Người 'tái sinh' quần jean cũ thành đồ thời trang có 'một không hai'

Hoàng Vân 07/11/2021 10:00

Tận dụng những chiếc quần jean đã cũ, sờn mài, giãn và nhăn nhúm, chị Bùi Thị Kim Ngân (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã “biến hóa" thành những món đồ thời trang độc lạ.

Ngã rẽ kỳ lạ

Xuất phát từ ý tưởng “hồi sinh” những chiếc quần jeans cũ kỹ, chị Ngân nghĩ cách tái chế lại những vật liệu tưởng như bỏ đi, tạo ra nhiều sản phẩm thời trang mới lạ, độc đáo.

"Phải lòng" những chiếc quần jeans cũ, chị Ngân tìm cách tạo thành những món đồ thời trang.

Trong căn phòng rộng tầm 25 m2, người phụ nữ với thân hình bé nhỏ, bàn tay thoăn thoắt đo đạc tấm vải sờn màu vừa cắt ra từ chiếc quần jeans cũ kỹ. Chỉ khoảng 30 phút sau, tấm vải sờn đã “hóa” thành chiếc balo mới toanh với họa tiết bắt mắt.

Chị Ngân miệt mài đo đạc kích thước cho sản phẩm.

Tám năm trước, chị Ngân bén duyên với công việc tái chế đồ cũ từ. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông, chị đầu quân cho một công ty ở Hà Nội. Ngoài giờ làm hành chính, chị nhận những đơn hàng làm đồ thủ công tại nhà.

Những chiếc túi xách độc lạ được tái chế từ quần áo cũ.

Chị Ngân cho biết, sản phẩm của chị làm ra được mọi người đón nhận, truyền tay nhau sử dụng. Đây cũng chính là động lực để chị phát triển thêm việc tái chế quần jeans cũ, các ý tưởng về tái chế quần áo cũng từ đây mà ra. Chị bắt đầu quá trình thu gom quần áo cũ đổi lấy đồ tái chế.

Nhận được sự ủng hộ từ gia đình, chị Ngân quyết định nghỉ công việc văn phòng để làm bạn với những chiếc quần jeans cũ kỹ. Nhờ vào sự khéo léo, tỉ mỉ, chị Ngân đã kéo dài tuổi thọ của quần áo cũ biến chúng thành những đồ dùng thời trang có “một không hai”.

“Chưa bao giờ tôi nghĩ bản thân sẽ gắn bó với công việc này, thế nhưng đúng là có duyên, mà cũng nhờ có duyên nên bản thân tôi lại có thêm ngã rẽ kỳ lạ trong cuộc đời”, chị Ngân tâm tình.

Túi xách với phong phú, đa dạng từ kích thước đến mẫu mã.

Lúc đầu, chị Ngân chỉ tái chế quần jeans để đổi và tặng, tuy nhiên sau đó, chị quyết định bán sản phẩm thương mại để đưa các sản phẩm tái chế quần jeans có thể đi xa hơn nữa, từ đó truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường.

Chị nói: “Điều quan trọng cần lưu ý khi tiến hành tái chế đồ thời trang từ vật liệu tái chế đấy là tôn trọng mọi thứ thuộc về bản gốc và triệt để. Tái chế là lựa chọn cuối cùng của 1 chiếc quần/áo jeans. Nếu còn mới hoặc dùng được thì hãy cho người cần, để quần áo được tuần hoàn”.

Từng đường may, họa tiết trên túi được chị Ngân cẩn thận thuê thủ công.

"Muốn không bỏ sót bộ phận nào của một chiếc quần jeans cũ kỹ, bản thân người làm nên tận dụng hết những gì còn sót lại trên một chiếc quần từ cúc, tag mác… Trước khi tiến hành “hồi sinh” vật liệu này cần xem độ cũ và mới sau đó thì chọn mẫu phù hợp.

Tùy thuộc vào kích thước mong muốn mà sử dụng số lượng vải khác nhau, có thể sử dụng nhiều hơn 1 cái quần cho một chiếc túi tái chế”, chị Ngân bật mí.

Thông Thường, chị Ngân mất khoảng 3 giờ để hoàn thành 1 chiếc túi, thế nhưng cũng có những mẫu khó cần 1 đến 2 ngày. Để sản phẩm thêm phần độc đáo, chị thêu thêm hoa, chữ, hay bất kỳ hình ảnh nào khách hàng yêu cầu. Nếu thêu họa tiết, thời gian có thể kéo dài tới 4 đến 6 ngày. Những sản phẩm được thực hiện thủ công vì vậy chị Ngân rất nâng niu và trân trọng những “đứa con” của mình.

"Khoác" diện mạo mới cho quần jeans

Nhìn những chiếc túi nhỏ xinh được đặt ngay ngắn trên kệ, ít ai biết rằng chị Ngân từng trải qua quãng thời gian chiến đấu với bệnh tật đầy khó khăn để theo đuổi đam mê. Chị kể, vào năm 2012 chị đột nhiên bị ốm, ban đầu chị tìm đến những sản phẩm handmade để giảm stress. Tới 2013 bắt đầu làm trên chất liệu jean cũ.

Chị Ngân trải qua biến cố và quyết tâm gắn bó với công việc kéo dài dòng đời cho quần áo cũ.

“Lúc nằm trên giường bệnh tôi đã nghĩ rất nhiều về ý nghĩa cuộc sống. Con người sinh ra là để tạo nên giá trị, chứ cứ lặng lẽ đến và đi thật uổng phí một đời. Nên tôi đã theo đuổi dự án tái chế từ thời điểm đó đến nay”, chị Ngân nói.

Trước khi mang những sản phẩm đi vào thương mại hóa, chị Ngân thường tìm kiếm vật liệu từ người quen, sau đó may túi để đổi lấy quần áo jeans cũ. Hiện, hàng năm chị vẫn duy trì đổi 3 lần vào tháng 3,7 và 11.

Với chị, mọi thứ đều có ý nghĩa riêng và những chiếc quần jeans cũ cũng vậy.

Theo chị, mọi thứ sinh ra đều có ý nghĩa riêng, phục vụ cho những mục đích khác nhau. Dù cũ hay không còn mặc được nữa thì chỉ cần sắp xếp hợp lý sẽ tạo ra một món đồ thời trang mới. Những món đồ cũ sẽ được “hồi sinh” chỉ khi chúng ta biết tận dụng và trân trọng chúng. Có như vậy, chúng mới trở nên có ích hơn

“Tôi mong muốn các bạn hãy luôn tin vào chính bản thân các bạn. Dù là tôi hay là những chiếc túi, đều sẽ tìm được vị trí mình thuộc về. Cuộc sống tạo ra khó khăn không phải để chúng ta chấp nhận số phận, mà là cơ hội để chúng ta vươn lên số phận, vượt qua chính mình”, chị Ngân nhắn nhủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người 'tái sinh' quần jean cũ thành đồ thời trang có 'một không hai'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO