Những câu chuyện hồi hương

Quốc Định 01/01/2018 07:40

Câu chuyện của hai vị doanh nhân kiều bào dưới đây là ví dụ điển hình cho biết bao tấm lòng của những người con đất Việt đối với nơi đã từng “chôn nhau cắt rốn”.

Những câu chuyện hồi hương

Hơn 40 năm qua, TS Nguyễn Trí Dũng (giữa) luôn thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Thành đạt và trở về

Sinh năm 1956, tuổi thơ của ông Nguyễn Thanh Mỹ là một chuỗi dài những ngày gian khổ, vất vả. Cha bỏ nhà đi, một mình mẹ ông phải tần tảo xoay xở nuôi năm đứa con nhỏ.

Đã vậy, không lâu sau, mẹ ông cũng phải đi trốn vì bị phát hiện giúp đỡ cách mạng.

Vậy là ông phải sớm vào đời lăn lộn mưu sinh bằng nghề bán bánh mì, bán cà rem… để có thể tiếp tục đi học và nuôi mấy em.

Với nỗ lực vừa làm vừa học, năm 1978, ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM.

Ra trường trong thời kỳ bao cấp còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đi làm chưa được bao lâu thì ông vượt biên với hy vọng sẽ tìm được cuộc sống khá giả hơn.

Sang Canada, ông phải học lại dự bị đại học. Hơn 10 năm trời, ông vừa học vừa làm phục vụ, rửa chén bát ở các nhà hàng, chi tiêu tằn tiện nên cũng “sống được”.

Năm 1990, ông lấy bằng tiến sĩ ngành hóa vật liệu và được nhận vào làm việc ở IBM, rồi sau đó làm cho một chi nhánh của Hãng Kodak.

Trong quãng thời gian này, ông đã tập trung nghiên cứu và đưa ra 50 phát minh được thế giới công nhận, trong đó phát minh vật liệu bản kẽm CTP – công nghệ mới trong ngành in kỹ thuật số vào năm 1994.

Năm 1997, ông Thanh Mỹ đứng ra mở công ty riêng có tên Amerrican Dye Source, Inc (ADS).

Lúc đầu ADS phải mượn tạm cơ sở của một đơn vị khác, nhưng chỉ sau một năm hoạt động đã có cơ ngơi riêng và từ đó trở đi đều đặn sinh lãi với việc bán bản quyền phát minh cho các công ty lớn thu về cả chục triệu USD Mỹ/năm.

Tuy thành công trong nghiên cứu phát minh và thành đạt trong kinh doanh nơi xứ người nhưng ông vẫn nuôi giấc mơ trở về sống và làm việc trên mảnh đất quê hương khi đã quả nửa đời bôn ba nơi đất khách.

Vậy là ông giao lại Công ty ADS cho 2 người con đã trưởng thành và thuyết phục người vợ cùng về Việt Nam đầu tư làm ăn, góp phần vào việc phát triển kinh tế quê hương.

Năm 2006, ông thành lập Công ty Hóa chất Mỹ Lan tại Trà Vinh, chuyên nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các hóa chất tinh khiết dùng trong lĩnh vực quang điện tử và in kỹ thuật số với số vốn đầu tư tương đương 17 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

Vào khuôn viên làm việc của Công ty Mỹ Lan, nhiều người có cảm giác như vào một khu du lịch với không gian xanh thoáng mát, với sân bóng đá, sân tennis, phòng tập võ thuật có huấn luyện viên chuyên nghiệp hẳn hoi…

“Tất cả đều miễn phí. Trong công ty này cái gì tôi được hưởng thì công nhân cũng vậy”- ông Mỹ cho biết.

Là một doanh nhân bận rộn, nhưng ông Nguyễn Thanh Mỹ cũng rất quan tâm và dành nhiều thời gian cho việc tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Ông Mỹ được bầu làm Trưởng khoa Hóa học Ứng dụng của Trường Đại học Trà Vinh, trực tiếp tham gia giảng dạy những môn học chính như phương pháp phân tích quang phổ, hóa học hữu cơ.

Đặc biệt, môn Hóa học polimer linh hoạt và vật liệu cao cấp là chuyên ngành duy nhất ở các trường đại học ở Việt Nam, đã mở được nhiều khóa.

Nhằm hỗ trợ tài năng trẻ, công ty của ông còn tài trợ học bổng cho học sinh giỏi ở Trường Trung học chuyên của tỉnh và tài trợ giải thưởng cho các cuộc thi Olympic tại tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, ông còn thể hiện sự gắn bó và trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động xa hội.

Tính từ đầu năm đến nay, Công ty Mỹ Lan đã dành hơn nửa tỉ đồng để làm công tác xã hội.

“Nơi đây là quê hương của mình, giờ có điều kiện rồi thì mình sẽ giúp đỡ cho địa phương nhiều hơn, và sẽ dành số tiền nhiều hơn cho công tác xã hội…”- ông Mỹ bộc bạch.

Hơn 40 năm làm cầu nối Việt - Nhật

TS Nguyễn Trí Dũng là Việt kiều ở Nhật từng được Chính phủ mời về nước để đóng góp chất xám xây dựng đất nước từ năm 1976, gặp chúng tôi ông say sưa nói về dự án kinh doanh du lịch “Du lịch văn hóa - Khám phá Nhật Bản” mà công ty ông đã triển khai.

Căn nhà sàn làm bằng gỗ được ông sử dụng làm văn phòng cho công cuộc kinh doanh mới này. Đây là lĩnh vực hoạt động mà ông phát triển thêm cho Công ty Minh Trần vốn là công ty điện tử công nghệ cao, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm triệu sản phẩm cho thị trường quốc tế.

TS Dũng cho biết, trong suốt hơn 40 năm qua, ông đã dẫn hàng trăm đoàn khách Nhật sang thăm Việt Nam, làm cầu nối giúp họ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Ông cũng giữ trọng trách giới thiệu, quảng bá nền văn hóa Nhật Bản trong vai trò Đại sứ thiện chí đặc biệt của tỉnh Hyogo (Nhật Bản).

Bề dày kinh nghiệm trong hoạt động giao lưu, kết nối là yếu tố quan trọng nhưng quan trọng hơn là ông nhìn thấy có một nhu cầu khác về du lịch.

“Du lịch không chỉ để đi chơi mà thông qua đó phải học hỏi, khám phá được một cái gì đó có ích, nâng kiến thức, văn hóa của mình lên. Giống như ông bà mình nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vậy”- TS Dũng nói.

Một ý tưởng khá thú vị và nếu thành công thì đúng là tạo nên một sự thay đổi quan niệm đối với du lịch.

Có thể tạm gọi đây là du lịch tạo ra giá trị gia tăng, hoàn toàn khác với nhiều chương trình tour hiện nay chủ yếu để giải trí, ngắm cảnh, mua sắm, ăn ngon…

TS Dũng hiểu rằng, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam chính là thiếu nguồn lực cho nền kinh tế. Vì vậy từ năm 1989, ông quyết định mở Trường Doanh thương Trí Dũng.

Đây cũng là trường tư thục đầu tiên của cả nước và cũng là ngôi trường đi tiên phong trong việc đào tạo những ngành nghề phục vụ cho nền kinh tế thị trường như: quản trị kinh doanh, marketing, ngân hàng, tài chính, ngoại ngữ và đặc biệt nhất là hệ thống kế toán Mỹ.

Ngoài nhu cầu rất lớn của các công ty nước ngoài, các công ty liên doanh, nhiều cơ quan nhà nước cũng gửi nhân viên, cán bộ nhờ trường đào tạo, bồi dưỡng thêm.

Như một nhân duyên mới, TS Nguyễn Trí Dũng và một chuyên gia Việt kiều trẻ là TS Henry Nguyễn Thái Hòa - giám đốc chất lượng của Tập đoàn Schneider Elictric trên toàn châu Á - Thái Bình Dương, bắt tay xây dựng chương trình mới “Giấc mơ Việt Nam - Vươn tới đỉnh cao” tại Khu vườn Minh Trân nhằm tăng năng suất, giá trị cốt lõi và tính bền vững cho doanh nghiệp Việt. Họ đã gặp nhau ở một niềm tin về tương lai đất nước.

Nhìn rõ hơn những thế mạnh tiên phong có thể tạo sự khác biệt cho Việt Nam và cả những mặt hạn chế để nỗ lực làm khác đi và từ đó vươn lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những câu chuyện hồi hương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO