Người Quảng Nam lo mất làng

Tấn Thành 27/02/2017 09:00

Biển mỗi ngày một xâm thực sâu vào đất liền, uy hiếp vườn tược, nhà cửa, đất đai của người dân. Dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn tình trạng sạt lở nhưng người dân sinh sống ven biển Quảng Nam vẫn hàng ngày lo lắng…

Hàng trăm người nỗ lực cứu bờ biển Cửa Đại.

Lo “Hà Bá” nuốt làng!

Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm của miền Trung, có 125 km chiều dài bờ biển. Những năm gần đây, bờ biển liên tục bị triều cường tấn công. Nước biển xâm thực đã làm xói lở, cuốn trôi nhiều bãi tắm đẹp, nhiều khu dân cư ven biển, nhất là ở huyện Núi Thành và TP. Hội An.

Trong trận lũ cuối năm 2016, gặp chúng tôi trên bờ biển Cửa Đại, ông Nguyễn Lạy (50 tuổi), bảo vệ khách sạn FuSion Aliaa, cho biết ông đã ở đây hơn 7 năm nay chứng kiến bờ biển bị sóng đánh liên tục, nhưng chưa năm nào như năm nay, bờ biển Cửa Đại bị sóng đánh, sạt lở quá nặng.

Không chỉ Cửa Đại mà đất đai dọc theo ven biển Quảng Nam cũng bị triều cường tấn công. Như tại xã đảo Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, có nơi nước biển đã xâm thực sâu gần 100m chỉ trong vòng 10 năm qua.

Bà Nguyễn Thị Mận (69 tuổi), trú thôn Bình Trung, xã Tam Hải cho biết: “Tình trạng sạt lở biển Cửa Lở diễn ra nhiều năm rồi, hễ cứ đến mùa mưa bão, sóng biển lớn đánh mạnh vào bên trong bờ gây ra sạt lở hàng trăm mét bờ biển làm cho nhiều diện tích nuôi tôm, chăn thả vật nuôi bị thu hẹp. Trước đây bờ biển ở tuốt khơi xa bây giờ nó lấn sâu vào đất liền nhiều nhà cửa, vườn tược, cây dừa bị nước biển cuốn trôi”.

Qua quan sát của chúng tôi, hàng trăm mét bờ biển Cửa Lở bị sạt lở nặng. Rất nhiều người dân phải di dời đến nơi ở mới để lại những ngôi nhà bị sạt lở bỏ hoang cùng với những cây dừa trốc gốc nằm nghiêng ngả. Cùng với đó là diện tích nuôi tôm, chăn thả vật nuôi, vườn tược của người dân đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Trong khí đó, nhiều bãi biển trên địa bàn tỉnh cũng chịu chung số phận. Như bãi biển Thượng Thanh, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, bãi biển xã Tam Tiến, Tam Hòa, huyện Núi Thành, sóng lớn đã tấn công, biển ăn sâu vào đất liền một đoạn dài.

Nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao

Đó là thực trạng về các phương pháp, tiền của đầu tư cứu các bờ biển ở Quảng Nam hiện nay. Với bờ biển Cửa Đại đã có hàng trăm cuộc hội thảo từ quốc tế, trung ương đến địa phương, tại đây các chuyên gia trong và ngoài nước đã nêu ra rất nhiều biện pháp cứu bờ biển Cửa Đại cùng với đó là sự đầu tư không hề nhỏ. Thế nhưng hiệu quả chưa cao.

Ngay từ năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án chống xâm thực bờ biển Hội An với tổng kinh phí phê duyệt đầu tư gần 299 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là trên 80 tỷ đồng với chiều dài bờ kè xây dựng là gần 1.340m; đến nay thành phố Hội An đã đầu tư xây dựng xong được 714m bờ kè. Những đoạn bờ biển khác đang được tiếp tục thi công.

Thế nhưng ảnh hưởng của triều cường là khủng khiếp. Sau trận lũ những ngày cuối năm 2016, có mặt tại đây chúng tôi đã ghi nhận, chiều dài hơn 1km và một số đoạn của bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng, một vài nhà nhà hàng, khách sạn đã bỏ tiền tỉ làm kè chắn sóng nhưng vẫn bị triều cường đánh sập, hư hỏng hoàn toàn.

Còn tại thôn Thuận An, xã Tam Hải nơi có hai mặt giáp biển, do tình trạng xâm thực diễn ra nghiêm trọng nên 200 hộ dân nơi đây đang được chính quyền xã lên kế hoạch di dời đi nơi khác.

Được biết ngay từ năm 2012, BQL Khu kinh tế mở Chu Lai đã hỗ trợ địa phương xây dựng đoạn bờ kè biển dài gần 2km với tổng đầu tư 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây khu vực này đã bị sóng biển lấn sâu vào đất liền hơn 30m.

Theo các kết quả nghiên cứu thủy văn những năm qua, tốc độ dâng của mực nước biển trung bình năm tại thành phố Hội An tăng khoảng trên 0,5 cm/năm. Còn theo kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, với tổng diện tích bị ngập khoảng hơn 306 km2. Trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là thành phố Hội An với hơn 27% diện tích bị ngập…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Quảng Nam lo mất làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO