Xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận

Lê Na – Trung Hiếu  Ảnh: Quang Vinh 13/03/2019 18:26

Tinh thần đó được ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đặt ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2019 tại Hà Nội ngày 13/3. Vì có như vậy, cán bộ Mặt trận mới có thể giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài cùng 2.256 đại biểu từ 63 điểm cầu trên cả nước.

Quyết tâm tạo sự đổi mới

Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2019 diễn ra vào thời điểm đại hội Mặt trận cấp xã, phường thị trấn đang diễn ra sôi nổi, nhiều nơi đã bắt đầu tổ chức đại hội điểm cấp quận, huyện làm tiền đề chuẩn bị cho đại hội Mặt trận cấp tỉnh tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX vào tháng 9 năm nay.

Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng được phần lớn các đại biểu đóng góp ý kiến tại rất nhiều điểm cầu là công tác chuẩn bị cho đại hội.

Với quyết tâm tạo sự đổi mới trong triển khai công tác tổ chức Đại hội MTTQ các cấp, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình tổ chức Đại hội, thành phố tập trung vào văn kiện Đại hội thể hiện đây là đợt chính trị sâu rộng trong toàn dân, thể hiện ý chí nguyện vọng toàn dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việc chuẩn bị về đề án nhân sự đảm bảo tính thiết thực, đại diện và tính tiêu biểu. Thành phố cũng có những công trình thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Từ thực tiễn của địa phương, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị trong sắp xếp, tổ chức cán bộ, cần tiếp tục triển khai việc luân chuyển cán bộ Mặt trận qua cơ quan Đảng, chính quyền và ngược lại, để đây là tiền đề quan trọng đào tạo đội ngũ cán bộ bản lĩnh, tạo sự chuyển biến và đổi mới trong hệ thống Mặt trận.

Chia sẻ về kết quả triển khai Đại hội, bà Phạm Thị Tuyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên cho biết, quá trình tổ chức Đại hội MTTQ các cấp, tỉnh Hưng Yên rất thuận lợi, không gặp khó khăn.

Đơn cử như kinh phí tổ chức Đại hội, MTTQ tỉnh đã tham mưu sớm để kinh phí tổ chức Đại hội được ghi vào kế hoạch ngân sách năm 2019 của tỉnh. Theo đó cấp xã được tỉnh phân bổ 40 triệu; huyện 100 triệu; tỉnh 800 triệu đồng; bên cạnh đó tùy tình hình thực tế mỗi địa phương có hỗ trợ thêm để tổ chức Đại hội thành công.

Bà Tuyến cũng thông tin đến nay đã có 70% số xã và 2 huyện đã hoàn thành xong đại hội cấp xã là Yên Mỹ và Văn Lâm. Dự kiến chậm nhất trong 25/3, sẽ hoàn thành đại hội cấp xã và từ ngày 15-20/4 sẽ tổ chức Đại hội điểm ở TP Hưng Yên để rút kinh nghiệm và tiến hành đồng loạt trong tháng 5/2019.

Qua thực hiện đại hội cấp xã có những huyện 14 xã thì có đến 13 xã Chủ tịch Ủy ban MTTQ là Thường vụ cấp ủy. Nhiều đồng chí là Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn rất tự nguyện để giới thiệu Đại hội hiệp thương cử làm Chủ tịch Mặt trận.

Chủ động khắc phục những khó khăn

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít khó khăn đã được gửi về từ cơ sở qua các điểm cầu.

Ông Bùi Duy Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay tại Kon Tum vẫn đang xảy ra một số việc tranh chấp đất đai giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các tập đoàn, đặc biệt là tập đoàn cao su.

Trong bối cảnh đó, Mặt trận tỉnh đã xây dựng một đề án liên quan đến xây dựng đội ngũ cốt cán trong tôn giáo cũng như những chính sách đối với lực lượng này nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo, dân tộc.

Tuy nhiên, 2 năm đã trôi qua, dù kinh phí đã có nhưng do Chính phủ chưa hoàn thiện chính sách về phát huy vai trò của người tiêu biểu trong tôn giáo nên hiện vẫn không có cơ chế chi hỗ trợ cho lực lượng này, điều đó khiến cho đề án không phát huy được tác dụng như mong muốn.

“Trong những năm qua, chúng tôi mất rất nhiều thời gian, tâm sức đi về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hoàn thiện cho đề án này”, ông Chung chia sẻ.

Cũng liên quan đến cơ chế, chính sách, ông Bùi Duy Chung đề cập tới chế độ tiền điện thoại cho Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở Kon Tum được nhận 200 nghìn đồng/ tháng.

Tuy nhiên, do chưa có trong quy định nên toàn bộ số tiền trên đã phải truy thu lại. Trong khi đó, cán bộ cùng cấp bên các ban Đảng ở tỉnh Kon Tum lại được nhận chế độ này. Chưa kể nhiều năm qua, đi công tác cơ sở, cán bộ Mặt trận đều phải tự bỏ tiền túi.

Chia sẻ với những khó khăn từ cơ sở, tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cùng các Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng đã tiếp thu và giải đáp một số nội dung liên quan đến việc triển khai các phong trào, cuộc vận động, thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; công tác tổ chức Đại hội MTTQ các cấp cũng như một số cơ chế, chính sách cho cán bộ Mặt trận…

Theo đó, tinh thần chủ động khắc phục những khó khăn để quyết liệt hơn, sáng tạo hơn đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ưu tiên trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện trong hệ thống Mặt trận năm 2019.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Ghi nhận ý kiến của đại biểu từ các điểm cầu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, Mặt trận các cấp cần bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm và 9 giải pháp đề ra để chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ trong năm 2019.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, đối với công tác Mặt trận năm 2019, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, MTTQ các cấp cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt để chỉ đạo thành công Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 vào tháng 9/2019.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cán bộ Mặt trận các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận phát động. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp phải tập trung vào các chương trình giám sát, phản biện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Trong công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu Mặt trận các cấp cần bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, đảm bảo bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ Mặt trận trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, việc bố trí, điều động và luân chuyển cán bộ làm công tác Mặt trận phải là những người có đức, có tài, không vi phạm kỷ luật tại địa phương.

“Cán bộ Mặt trận phải gương mẫu, giữ kỷ luật, kỷ cương, phải nêu gương để xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận chuẩn mực. Có như vậy mỗi người cán bộ Mặt trận mới có thể giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Hiện Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tập trung chuẩn bị chu đáo về nội dung, điều kiện để tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp theo Chỉ thị số 17, Thông tri số 28. Đảm bảo tiến độ, chất lượng tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam theo yêu cầu: cấp xã hoàn thành xong 100%, trong quý I/2019; cấp huyện hoàn thành trong tháng 5/2019, cấp tỉnh hoàn thành trong tháng 7/2019. Đến nay, cả nước đã có 8.298/11.159 xã, phường, thị trấn đã tổ chức Đại hội; cấp huyện đã có 19/712 đơn vị tổ chức Đại hội điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO