'Kho báu' Ma Ka trên vùng sỏi đá

Điền Bắc 19/10/2018 07:30

Từ quả đồi trọc thoai thoải như bát úp mọc đầy sim, mua… cằn cỗi, nay đồi Ma Ka trở thành “kho báu”, mỗi năm đưa về doanh thu 15 tỷ đồng, tạo việc làm lúc cao nhất cho 12 lao động quanh vùng. Chủ nhân “kho báu” ấy là ông Đặng Anh Tuấn, trú tại xóm 7 xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).

'Kho báu' Ma Ka trên vùng sỏi đá

Lão nông Đặng Anh Tuấn bên “kho báu” của mình.

Quê gốc của ông Tuấn ở Xuân Sơn, huyện Đô Lương, thế nên khi rời quân ngũ năm 1994, ông Tuấn cùng vợ về quê lập nghiệp với hai bàn tay trắng.

Thấy mình không có khả năng buôn bán nên ông bàn với vợ mua hẳn vùng đất hoang Ma Ka rộng 20,5 ha để lập nghiệp. Có đất, suốt một năm ròng, máy móc cứ thế ầm vang cả vùng. Hết san đồi, rồi đào ao, đắp bờ, xẻ mương thoát nước… gia đình ông làm quần quật bất kể thời tiết mưa nắng. Ông kể: “Ban đầu nghĩ dễ thu nhập, năm 1995, tôi cho trồng 10ha nhãn lồng Hưng Yên. Suốt ba năm chăm bẵm, nhãn mới cho quả bói nhưng thấy không ăn thua nên đã chặt bỏ gần hết, chỉ để lại chừng 1ha”.

Sau đợt “bể” vì nhãn, ông Tuấn quay sang đào 1 ha ao thả cá giò, nuôi gà lấy phân bón cho cây, trồng keo lai và thuê đất mở 16 lò ấp gà, vịt giống tại các huyện lân cận như Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ… Công việc làm ăn đang trên đà thuận lợi, năm 2003, dịch cúm gia cầm xảy ra trên diện rộng khiến ông Tuấn lỗ nặng. Mân mê chiếc mũ trong tay, giọng ông bùi ngùi: “Hàng ngàn con gà, vịt giống và hàng chục ngàn quả trứng gia cầm phải tiêu hủy mà như đứt từng khúc ruột. Sau đợt dịch, lò ấp cũng tiêu tan luôn”.

Không nản chí, ông tiếp tục thế chấp đất đai vay vốn ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đầu tư chuồng trại theo hướng công nghiệp chăn nuôi lợn thịt và lợn giống nhập ngoại.

Từ năm 2004-2010, nhờ chăn nuôi thuận lợi, ông Tuấn phất lên như diều gặp gió. Có thời điểm, trang trại của ông nuôi 200 lợn nái, 2.000 lợn thịt, 1.000 lợn con. Điều rất đặc biệt, các con lợn đều được đánh mã số ở tai để thuận tiện theo dõi và truy xuất nguồn gốc. Quy mô chăn nuôi ngày càng mở rộng nên vấn đề môi trường là trở ngại rất lớn. Lường trước vấn đề ô nhiễm do chất thải chăn nuôi quá lớn, năm 2011, ông Tuấn đầu tư đưa đệm lót sinh học và xây dựng bể phốt bioga xử lý chất thải. Từ ngày áp dụng đệm lót sinh học, chuồng trại sạch sẽ và gần như không có mùi hôi thối, dù đứng trong khu vực chăn nuôi với số lượng hàng ngàn con lợn. Theo ông Tuấn, để đảm bảo môi trường, bí quyết mang tính quyết định là phải xử lý tốt thức ăn cho lợn.

Rời khu chăn nuôi lợn, ông Tuấn dẫn tôi tham quan vườn cây ăn quả rộng mấy ha. Đâu ra đấy, chỗ này là 1ha thanh long ruột đỏ, kia là 1ha bưởi da xanh, bưởi diễn, quýt ngọt…Từ 20,5 ha ban đầu, ông Tuấn nhượng lại cho người thân 5ha làm trang trại chăn nuôi gà. Hiện ông Tuấn đang sở hữu 15,5 ha, trong đó có 10 ha rừng, 2 ha xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi và nhà kho, nhà ở, 3ha gồm nhãn vải, thanh long, bưởi, cam, quýt…

Hiện tại, mỗi năm, hết lứa này đến lứa khác, ông Tuấn thu lợi 300-400 triệu đồng từ bán gỗ keo lai, 150-200 triệu đồng từ bán quả thanh long và hàng chục tấn lợn giống, lợn thịt… Ông Tuấn cười tươi: “Tính ra, mỗi năm thu lợi 1-2 tỷ đồng từ trang trại Ma Ka. Sản phẩm thanh long ruột đỏ đã được chứng nhận VietGAP năm 2017 và 80% đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch ở TP Vinh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Kho báu' Ma Ka trên vùng sỏi đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO