Người tiêu dùng mất dần niềm tin với hàng online

Minh Phương 16/12/2020 06:44

Thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các kênh bán hàng trực tuyến đã được cảnh báo từ lâu, nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn phức tạp tinh vi hơn, lộng hành hơn.

Nhà quản lý khuyến cáo, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi click chuột.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử vẫn đang có chiều hướng diễn biến rất phức tạp, tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, chính sách quản lý sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều kẽ hở khiên cho việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái trên các kênh trực tuyến vẫn còn rất khó khăn.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương (Cục CT&BVNTD) cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại liên quan đến việc mua sắm trực tuyến. Cụ thể, người tiêu dùng phản ánh về việc mua hàng trên mạng không giống với quảng cáo, có sự chênh lệch giá lớn giữa các nhà bán lẻ, nhà bán lẻ có dấu hiệu lừa đảo, công dụng của sản phẩm không được tốt như những nhận xét (review) trên mạng, khó khăn trong việc thanh toán bằng phương thức điện tử...

Trước những bất cập đó, nhằm giúp người tiêu dùng tránh những nguy cơ bị lừa đảo và có được trải nghiệm tốt khi mua sắm trực tuyến, Cục CT&BVNTD khuyến cáo, khi cân nhắc về việc mua sản phẩm hoặc dịch vụ online, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm,dịch vụ đó. Do đặc tính của mua sắm trực tuyến là không gặp trực tiếp nhà bán hàng, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu kỹ về nhà bán hàng.

Bên cạnh việc tham khảo người thân, bạn bè, người tiêu dùng có thể sử dụng công cụ tìm kiếm về nhà bán hàng kèm từ khóa “nhận xét”, “chất lượng”, “có tốt không”, “lừa dối”, “lừa đảo”,… “Khi xuất hiện những dòng nhận xét không tốt trong mục kết quả, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ về quyết định mua hàng” - Cục CT&BVNTD lưu ý.

Hiện nay, các sàn thương mại điện tử kết nối người mua hàng với rất nhiều nhà bán lẻ, cùng một sản phẩm nhưng đôi khi lại có sự chênh lệch lớn về giá bán. Một trong những nguyên nhân của sự chênh lệch này là do cách hiển thị giá của nhà bán lẻ (cách tính giá). Ví dụ: một số nhà bán lẻ chỉ thể hiện giá của sản phẩm, một số khác thể hiện giá đã bao gồm giá sản phẩm và các loại thuế, phí giao hàng,… V

ì vậy, theo Cục CT&BVNTD, người tiêu dùng nên so sánh tổng giá trị giao dịch, bao gồm phí vận chuyển và giao hàng, các loại thuế, thay vì so sánh mỗi giá bán của sản phẩm đó. Việc này giúp cho người tiêu dùng có được giá chính xác của sản phẩm, từ đó giúp cho trải nghiệm mua sắm tốt hơn, thuận tiện hơn, hạn chế được tình trạng phản ánh/khiếu nại do hiểu sai về giá sản phẩm

Trong những năm gần đây, khi nhận xét sản phẩm/dịch vụ (review) đã trở nên rất phổ biến, thì phần lớn người tiêu dùng có xu hướng tìm đọc nhận xét trên mạng trước khi quyết định có mua hàng hay không. Tuy nhiên, không phải tất cả nhận xét trên mạng đều dựa trên việc mua, sử dụng, và cảm nhận thật.

Bởi có nhiều có trường hợp nhận xét được chính công ty bán sản phẩm/dịch vụ đó xây dựng, hoặc của DN đối thủ xây dựng. Bởi vậy, người tiêu dùng cần phải rất tỉnh táo, tìm hiểu và tham khảo kỹ trên nhiều kênh.

Hiện nay đã có nhiều phương thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến. Theo Cục CT&BVNTD, người dân nên cân nhắc lựa chọn kênh thanh toán an toàn như thẻ tín dụng, ví điện tử hay thanh toán khi nhận hàng, tránh phương thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro như chuyển khoản trước - nhận hàng sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tiêu dùng mất dần niềm tin với hàng online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO