Người tạm trú phải 'lót tay' khi đăng ký hộ khẩu

Thùy Dương 17/06/2016 06:26

Có đến gần 60% người dân tại các địa bàn được khảo sát cho rằng quy định về hộ khẩu góp phần làm tăng tiêu cực, tham nhũng. Nhiều người đã than phiền về những chi phí không chính thức liên quan đến hộ khẩu (từ 2 triệu đồng trở lên), trong đó có 2,2% người tạm trú thừa nhận từng phải “lót tay” khi đăng ký hộ khẩu. Trong khi đó, đến nay vẫn có 53% người tạm trú muốn được chuyển sang đăng ký thường trú, nhưng điều này không dễ.

Người tạm trú phải 'lót tay' khi đăng ký hộ khẩu

Ảnh minh họa-Internet.

Thông tin này được Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Nhóm Ngân hàng thế giới tại Việt Nam công bố tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu Nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam ngày 16/6.

Khảo sát của Ngân hàng thế giới và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam được thực hiện tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắk Nông, Bình Dương) cho thấy, có 5,8 triệu người không có hộ khẩu, trong đó hầu hết là tạm trú dài hạn (1 năm trở lên) với 60% cư dân ở Bình Dương, 13% tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 22%.

Ngoài thiệt thòi hơn trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, xin việc làm, người tạm trú còn chịu thiệt khi phải đóng tiền điện cao hơn. Đáng chú ý, có đến gần 60% người dân tại địa bàn khảo sát nhận thấy quy định về hộ khẩu góp phần làm tăng tiêu cực, tham nhũng.

Nhiều người đã than phiền về những chi phí không chính thức liên quan đến hộ khẩu (từ 2 triệu đồng trở lên), trong đó có 2,2% người tạm trú thừa nhận từng phải “lót tay” khi đăng ký hộ khẩu. Trong khi đó, đến nay vẫn có 53% người tạm trú muốn được chuyển sang đăng ký thường trú, nhưng điều này không dễ.

Theo ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế Ngân hàng thế giới, tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đều yêu cầu hộ khẩu bắt buộc với công chức thông thường nhưng miễn yêu cầu này với trường hợp đặc biệt như thủ khoa, thạc sĩ, tiến sĩ loại giỏi. Đây là một rào cản cho những người không có hộ khẩu thành phố muốn xin việc ở thành phố.

Ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo người tạm trú có khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác.

“Phải giảm các rào cản để có hộ khẩu trường trú như rút ngắn thời gian yêu cầu cư trú tối thiểu, hạn chế các quy định mà chính quyền thành phố có thể đặt ra cho người đăng ký hộ khẩu. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam”-ông Achim Fock bày tỏ.

Theo ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thì hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội Việt Nam vốn đang trải qua những thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế. Vì vậy, hệ thống này cần được thay thế bởi một công cụ hiện đại và khoa học hơn, qua đó tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tạm trú phải 'lót tay' khi đăng ký hộ khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO