Người Pa Cô cuối cùng chế tạo nỏ

Trang Hạ 17/06/2015 10:22

Những chiếc nỏ, một thời được đồng bào dân tộc vùng cao sử dụng để săn bắn thú rừng, diệt giặc ngoại xâm. Nhưng hiện nay, những chiếc nỏ đang dần mất đi và còn rất ít người biết cách chế tạo nó. Tại thôn 3, xã Hồng Tiến, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên -Huế giờ chỉ còn một người biết làm nỏ, đó là già làng Cu Lim, năm nay đã 83 tuổi.

Người Pa Cô cuối cùng chế tạo nỏ

Già làng Cu Lim

Đối với người Pa Cô xưa thì nỏ là vật bất ly thân, luôn được đồng bào mang đeo bên mình khi vào rừng. Nhưng cứ theo lời già Cu Lim thì ngày nay, rất ít người biết cách chế tạo một cây nỏ hoàn chỉnh. Ông bảo, để làm được một chiếc nỏ dùng săn bắn thú rừng, hạ được gấu là một công đoạn dài. Vừa nói, già Cu Lim lấy cho chúng tôi xem những cây nỏ mà trước đây ông chế tạo ra để đi săn thú rừng. Nhìn vào chiếc nỏ rất chắc chắn, già Cu Lim cho hay: Thân nỏ là bộ phận quan trọng của cây nỏ, để tạo nên một thân nỏ chắc chắn, thì người làm nỏ phải vào rừng chọn thân cây dẻ rừng lâu năm, sau đó, về phơi khô trên giàn bếp, sau đó bào cho thẳng. Còn cánh nỏ thì phải dùng thân cây trầm na mới chắc chắn, lại có độ dẻo.

Trầm na khi được mang từ rừng về phải phơi 2 năm ở trên giàn bếp, sau đó mới được sử dụng. Những cánh nỏ được làm từ cây trầm na nào không được thẳng thì phải uốn lại cho thẳng, hai bên cung phải đều nhau. Nếu cánh cung của nỏ không đều nhau, bên to bên nhỏ thì nỏ bắn không chính xác. Bên cạnh việc chọn thân nỏ, cánh nỏ thì công việc chọn dây nỏ là yếu tố quyết định đến sự hiệu quả của nỏ. Để có dây nỏ chắc chắn, tạo nên độ căng cần thiết thì phải dùng vỏ của cây gai phơi khô, sau đó kết lại thành một sợi dây hoàn chỉnh. Còn mũi tên của nỏ phải được vót từ những cây tre lồ ô không già quá, mà cũng không non quá. Các mũi tên phải vót thật thẳng, khi đó đường bắn mũi tên mới chính xác. Chính những công đoạn quá kỳ công như vậy nên ít người đam mê việc làm nỏ này lắm.

Là một loại vũ khí thô sơ truyền thống lâu đời của đồng bào Pa Cô, có thể xem nỏ là một báu vật của ông cha để lại nhưng nó đang có nguy cơ mất đi khi không có ai biết cách làm thành một cây nỏ hoàn chỉnh như già làng Cu Lim.

“Ngày xưa, ba tôi chính là người tập cho tôi biết cách làm nỏ truyền thống của người Pa Cô để đi săn thú rừng. Để làm được nỏ của người Pa Cô thì phải là người siêng mới làm được bởi nó tỉ mỉ từng công đoạn, không làm qua loa được”. Già làng kể và chia sẻ thêm: “Tôi chỉ mong giữ lại được những nét đẹp truyền thống của ông cha ngày trước để lại”. Chính vì vậy, mà hễ thanh niên nào trong xã muốn học cách làm nỏ già đều tận tâm chỉ dạy, nhưng chẳng mấy ai làm được nỏ hoàn chỉnh, vì các công đoạn làm nỏ quá tỉ mỉ. Anh Thắng, xã Hồng Tiến cho biết: Mỗi lần hội thao quân sự về thi bắn cung, nỏ, xã đội chúng tôi lại lên nhà già làng Cu Lim mượn các cây nỏ của ông để đi thi. Những chiếc nỏ mà già làng Cu Lim làm ra rất chắc chắn, dây cung mỗi lần kéo ra rất căng, không phải ai cũng có thể sử dụng được. “Ngày trước mỗi chiếc nỏ mà già làng Cu Lim làm ra, dân làng phải đến mua cả khâu vàng” - bà Trần Thị Bẻo, vợ ông cho hay.

Ông Lê Văn Miêu, chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà cho biết: Hiện nay tại xã Hồng Tiến, già làng Cu Lim là người duy nhất có thể làm nên những chiếc nỏ truyền thống của người Pa Cô. Chúng tôi rất mong nhiều bạn trẻ có thể học được nghề truyền thống này từ ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Pa Cô cuối cùng chế tạo nỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO