tốt đẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO