Người nối mạch gốm truyền thống Việt

Phạm Sỹ 04/05/2021 08:00

Nghệ nhân Nguyễn Văn Toán được giới trong nghề và người chơi gốm đánh giá là “phù thủy men”. Ông được coi là người góp công lớn trong duy trì mạch gốm truyền thống Việt. Cả cuộc đời ông say mê, dành trọn tình yêu với đất và lửa. Ông luôn tuân thủ nguyên tắc chế tác độc bản theo lối thủ công.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Toán.

Nơi ở cũng đồng thời là xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Văn Toán nằm trong một ngõ nhỏ, phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Mặc dù đang bận rộn với các tác phẩm được đặt hàng, nhưng ông vẫn niềm nở dành thời gian để chia sẻ những câu chuyện về niềm đam mê mà ông đang theo đuổi suốt cả cuộc đời. Từ những câu chuyện về hành trình theo đuổi nghề gốm, có thể nhận thấy tình cảm mà ông dành cho gốm Việt. Đó là thứ tình cảm xuất phát từ đáy lòng, một niềm đam mê thực sự. Năm nay đã ở cái tuổi gần 80 nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, ông luôn cần mẫn bên chiếc bàn xoay.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Toán sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông là người làng Thanh Nhàn, nhà dưới chân đê Ô Cầu Dền. Có lẽ vì thế mà người ta gọi ông với cái tên thân thuộc, bình dị là “Toán Đầu Ô”. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống sưu tầm, chơi đồ cổ. Chính vì thế mà từ nhỏ ông đã có điều kiện để tiếp cận học hỏi cách thẩm định đồ cổ của nhiều vị tiền bối. Cùng với quá trình giao tiếp, học hỏi đã giúp ông có được một nền tảng kiến thức trong cái nhìn thẩm mĩ.

Cũng bởi có cơ hội tiếp xúc với nhiều cổ vật, trong đó có cả đồ cổ bằng gốm nên ông nắm rõ những đặc tính của các hiện vật gốm Việt qua nhiều giai đoạn lịch sử. Ông tự nghiên cứu, học hỏi và giao lưu với các lò gốm đương thời khi bắt đầu dựng lò.

Thời gian đầu khi bắt tay vào nghề gốm, ông đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Có thời điểm ông đã phải bán đi những cổ vật giá trị mà ông cất công sưu tầm: “Ban đầu thì mày mò, tìm hiểu và tự xây lò để đốt. Khi đó nhiều người can ngăn nhưng vì đam mê nên làm thôi. Thực ra ngày ấy chú phải bán rất nhiều đồ cổ đi để lấy vốn. Phải tự mình bỏ ra thì mình mới xót, mới làm”.

Những ngày đầu làm quen với gốm ông mày mò thực hành theo các thao tác của người làm gốm xưa, nhiều lần thất bại nhưng không làm ông nản chí. Mỗi lần vấp ngã là một lần ông đúc kết ra những kinh nghiệm quý báu cho riêng mình. Và sau này, những tác phẩm gốm của các triều đại Lý, Trần, Lê… được làm từ đôi bàn tay của người nghệ sĩ này đã khiến cho giới chơi cổ ngoạn sửng sốt bởi độ tinh tế từ tạo hình, hoa văn và màu men.

Ông kể, nhiều lúc sản phẩm ra lò phát hiện bị hỏng, khi đó có chút buồn nhưng phải nhanh chóng trở lại trạng thái để bắt tay làm lại để kịp trả hàng cho khách hàng. Với ông tất cả đều không thể hoàn hảo và những thất bại đó như một bài học để đúc kết kinh nghiệm.

Bén duyên với gốm từ năm 30 tuổi, đến nay đã gần 50 năm gắn bó với nghề, cho ra đời với nhiều sản phẩm nhưng trong nhà của người nghệ nhân Nguyễn Văn Toán không có nhiều tác phẩm để trưng bày. Bởi nhẽ, những sản phẩm ông làm ra chưa kịp nguội người chơi đã tìm đến để mua. Những sản phẩm được làm ra từ đôi bàn tay của ông lan tỏa đi khắp nơi, nhiều sản phẩm vươn xa tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Một tác phẩm gốm của nghệ nhân Nguyễn Văn Toán.

Gần 50 năm, hàng nghìn tác phẩm ra đời, đa dạng trong chủ đề, độc đáo về màu men, ông quan niệm: “Gốm Việt không hấp dẫn từ cái nhìn đầu tiên, mà gốm Việt có vẻ đẹp tiềm ẩn. Muốn khám phá vẻ đẹp đó cần phải có thời gian quan sát, phải bỏ công sức để tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của từng giai đoạn. Gốm Việt hướng tới sự thư thái, không ràng buộc bởi quy phạm, không bị áp đặt, là tinh thần phóng khoáng và tự do trong biểu hiện”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc là một người có thú vui thích sưu tầm những sản phẩm gốm mang hình con vật ứng với tuổi con giáp. Ông cũng là một người hiểu và biết rõ về con người cũng như tay nghề của nghệ sĩ Nguyễn Văn Toán, ông chia sẻ: “Tôi không dám so sánh nghệ nhân Nguyễn Văn Toán với bất kỳ ai nhưng phải thừa nhận ở anh có những nét đặc sắc mà không ai có thể đọ nổi. Vì thế mà mọi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về tạo hình gốm của anh. Cuộc đời anh Toán không làm một cái sản phẩm nào giống nhau, số lượng không biết là bao nhiêu nhưng đều là đơn chiếc”.

Có thể nói, nghệ nhân Nguyễn Văn Toán đã góp phần duy trì, nối tiếp dòng chảy của mạch gốm truyền thống Việt. Tuy vậy chúng ta hiếm khi bắt gặp những bài viết, thông tin về ông bởi ông luôn cho rằng: “Mình là người làm nghề thì hãy làm tốt công việc của mình, không cần phải ồn ào”.

Mới đây, Hội quán Di sản đã phát hành ấn bản sách gốm “Người nối mạch gốm Việt - Toán Đầu Ô”. Đây là ấn bản đầu tiên do Hội Quán Di Sản phát hành. Cuốn sách này nhằm tôn vinh nghệ sĩ Nguyễn Văn Toán - người đã dành cả cuộc đời với đất và lửa đưa Gốm Việt đến với nhiều nhà sưu tập quốc tế.

“Tôi nghĩ cuốn sách này sẽ góp phần lưu lại dấu ấn rộng lớn hơn đối với sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Toán, một con người rất khiêm nhường, cần cù nhưng thể hiện trong những sản phẩm lại cho thấy được sự đa dạng về tính cách” - ông Dương Trung Quốc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nối mạch gốm truyền thống Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO